Lên động tiên

20-01-2018 10:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Khi chúng tôi vừa đến cửa chùa Hang (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) thì sương đổ xuống từ trên ngọn núi Huyền Vũ. Kèm theo chút mưa bụi, vừa se lạnh vừa âm u. Những chú chim nhảy lanh chanh trên cành đào rừng nở hoa lập lòe như búp lửa.

Chùa nằm trong hang, giữa ba ngọn núi, phía trước là dòng sông Cầu. Cảnh sắc mơ màng nhất là khi cầu vồng quầng trên lưng núi. Nắng hừng lên trong bụi mưa bay lơ lửng như tấm mảnh rủ trước cửa chùa...

Toàn cảnh chùa Hang.

Toàn cảnh chùa Hang.

Chuyện của những nàng tiên

“Tôi về với những nàng tiên. Đêm đêm hạ giới đi thuyền suối trăng. Thiên thai ca múa dịu dàng. Du dương tiếng sáo bay ngang sông Cầu. Cánh tiên thấp thoáng hang sâu. Rủ nhau tắm mát bên lầu Tuyền Long”. Có nhà thơ đã đến đây viết lại câu chuyện xưa về các nàng tiên trốn xuống núi Long Tuyền rong chơi ca múa trên sông Cầu, mải vui quên cả đường về. Riêng trong số đó có nàng tiên thứ bảy vì quá yêu người mến cảnh hang động, sông suối dưới chân núi, thường xuyên lén xuống hạ giới tắm bên giếng Mắt Rồng, nên bị Ngọc hoàng phạt. Nàng bị nhốt trong hang suốt đời. Không được về thiên cung nữa. Dân gian vẫn gọi động trong núi Huyền Vũ này, với cái tên động Tiên Lữ. Từ đó mỗi ngày động Tiên Lữ một đẹp thêm vì thiên nhiên đã ban tặng cho nàng tiên thứ bảy. Trong lòng hang có dòng suối Long Tuyền róc rách chảy về hướng Tây Nam. Động lúc nào cũng mát rượi cùng các nhũ thạch rủ xuống như những bông hoa rừng với dáng điệu như cùng múa với nàng tiên mỗi khi thức giấc. Chính từ mạch suối Long Tuyền ngầm chảy rồi bất ngờ phun trào thành một giếng nước trong vắt. Đó chính là giếng Mắt Rồng.

Động Tiên Lữ càng huyền ảo bao nhiêu thì cảnh sắc chân núi Huyền Vũ lại càng kỳ thú bấy nhiêu. Đó là một đồng cỏ xanh rộng lớn, thẳng cánh cò bay, bên dòng sông Cầu êm đềm trôi. Chính đó là nơi các nàng tiên trở về trong những đêm trăng sáng. Bản nhạc của rừng núi cùng với chim ca và gió hát hòa trong những vũ điệu thần tiên trong câu chuyện cổ tích ngàn xưa. Thế rồi trong một đêm mơ, vua Lý Thánh Tông được Phật dắt lên ba ngọn núi Huyền Vũ, Thanh Long và Bạch Hổ ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Một vùng sơn cước núi non đẹp như tranh thủy mặc. Ngài chỉ tay xuống đồng cỏ rồi nói nơi đây chính là điểm phát tích tâm Phật cho chúng sinh phật tử muôn đời. Tỉnh giấc, vua kể lại câu chuyện trong cơn mơ cho vợ là Nguyên phi Ỷ Lan nghe và thấy trong lòng ấm áp, thanh thản làm sao. Nguyên phi Ỷ Lan là người có lòng ngưỡng mộ Phật giáo nên đã đến tận nơi xem xét, quả thấy cảnh vật, núi non và địa thế, nổi lên dư khí của mảnh đất địa linh. Đặc biệt bà thấy động Tiên Lữ rộng lớn và thoáng mát, nên lập tức truyền lệnh cho xây một ngôi chùa ngay trong hang động và đặt tên là Kim Sơn tự. Từ đó ngôi chùa trong hang được dân gian truyền tụng đến dâng hương và cầu phúc, cầu an, tỏ lòng thành kính với trời đất và đức Phật hiển linh. Họ luôn gọi đó là chùa Hang, hay chùa Tiên Lữ (Tiên Lữ Phật động) để nhớ tới sự yên vui và tình yêu non sông của những nàng tiên trong câu chuyện cổ tích xa xưa.

Chùa Hang có một không gian hết sức kỳ bí, bởi càng vào sâu hang càng rộng dần, cùng với những ngóc ngách bất ngờ. Đó có khi là con đường thăm thẳm, cô tịch với cõi âm u mê như đi xuống âm phủ. Hoặc lại có khi hun hút lấp lánh ánh sáng rọi chiếu từ trên cao, một cõi tiên dẫn lên trời. Chúng tôi mải mê vượt qua những nhũ đá hoa vôi đến với giếng Mắt Rồng, nơi các nàng tiên thường tắm mát và ca múa trong đêm trăng. Quả đó là một giếng thần, quanh năm trong vắt, soi bóng người như chiếc gương trời ảo mộng, chốn thiên thai trong ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao ngày nào, với những lời ca: “Thiên thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp bướm trần gian... Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời. Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền nan. Quê hương dần xa lấp núi ngàn. Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền. Ai hát trên bờ Đào Nguyên...”.

Cảnh đẹp trong hang động chùa Hang.

Cảnh đẹp trong hang động chùa Hang.

Những áng thơ trên vách đá

Vậy là chùa Hang được hình thành hơn 1.000 năm, trải qua những năm tháng được tu sửa tôn tạo, nhưng thời nào nơi đây vẫn là một trung tâm Phật giáo. Hàng năm từ 19 đến 21 tháng giêng, lễ hội chùa Hang được tổ chức thu hút hàng chục ngàn phật tử và du khách đến dâng hương và chiêm bái. Chùa Hang tọa lạc tại vùng sơn cước, nơi sinh sống của hàng triệu người dân tộc thiểu số, nên nét văn hóa Phật giáo cũng hết sức đa dạng và sâu sắc. Phần lễ cũng phong phú phù hợp với dân sinh, với các lễ tạ ơn thần sông, thần suối, thần núi... cầu mong cho người dân các tộc, vùng miền luôn luôn mưa thuận gió hòa, cấy hái, trồng trọt, chăm rừng luôn luôn xanh tốt.

Cùng với năm tháng trải qua bao triều đại, chùa Hang luôn được duy trì xây dựng ngày một tôn nghiêm, linh thiêng. Nơi đây vừa có nét đẹp thiên nhiên kỳ ảo, hấp dẫn bao tao nhân mặc khách tụ về. Ngay tại vách cửa hang chùa còn lưu dòng đối cổ, khắc lời: “Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất. Danh lam con người tạo ra không thua kém”. Hay bên cạnh đó còn có câu: “Cảnh sắc sáng một vùng trời đất. Đạo lý ngời ngời xưa nay”. Đặc biệt trong hang động của chùa vẫn còn lưu bút tích của những nhà chí sĩ và thơ ca trên vách đá. Họ cảm xúc với chốn bồng lai tiên cảnh và sự linh thiêng của xứ sở núi rừng này, qua những vần thơ cổ kính. Chúng tôi theo chân cô gái Tày, một hướng dẫn viên xinh đẹp để nghe đọc thơ được khắc họa trên đá. Có lẽ tiêu biểu nhất là câu thơ của thi sĩ Vũ Quỳnh vào thời Hồng Đức (đời vua Lê Thánh Tông). Bài thơ tứ tuyệt của ông làm khi đến chơi động Tiên Lữ viết, có ý nghĩa rằng: “Trong động trời riêng ngày ngày đổi khác. Trong bầu không có nơi nào lại chẳng có gió xuân thổi tới. Thế giới người Tiên hân hoan kỳ ngộ. Thật thích hợp với đạo làm ta tĩnh lặng hướng thú nhàn” (Du Tiên Lữ động lưu đề). Một nhà thơ đã hứng khởi chuyển ý rằng: “Gió xuân thổi khắp nơi nơi. Chùa Hang tựa một bầu trời linh thiêng. Nơi đây là chốn người Tiên. Dâng hương giải hết ưu phiền, an vui”. Ngoài hai danh sĩ Vũ Quỳnh và Đặng Nghiệm, còn có nhà thơ Cao Bá Quát, đời vua Tự Đức (năm 1859) đã từng đến du ngoạn nơi đây và cũng đã có bài thơ vịnh cảnh cảm thán chốn linh thiêng này. Đó là những di sản văn hóa điểm tô cho chùa Hang thêm phần linh thiêng với những Phật tử khắp nơi đổ về mỗi kỳ lễ hội.

Nhưng có lẽ ngoài phần đạo của chùa Hang là một trung tâm Phật giáo lớn trong cả nước, còn về phần đời các sư trụ trì nơi đây cũng đã có công sức gắn bó với những hoạt động xã hội cởi mở. Có thể kể đến những câu chuyện vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hoặc thời chống Mỹ của quân và dân cả nước trong giai đoạn gay go và quyết liệt nhất, chùa Hang đã trở thành một căn cứ quân sự quan trọng. Với lòng hang sâu và bằng phẳng, hang đã trở thành nơi trú quân, trạm cấp cứu chữa bệnh cho những chiến binh và nhân dân trong vùng. Hang còn trở thành địa chỉ sơ tán cho những trường học mỗi khi giặc dội bom, đánh phá miền Bắc. Tất cả những đóng góp của nhà chùa được khắc ghi trong tình cảm của mỗi người dân địa phương và hàng triệu Phật tử đã đến đây. Đó chính là những bài thơ trong lòng người. Có điều kỳ lạ, không gian của chùa Hang đã được mở rộng, với diện tích lớn 8,2ha; đã khởi công vào thời gian được bấm quẻ kinh dịch như một thời khắc trời ban, vào đúng 11 giờ 11 phút, ngày 11/11/2011. Hiện công trình tu bổ xây dựng đang tiếp tục. Kiến trúc chùa ngày một tráng lệ bên sông. Điểm nổi bật trong chùa là trung tâm từ thiện xã hội. Đây là một địa chỉ không chỉ hướng phật tử về đạo Phật mà còn là nơi hành thiện giúp đỡ những người nghèo. Cùng đoàn đi dâng hương với chúng tôi, có một cựu chiến binh đã cảm tác với thi họa, viết ngay trong hang động kỳ ảo này. Lời lẽ chân tình mộc mạc: “Đây là chốn linh thiêng. Vết thương lòng dâu bể. Chùa cứu nhân độ thế. Đạo đời mối lương duyên”. Với vẻ đẹp nên thơ cùng những cấu trúc huyền bí và chiều sâu văn hóa tâm linh, chùa Hang đã được chọn là một trong 100 ngôi chùa Việt Nam tiêu biểu nhất (bình chọn năm 2011).  Lời truyền trong dân gian mãi mãi khắc ghi: “Thượng Đu - Đuổm, hạ Lục đầu Giang. Nếu chưa đến hội chùa Hang chưa về. Dù ai buôn bán trăm nghề. Hai mươi lễ hội nhớ về chùa Hang”.

Hoạt động văn hóa trong lễ hội.

Hoạt động văn hóa trong lễ hội.

Niệm chú bên hoa

Có một sự hình thành hết sức tự nhiên, tựa như luôn luôn dựa vào thế giới tâm linh, đó chính là con người. Đúng như lời ông cha truyền lại: “Đất lành chim đậu” chính là nói về con người. Thế đất địa linh ắt sẽ tụ về nhân kiệt. Chính nét đẹp thần tiên, chùa Hang trên mảnh đất địa linh này dần dần quy tụ dân sinh mười phương tám hướng sinh sống, bao quanh ba ngọn núi. Chỉ cách bên kia bờ sông Cầu, theo thời gian thành phố Thái Nguyên được hình thành như một thủ phủ của toàn bộ khu Việt Bắc. Theo như cô hướng dẫn viên nói, các phật tử về đây nhìn lên ba ngọn núi ôm lấy chùa Hang, ai cũng chắp tay vái trời đất, một cõi linh thiêng đem đến những suy ngẫm trong tâm can về cõi vô thường. Cô bất ngờ đọc mấy câu thơ thiền cho mọi người nghe: “Siêng năng quét rác vườn tâm. Cho cây tuệ giác nảy mầm tốt tươi”. Đúng là đến chùa tu là vậy làm cho sạch rác rưởi trong tâm hồn.

Chúng tôi ai nấy đều thấm thía lời triết lý ấy từ cõi Phật. Nhưng rồi giọng cô gái người Tày lại ngọt ngào vang lên, khi trời bỗng trở lạnh, những bông hoa đào trên vách núi đã lẩn trong sương. Cô đọc lời thơ như hát lên vậy. Chắc hẳn đó là một bài dân ca Tày mà đã thuộc về nơi đây: “Tuyết bay tuyết nở nụ cười. Trong hoa có tuyết trong người có hoa. Tuyết mênh mông, tuyết bao la. Tuyết, người, hoa, mộng chỉ là tuyết bay”. Chúng tôi ngỡ như đó là lời của tiên trong động, bởi bóng dáng cô gái Tày bỗng như lẩn qua vách đá, biến mất. Chỉ còn lời cuối cùng làm chúng tôi sửng sốt vì một áng thi thiền nhẹ như bông hoa trong sương. Nào ai hãy nhớ: “Thở đi nhẹ một kiếp người. Vui đi để có nụ cười thênh thang”.


Bài và ảnh: Cảnh Linh
Ý kiến của bạn