Lệch khớp cắn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

06-09-2024 22:28 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lệch khớp cắn là tình trạng lệch tâm của răng hàm trên và răng hàm dưới hoặc 2 hàm trên và dưới không cắn khít lại với nhau. Khi lệch khớp cắn, các răng trên cung hàm mọc lệch và không thẳng hàng, làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt, gây khó khăn khi ăn nhai, phát âm…

Lệch khớp cắn gây các bệnh răng miệngLệch khớp cắn gây các bệnh răng miệng

SKĐS - Lệch lạc khớp cắn cùng với sâu răng và bệnh nha chu là vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến. Sai lệch khớp cắn không chỉ làm mất thẩm mỹ của khuôn mặt, gây mất tự tin khi giao tiếp mà còn ảnh hưởng lớn tới chức năng ăn nhai của răng. Vậy làm thế nào để phòng tránh và điều trị triệt để nhất?

1. Nguyên nhân gây lệch khớp cắn

Lệch khớp cắn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Do di truyền sai hình xương: Nguyên nhân của lệch khớp cắn đầu tiên phải kể đến là yếu tố di truyền. Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến vị trí và kích thước của xương. Theo nghiên cứu, có sự liên hệ mật thiết giữa yếu tố di truyền và sự phát triển của xương hàm mặt trong đó có lệch lạc khớp cắn. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất đó là khi các thế hệ trong gia đình đều có chung một tình trạng lệch khớp cắn tương tự nhau.
  • Do xương hàm trên và xương hàm dưới khác nhau về kích thước.
  • Những người bị dị tật bẩm sinh như hở hàm ếch, sứt môi,...
Lệch khớp cắn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Hình ảnh lệch khớp cắn chéo trước (trái) và lệch khớp cắn chéo sau (phải).

  • Do tình trạng mất răng, răng thừa, hình dạng răng bất thường, răng bị va đập mạnh.
  • Do các thói quen xấu từ nhỏ: Mút ngón tay, tật đẩy lưỡi vào răng khiến răng mất răng sữa sớm, các thói quen như tật mút tay, đẩy lưỡi, ngậm ti giả lâu... kéo dài sẽ có xu hướng đẩy răng mọc không đúng vị trí ban đầu dẫn đến hiện tượng lệch khớp cắn.
  • Do chấn thương nặng khu vực răng hàm mặt khiến xương hàm bị sai lệch.
  • Do khối u xuất hiện ở hàm và miệng.
  • Yếu tố về răng và hàm: Răng sữa bị mất sớm, kích thước răng quá lớn so với hàm, dị tật hàm bẩm sinh như hở hàm ếch, sứt môi,…
  • Sử dụng các khí cụ chỉnh nha phù hợp tại các cơ sở nha khoa uy tín để hạn chế biến chứng.
  • Ngoài ra, do bị ảnh hưởng bởi phương pháp niềng, thiết bị hoặc vật liệu hàn răng không phù hợp lệch khớp cắn.

2. Biểu hiện khi bị lệch khớp cắn

2.1 Dấu hiệu nhận biết lệch khớp cắn

Bạn có thể dễ dàng nhận biết bị lệch khớp cắn hay không qua những biểu hiện dưới đây:

  • Cảm thấy khó chịu mỗi khi nhai, cắn, nghiền nát thức ăn.
  • Răng mọc khấp khểnh, không theo trật tự, hai hàm không khép kín khi cắn chặt răng lại.
  • Khuôn miệng thay đổi (hô hoặc móm).
  • Giọng nói thay đổi, đôi khi bị ngọng.
  • Rất hay cắn phải má trong hoặc cắn phải lưỡi khi đang ăn, khi nói chuyện.
  • Thường xuyên thở bằng miệng.
  • Ngăn ngừa thói quen xấu bằng việc không cho trẻ mút tay và sử dụng núm vú giả khi trẻ được từ 2 - 3 tuổi.
  • Nhổ răng sữa đúng cách khi trẻ có dấu hiệu lung lay răng, giữ khoảng khi mất răng sữa sớm.
  • Khám nha khoa định kỳ 2 lần/năm để điều trị tốt bệnh sâu răng, viêm nha chu.
  • Với bệnh nhân mất răng hoặc răng thưa cần thực hiện trồng hoặc niềng răng để nâng cao hiệu quả điều trị.

2.2 Những loại lệch khớp cắn thường gặp

Có các loại lệch khớp cắn thường gặp là:

Lệch khớp cắn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Hình ảnh lệch khớp cắn hở.

Khớp cắn ngược

Khớp cắn ngược dân gian thường gọi là móm. Trong trường hợp này thì xương hàm dưới bị đưa ra ngoài và phát triển quá mức so với hàm trên. Nếu nhìn nghiêng khuôn mặt, phần môi dưới của người bệnh sẽ chìa hẳn ra ngoài so với môi trên. Trong một số trường hợp khớp cắn ngược biểu hiện nặng, không những chỉ phần môi dưới mà cả phần cằm của bệnh nhân chìa hẳn ra bên ngoài khiến khuôn mặt trở nên mất cân đối nghiêm trọng, nhìn nghiêng có hình dạng như lưỡi cày.

• Khớp cắn chéo

Khớp cắn chéo là tình trạng phần răng của người bệnh bị xô lệch do việc phát triển của răng không đều dẫn đến răng bị thò thụt khác nhau. Điều này làm phá vỡ sự đối xứng của răng hàm trên và hàm dưới, đặc biệt biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười.

• Khớp cắn sâu

Với những trường hợp bệnh nhân bị khớp cắn sâu, hàm dưới bị khuất và không thể nhìn thấy được nếu nhìn nghiêng. Người bị lệch khớp cắm sâu thường kèm theo bị hở lợi, mặt ngắn. Do có biểu hiện bên ngoài khá giống nhau nên khớp cắn sâu ở một số trường hợp bị nhận nhầm là khớp cắn hô (hay hô vẩu).

• Khớp cắn hô (hô vẩu)

Người bị khớp cắn hô vẩu thì phần răng cửa trên của người bệnh bị hô về phía trước một khoảng rộng và khác với khớp cắn sâu là hàm trên và hàm dưới chỉ bị lệch. Người bị hô vẩu thường khó hoặc không thể ngậm kín miệng, khi ngủ sẽ mở miệng, khi nhìn nghiêng hoặc khi cười sẽ thấy rõ ràng phần hô, gây mất thẩm mỹ và có thể ảnh hưởng đến chức năng nói của bệnh nhân.

• Khớp cắn hở

Những người bị khớp cắn hở thì phần răng cửa bị hở, người bệnh không thể hoàn toàn khép răng để tránh người đối diện nhìn thấy lưỡi của mình, từ đó gây ra các vấn đề về thẩm mỹ và tâm lý khi giao tiếp.

Ngoài ra, khớp cắn hở cũng khiến bệnh nhân khó nhai, hoặc xé thức ăn bằng răng giữa cửa.

3. Phương pháp điều trị lệch khớp cắn

Đối với trường hợp lệch khớp cắn do yếu tố di truyền, do sai hình xương, hoặc lệch khớp cắn nặng, thì phẫu thuật hàm là phương pháp hay được lựa chọn. Còn thông thường, chỉnh nha là phương pháp phổ biến để điều trị lệch khớp cắn. Đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh chụp X-quang để đánh giá tình trạng bệnh. Sau đó tiến hành kiểm tra chi tiết và lấy dấu khớp cắn để đưa ra lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả bao gồm:

3.1. Phẫu thuật lệch khớp hàm

Với những người bị sai lệch khớp cắn ở mức độ nặng, hoặc lệch khớp cắn do xương, thì phẫu thuật chính là phương pháp phù hợp. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt xương hàm rồi di chuyển xương hàm đến vị trí mong muốn.

3.2. Niềng răng bằng khí cụ chuyên dụng

Niềng răng được coi là sự lựa chọn phổ biến và an toàn để điều trị các bệnh lý khớp cắn. Phương pháp này phù hợp với mọi đối tượng, nhưng tốt hơn cả là trẻ em hoặc thiếu niên, vì ở độ tuổi này hàm chưa phát triển ổn định, dễ nắn hơn.

Có 2 loại niềng răng dựa vào khí cụ niềng, bao gồm: Niềng răng mắc cài và niềng răng không mắc cài.

3.3. Nhổ răng

Trong trường hợp người bệnh có nhiều răng mọc thừa hoặc mọc chen chúc nhau thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ bớt răng để điều chỉnh lại mật độ của răng trên hàm.

4. Phòng ngừa lệch khớp cắn như thế nào?

Mặc dù phần lớn bệnh nhân lệch khớp cắn là do những bất thường bẩm sinh. Tuy nhiên, vẫn có thể giảm nguy cơ bệnh nghiêm trọng nếu thực hiện một số biện pháp sau:

Lệch khớp cắn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 4.

Tật đẩy lưỡi là một trong những nguyên nhân gây ra lệch khớp cắn ở trẻ.

  • Ngăn ngừa thói quen xấu bằng việc không cho trẻ mút tay, sử dụng núm vú giả khi trẻ được từ 2 - 3 tuổi.
  • Nhổ răng sữa đúng cách khi trẻ có dấu hiệu lung lay răng.
  • Giữ khoảng khi mất răng sữa sớm.
  • Khám nha khoa định kỳ 2 lần/năm để điều trị tốt bệnh sâu răng, viêm nha chu.
  • Với bệnh nhân mất răng hoặc răng thưa cần thực hiện trồng hoặc niềng răng để nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Sử dụng các khí cụ chỉnh nha phù hợp tại các cơ sở nha khoa uy tín giúp hạn chế biến chứng.

BS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn