Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh tại các Nhà giàn DK1

24-04-2019 11:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 21/4/2019, tại sân bay tàu KN 490, Đoàn Công đoàn Y tế Việt Nam tham gia Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Lễ tưởng niệm diễn ra tại vùng biển Ba Kè. Đại biểu đoàn Công tác số 5 năm 2019 bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trên vùng biển Nhà giàn DK1.

Lễ tưởng niệm diễn ra tại sân bay tàu KN 490

5h30 sáng ngày 21/4/2019, khi mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng bình minh đầu tiên trong ngày trên vùng biển Nhà giàn DK1 (Ba Kè). Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã diễn ra trên sân bay tàu KN 490. Mười thành viên thuộc công tác Công đoàn Y tế Việt Nam cùng hơn 250 đại biểu đến từ bộ ngành, tỉnh thành, 55 bà con Việt kiều đến từ 19 quốc gia trên thế giới và tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu tham gia Lễ tưởng niệm.

Tàu KN 490 neo đậu tại vùng biển Nhà giàn DK1 (Ba Kè) làm Lễ tưởng niệm

Tại buổi Lễ, Đại tá Đào Ngọc Quỳ, Chính ủy Cục Hậu cần- trưởng đoàn Công tác số 5 năm 2019 phát biểu: "Giờ này, Đoàn công tác đang có mặt tại cùng biển Ba Kè, thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Chúng tôi bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ- những cán bộ, chiến sĩ Hải Quân ưu tú đã anh dũng hi sinh trên vùng biển Nhà giàn DK1, một vùng biển có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Đại tá Đào Ngọc Quỳ phát biểu

Trong buổi bài phát biểu Đại tá Đào Ngọc Quỳ đã chia sẻ, sau sự kiện 14/3/1988 (trận chiến Gạc Ma), nhận biết âm mưu tham vọng của nước ngoài, để kịp thời giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngày 5/7/1989 Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thành lập Cụm Kinh tế- Khoa học-Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam. Trong suốt 30 năm, qua các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1, vùng 2 Hải quân đã gác lại bao khó khăn của hậu phương gia đình, thiếu thốn về nhiều mặt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, chấp hành mệnh lệnh, đương đầu với mọi thử thách trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, trước những trận bão biển năm 1990, 1996, 1998 và 2000 đã làm đổ một số Nhà giàn. Trong tình huống khó khăn khắc nghiệt đó Quân chủng Hải quân Anh hùng, bình tĩnh, kiên cường bám trụ với tinh thần "còn người, còn Nhà giàn, còn Tổ quốc".

Đại biểu trong buổi Lễ

Đại tá Đào Ngọc Quỳ nói trong nghẹn ngào: "Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng tôi không thể nào quên những tấm gương hi sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, khi cơn bão số 10 đổ bộ vào khu vực, có sức gió giật trên cấp 12 ngày 4/12/1990. Trong hiểm nguy, dưới sự chỉ huy của Trung uý- Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng uý- Phó Trạm trưởng về Chính trị Nguyễn Hữu Quảng, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn ra sức chống chọi. Song, đêm đen ập xuống, bão một lúc mạnh lên, Nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, 3 đồng chí đã anh dũng hi sinh. Tấm gương của Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc pháo cá nhân, miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ yếu nhất để rồi thanh thản ra đi giữa lòng biển sâu".


Năm 1989, cơn bão số 8 tàn khốc và hung dữ đã làm cho Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên nghiêng lắc, rung chấn dữ dội, nhưng Đại uý Vũ Quang Chương- Trạm trưởng và cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm kiên cường chống chọi với trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mù. Với ý chí quyết tâm bám trụ đến cùng, song sức người có hạn, Nhà giàn bị đổ và cuốn đi 9 cán bộ, chiến sĩ. Mặc dù vào thời điểm đó, lực cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng có 3 đồng chí là: Đại uý Vũ Quang Chương, Chuẩn uý Nguyễn Văn An, Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã không trở về, các anh gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền" để rồi thanh thản ra đi, mãi mãi nằm lại với biển khơi, hoá thân cùng sóng nước. Và còn nhiều, còn nhiều tấm gương hi sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân vùng 2 đã dã trở thành tấm gương lớn cho cán bộ, chiến sĩ thế hệ đi sau biết ơn, tăng thêm nghị lực trong cuộc sống và chiến đấu giữ vững chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam.


"Với lòng thành kính biết ơn và thương tiếc vô hạn, chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí. Xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các liệt sĩ, nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lí tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Mong anh linh các anh chứng giám, tiếp thêm cho dân tộc ta, quân đội ta sức mạnh; cho chúng tôi ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó".Kết thúc bài phát biểu Đại tá Đào Ngọc Quỳ rưng rưng.

Sau bài phát biểu, tất cả các đại biểu đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Nhiều đại biểu đã không kìm nén được cảm xúc của mình, họ đã khóc, khóc thương tiếc các cán bộ, chiến sĩ anh hùng đã quên mình vì một dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển.

Sau lễ dâng hương, bàn thờ và vòng hoa tưởng nhớ các anh đã được Đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ trên tàu Kiểm Ngư Việt Nam KN 490 đặt trên mặt biển. Sóng biển bồng bềnh đã chở tình cảm và lòng tiếc thương vô hạn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đến hương hồn các anh, gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những anh hùng đã hi sinh cho Việt Nam độc lập, hoà bình, ấm no và hạnh phúc.

Đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Vòng hoa và bàn thờ tưởng niệm các anh hùng đã hi sinh thả trên biển sau buổi Lễ


Gia Thiên
Ý kiến của bạn