Lễ trao giải thưởng 2011 Hội nhà văn Hà Nội

09-03-2012 12:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sáng 9/3/2012 đã diễn ra lễ trao giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn Hà Nội tại Thư viện Hà Nội.

Sáng 9/3/2012 đã diễn ra lễ trao giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn Hà Nội tại Thư viện Hà Nội, nơi chỉ suy tôn giá trị tinh thần bằng xuất bản phẩm, quả có gợi một không khí học thuật riêng biệt hơn trụ sở 19 Hàng Buồm, nơi hội họp của 9 hội chuyên ngành.

Năm nay Hội kết nạp được 29 hội viên mới nằm trong số những cây bút đã quen tên trên báo chí. Nhà thơ Đàm Khánh Phương có lẽ cao tuổi nhất, xấp xỉ thất thập và nhà văn, nhà báo trẻ Di Ly, GS.TS. Trần Đăng Xuyền, nhà sư phạm nghiên cứu văn học, hội viên Hội nhà văn VN từ 2003 - cả ba người khá tiêu biểu cho sự phát triển của Hội nhà văn Hà Nội, không chỉ quy tụ những tác giả tài năng đủ lứa tuổi mà cả những nhà trí thức lâu năm cũng muốn góp sức xây dựng một trung tâm văn học của Thủ đô.              

Năm nay Lý luận phê bình không có tác phẩm được giải. Trong khi đó, dường như để có giải thưởng năm nay, Ban giám khảo phải vận dụng lý luận phê bình để phân tích lý giải những đặc điểm về học thuật của 3 tác phẩm đạt giải mà tầm trí tuệ cao hơn những năm trước!
Ba tác giả được nhận giảo thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2011.

Đầu tiên, là tập thơ đầu tay: Những kỷ niệm tưởng tượng (NXB Thế giới), nhưng lại của một nhà lý luận thuộc dạng hàn lâm hiếm hoi trong ngành khoa học văn học ở nước ta: Trương Đăng Dung. Ông từng dịch Truyện Kiều ra tiếng Hungary khi còn là lưu học sinh và đã làm thơ từ lâu.Thời gian gần đây, ông cho in thơ nhiều hơn trên báo và được chú ý vì giọng thơ mới, gây mỹ cảm. Tập thơ ra đời vào giữa năm 2011 thì đã có tới 18 bài phân tích, đánh giá, chủ yếu là khen ngợi, điều khá hiếm trên thi đàn gần đây. Đặc điểm của tập thơ là tác giả vượt lên hiện thực đời thường mà chiêm nghiệm về đời người, những suy tư triết học về thời gian, về hiện thế và hư vô…cảm xúc ở tầng sâu với từ ngữ có khả năng gợi mở…

Giải thưởng dịch thuật tặng cho Tuyển tập thơ dịch Olga Berggoltz của tôi (OBCT) do dịch giả trẻ Thụy Anh thực hiện. Nhà thơ Nga này đã được Bằng Việt dịch và giới thiệu một số bài, hấp dẫn chúng ta từ những năm 60 thế kỷ trước. Nhưng đến hôm nay Tuyển tập thơ của bà mới được xuất hiện bản tiếng Việt với đầy đủ tiểu sử, chân dung. Qua thơ, ta thấy được tài năng và những chặng đường số phận của bà, một tâm hồn đẹp với sự cô đơn thân phận một phụ nữ Nga… Đặc biệt Thụy Anh đã viết một tiểu luận đầy đủ, sâu sắc về nhà thơ. Đó là sự nhập thân hòa mình của Thụy Anh vào từng câu chữ tiếng Nga của thơ Olga. Tuyển thơ dịch đã nhận được số phiếu tuyệt đối, ra đời vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh của nữ sĩ Nga. Hội nhà văn đánh giá cao công phu dịch thuật của Thụy Anh, một tiến sĩ giáo dục học, tốt nghiệp tại Nga, cũng là để ghi nhận trở lại những giá trị của văn học Nga, thông qua lớp dịch giả trẻ.

Nhà thơ Trần Dần là một hiện tượng tài năng hiếm lạ. Ông đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học, Giải thưởng tác phẩm Cổng tỉnh của Hội Nhà văn VN, năm nay ông lại được giải thưởng về tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn với nhũng đặc điểm độc đáo: Về thời gian viết, ông viết xong từ năm 1966, đầu năm 2011 mới được Cty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn công bố. Thông thường một tác phẩm viết từ năm ấy (gần nửa thế kỷ) dù hay, cũng vẫn mang dấu ấn nghệ thuật của một thời đã bị những cách viết mới vuợt qua. Thế mà tác phẩm văn xuôi (tay trái) của ông “ …đã đẩy ngôn ngữ văn xuôi hư cấu vào một cuộc thử nghiệm lạ lùng”.

Tôi thiết nghĩ: Những tìm tòi độc đáo ấy không phải do ông dụng ý đưa cái xa l (exotique) vào tác phẩm, mà dường như từ một tầm cao trí tuệ kết hợp   với nội lực sáng tạo phi thường, cùng với hoàn cảnh thọ nạn mấy chục năm, giúp ông cách ly khỏi những đòi hỏi cập nhật từng giai đoạn, để độc lập chiêm nghiệm từ thể hiện nghệ thuật đến chiêm nghiệm nhân sinh (ông không hoà nhập với sinh hoạt xã hội như Lê Đạt, Hoàng Cầm …).

Vậy là 3 tác phẩm với 3 đặc điểm đã cho mùa giải năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội một đặc điểm chung: phát hiện và khuyến khích những cái mới lạ trong đời sống văn học, ít ra là về  hình thức. Trong tình hình lượng sách phát hành đủ các chủng loại, đủ các đẳng cấp như hiện nay, các Giải thưởng có tác dụng đầu tiên là giới thiệu được sách hay (hoặc đáng chú ý) với người đọc, còn chất lượng thực sự đến đâu, ngoài những nhận định của Ban giám khảo và báo chí, xin hãy để độc giả và những vị thức giả khác kịp tìm, kịp đọc!

 Vân Long


Ý kiến của bạn