tại khán phòng Nhà hát Lớn, các vị quan khách, quý vị đại biểu, những bạn đọc, cộng tác viên thân thiết đã có mặt để tham dự Lễ tổng kết cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.
TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ trao giải. Ảnh: TM
Tham dự chương trình tri ân các thầy thuốc lần thứ IV có đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu; TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, các bộ, ban ngành, đoàn thể,... Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”; TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi; Các thầy thuốc tiêu biểu; những cây bút chuyên và không chuyên cùng đông đảo người dân tham dự chương trình.
Đêm tôn vinh các thầy thuốc trên mọi miền Tổ quốc được mở màn bởi những tư liệu về GS.VS. Tôn Thất Tùng cùng các y, bác sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã luôn ở tuyến đầu để chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh. Tiếp đó là sự thay đổi của ngành y tế Việt Nam thời hiện đại khi ngành đã làm chủ thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, đặc biệt trong ghép đa tạng; sản xuất thành công nhiều loại vắc-xin; rồi rộng khắp trong toàn ngành đã không ngừng đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh... Đan xen đó là các ca khúc viết về ngành y, nghề y được thể hiện bởi các giọng ca hàng đầu.
TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập Báo Sức khỏe&Đời sống phát biểu tổng kết cuộc thi. Ảnh: TM
Viết về sự hy sinh thầm lặng của thầy thuốc là góp phần củng cố niềm tin của xã hội về nghề y
Trong bài phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, những nỗ lực của ngành y tế thời gian gần đây đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân. Chất lượng dịch vụ y tế đã được cải thiện rõ rệt; nhiều cơ sở y tế được đầu tư xây dựng đồng bộ; nhiều kỹ thuật y học hiện đại được chuyển giao xuống tuyến dưới, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên; thái độ phục vụ của cán bộ y tế có bước chuyển biến tích cực, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào ngành y... Có được những kết quả đó là nhờ công lao đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc khắp mọi miền Tổ quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” mà báo Sức khỏe&Đời sống định kỳ tổ chức 2 năm/lần mang ý nghĩa văn hóa quan trọng, vừa soi sáng những điều tốt đẹp bị che khuất của ngành y, vừa góp phần khôi phục lại những phẩm chất cao đẹp, tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, nhân ái đang có nguy cơ mai một trong thời kỳ đổi mới, hội nhập của thị trường. Chính vì thế, để phát hiện những tấm gương và nhân lên những điển hình của người thầy thuốc, vai trò của các cây bút chuyên và không chuyên trong việc tìm tòi, phát hiện và dấn thân là rất đáng trân trọng”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, viết về sự hy sinh thầm lặng của thầy thuốc là góp phần củng cố niềm tin của xã hội vào thực tế: ngành y đâu chỉ có một vài thầy thuốc làm dư luận bức xúc mà có cả một đội ngũ đông đảo y, bác sĩ, dược sĩ, cán bộ nhân viên đang thầm lặng làm tốt công việc cứu người trị bệnh của mình, đúng như lương tâm mà họ ấp ủ là tất cả vì con người và bệnh nhân thân yêu.
Tiếp bước các cuộc thi trước đó, cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV này đã cho các bạn đồng nghiệp và người dân thấy được đằng sau sự vất vả đó là sự yêu thương hết lòng của nhiều cán bộ y tế, nhiều tấm gương qua các bài thi đã gây xúc động lớn. Bằng những bài viết chân thực, cuộc thi cũng đã động viên, khích lệ toàn thể cán bộ nhân viên ngành y tự tin hơn và thanh thản hơn trong nỗ lực vượt qua những trở ngại, những dư luận trái chiều đối với công việc của ngành y.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (thứ 2 từ trái sang) và Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên (ngoài cùng bên phải) trao giải Nhì cho tác giả và Bằng khen cho nhân vật. Ảnh: TM
“Sự hy sinh thầm lặng” đã phát hiện và tôn vinh được nhiều nguyên mẫu rất cảm động
Trong đêm trao giải, thay mặt Ban Tổ chức cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”, Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn bày tỏ sự tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc tới hương linh nhà báo lão thành Hữu Thọ - vị Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đáng kính đã gắn bó với cuộc thi từ lần đầu tiên cho đến nửa chặng đường cuộc thi lần thứ IV này. Nhà báo Hữu Thọ đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho cuộc thi với những chia sẻ đầy trăn trở: “Trong lúc xã hội rất nhiều sự lộn xộn, văn hóa xuống cấp, tôi thực sự cảm ơn tấm gương, cảm ơn tác giả đã viết về tấm gương làm cho tôi yêu đời hơn, tin tưởng hơn”.
Phát biểu tại buổi lễ, TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống nêu rõ, “Sự hy sinh thầm lặng” là cuộc thi viết về những tấm gương y đức nhưng không đơn giản là tuyên truyền mà là đi sâu vào những số phận, miêu tả những con người cao quý với tất cả những cung bậc của đời thường. Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” đã phát hiện và tôn vinh được nhiều nguyên mẫu rất cảm động. Là những bác sĩ sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình để hàng chục năm gắn bó, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao hẻo lánh hay nơi đảo nhỏ xa xôi. Là những trí thức, nhà khoa học chấp nhận sự thua thiệt về mình để phấn đấu cho mục đích lớn nhất là đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho đồng loại. Là những bác sĩ chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt - bệnh nhân tâm thần, phạm nhân mắc HIV...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ 6 từ phải sang) và ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (thứ 4 từ trái sang) trao giải Ba cho tác giả và Bằng khen cho nhân vật. Ảnh: TM
Đó là “Người bác sĩ nơi rừng sâu núi thẳm” - BS. Võ Thanh Dũng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Reh, huyện KRông Bông, tỉnh Đăk Lăk; Là BS. Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng - một “Nữ bác sĩ thép” đã cùng với đồng đội luôn sẵn sàng “lao ra biển” mỗi khi có người gọi cứu hộ, mặc dù trong những chuyến đi đầy hiểm nguy luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng của người mẹ: “Mình chết thì con mình sẽ ra sao?”. Đó còn là “Bác sĩ của dân bản” - Và Bá Tủa - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) - người luôn lặn lội tìm đến người bệnh và bằng những hành động của mình chẳng những thu phục được dân làng mà còn chinh phục được cả bố đẻ vốn làm nghề thầy cúng chữa bệnh bằng cách... đuổi ma. Có những điều dưỡng, hộ lý 30 năm vác xác tử thi; Có bác sĩ là khắc tinh của những khối u quái trong khi bản thân cũng là một nạn nhân của những khối u nhưng vẫn vật lộn với bệnh tật, giành giật sự sống hàng ngày để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân... Có những bác sĩ phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt trong hàng giờ đồng hồ để đảm bảo ca bóc tách và ghép tạng thành công; Các thầy thuốc căng mình chống dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, lăn xả để cứu các nạn nhân của thiên tai, thảm họa... Tất cả những gì họ đã làm chỉ có thể giải thích lý do đó là xuất phát từ tình yêu thương con người sâu sắc.
Có thể nói, công việc của người thầy thuốc là công việc âm thầm, bền bỉ và đầy vất vả, hy sinh. Chính từ những tấm gương người thật việc thật đó mà tôi có ý tưởng tổ chức cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”.
Cuộc thi bắt đầu diễn ra từ năm 2010 cho đến nay đã đi chặng đường gần 8 năm, qua 4 lần tổ chức và đã nhận được sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, những cây bút chuyên và không chuyên... giúp phát hiện, tôn vinh nhiều tấm gương hy sinh lặng thầm. Chính những tấm gương ấy đã nhen lên niềm tin vào con người, vào những điều tốt đẹp vốn vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống đầy bộn bề, khó khăn”.
Kể từ đó, đều đặn 2 năm/lần, cuộc thi được phát động và tổ chức với quy mô ngày càng cao hơn.
Cuộc thi đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, được Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và trao giải.
Tổng biên tập Trần Sĩ Tuấn cũng khẳng định, sự tham gia nhiệt tình của các tác giả đối với cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” chính là một biểu hiện đẹp đẽ của sự đồng cảm khiến những người đang công tác trong ngành y chúng tôi vô cùng trân trọng. Sự đồng cảm đã khiến những cây bút chuyên nghiệp và không chuyên không quản ngại đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở để phát hiện những tấm gương còn ẩn khuất giữa cuộc sống bộn bề, biến những câu chuyện cảm động có thật từ các bệnh viện, các trung tâm y tế, các trạm y tế xã... thành những chân dung có số phận, có sức lay động hàng triệu trái tim. Bởi vậy, không chỉ thành công về số lượng, về sự đa dạng vùng miền, cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” còn quy tụ rất nhiều bài viết chất lượng cao, có giá trị hiện thực và nghệ thuật.
Mong các cơ quan báo chí, nhà báo luôn đồng hành cùng ngành y
Phần giao lưu với Trưởng ban Giám khảo cuộc thi và những thầy thuốc tiêu biểu tại buổi lễ cho thấy, ở đâu đó còn có những sai sót chuyên môn, còn có những thầy thuốc có thái độ và trách nhiệm chưa đúng mực, nhưng trên hết, vẫn có biết bao những tấm gương người thầy thuốc đang hằng ngày lặng lẽ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: Khi chúng ta chào đời, gương mặt đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy là thầy thuốc chứ không phải là mẹ. Và trong hành trình đó đến khi chúng ta từ giã cõi đời thì người vuốt mắt ta cũng lại chính là thầy thuốc.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV (thứ 3 từ trái sang); PGS.TS. Trần Văn Thuấn (thứ 2 từ trái sang); GS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt Đức (thứ 4 từ trái sang) tại buổi giao lưu. Ảnh: TM
Trả lời câu hỏi là người dân, ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của ngành y tế Việt Nam thời gian qua, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: Tôi đã đi khám và điều trị bệnh ở Nga và Mỹ trong thời gian đi học ở nước ngoài, khi biết tôi là người Việt, bác sĩ nước ngoài đánh giá cao bác sĩ Việt Nam chẩn đoán giỏi, mổ giỏi, xử lý sự cố giỏi. Y tế Việt Nam chỉ kém y tế các nước phát triển ở trang thiết bị. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, ngành y tế vẫn còn nhiều khó khăn và người dân vẫn gặp không ít khó khăn khi đi khám chữa bệnh.
“Do đó, rất mong tăng cường đầu tư cho ngành, thay bằng xây các khách sạn khang trang, chung cư cực kỳ xa xỉ, hãy xây bệnh viện hiện đại để có thêm giường bệnh và người dân không phải nằm ghép. Về phía các cơ quan báo chí, các nhà báo, tôi cũng mong luôn đồng hành, chia sẻ với ngành y tế”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
GS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt Đức - người có đôi “bàn tay vàng” của chuyên ngành ngoại khoa Việt Nam và cũng chính ông đã cùng với các đồng nghiệp của mình viết lên những kỳ tích trong chuyên ngành ghép tạng Việt Nam, nhưng khi nói về những hy sinh thầm lặng của mình lại chia sẻ: Nói về hy sinh thầm lặng của tôi thì rất khó nhưng với tất cả đồng nghiệp chúng tôi thì không kể hết, đó là khi cha mẹ ốm, bạn bè tụ hợp, gia đình vợ/chồng đang chờ đợi mà các y, bác sĩ vì tính mạng người bệnh vẫn không thể rời ca mổ, rời bệnh viện để trở về.
Còn PGS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K, người “thấu tận cùng nỗi đau của bệnh nhân ung thư” thì kể rằng, những câu hỏi của người bệnh bao giờ tôi khỏe, bao giờ tôi khỏi bệnh... luôn là câu hỏi mà chúng tôi trăn trở nhất để luôn nỗ lực phục vụ, điều trị bệnh nhân tốt nhất. “Chúng tôi cho rằng, làm hài lòng người bệnh ung thư không hề đơn giản vì tâm lý của họ luôn nặng nề. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất nỗ lực để người bệnh, người nhà bệnh nhân thêm hài lòng dần dần về BV K như phân công cán bộ làm thêm giờ, khám sớm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh, kê thêm giường truyền hóa chất”, Giám đốc Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV đã khép lại nhưng dư âm của cuộc thi sẽ tiếp tục lan tỏa ngọn lửa nhân văn nghề y, nghề báo....
A. GIẢI NHẤT: 01 giải
Bài: Người bác sĩ chốn rừng sâu, núi thẳm - Tác giả: Hà Văn Đạo, Báo Lao động&Xã hội khu vực miền Trung và Tây nguyên.
B. GIẢI NHÌ: 02 giải
1. Bác sĩ của dân bản - Tác giả: Vũ Toàn, Báo Nhà báo&Công luận; 2. Nữ bác sĩ thép ở Hoàng Sa - Tác giả: Lê Trung Việt, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh
C. GIẢI BA: 05 giải
1. Tình đảo - Tác giả: Phạm Vân Anh, Báo Biên phòng; 2. Khắc tinh của những khối u quái - Tác giả: Linh Dung, Báo Người Lao động; 3. Người hộ lý ba mươi năm vác xác tử thi - Tác giả: Phan Xuân Hậu, Xóm Phan Đăng Lưu - xã Hoa Thành - Yên Thành - Nghệ An; 4. Những bác sĩ ở lại cùng mùa xuân trên cao nguyên đá - Tác giả: Nguyễn Thanh Kim Huệ, Truyền hình Nhân dân; 5. Cuộc hành trình lặng lẽ của lòng tốt để nối dài sự sống - Tác giả: Bùi Thanh Loan, Báo Sức khỏe&Đời sống
D. GIẢI KHUYẾN KHÍCH: 11 giải
1. Vượt biển ra đảo trong đêm cứu người - Tác giả: Lan Anh, Báo Tuổi Trẻ; 2. Đại tá quân y và 3 ca phẫu thuật lạ kỳ - Tác giả: Bùi Hoàng Tám, Báo Dân trí; 3. Người thấu tận cùng nỗi đau của bệnh nhân ung thư - Tác giả: Yến Châu, Báo Sức khỏe&Đời sống; 4. Cứu sống người 10 lần chạm mặt tử thần - Tác giả: Trần Thị Trường, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; 5. Bông hoa ban trắng giữa núi rừng Tây Bắc - Tác giả: Đặng Phương Lan, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ - Yên Bái; 6. Hạnh phúc với nghề không theo giờ - Tác giả: Nguyễn Uyển; 7. Đôi bàn tay vàng của ngoại khoa Việt Nam - Tác giả: Thanh Hằng, Báo Công an nhân dân; 8. Thầy thuốc chữa bệnh nhân nặng với trí tuệ, trái tim và lòng nhiệt tình - Tác giả: Trần Giữu; 9. Nữ hộ sinh Việt Nam duy nhất nhận giải thưởng quốc tế - Tác giả: Mai Hương, Báo Sức khỏe&Đời sống; 10. Lương y trẻ hết lòng vì Nam y Việt - Tác giả: Phạm Hoa Quỳnh, Báo Sức khỏe&Đời sống; 11. Lên Tà Tổng với bác sĩ ba cùng - Tác giả: Thúy Hạnh – Thu Hà, Báo Sức khỏe&Đời sống