Hà Nội

Lê Quang Đạo - Vị tướng huyên thoại

05-05-2013 08:00 | Thời sự
google news

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ chúng tôi - những học sinh vừa rời ghế nhà trường có may mắn được tham gia chiến dịch Xuân 1968 mặt trận Ðường 9 - Khe Sanh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ chúng tôi - những học sinh vừa rời ghế nhà trường có may mắn được tham gia chiến dịch Xuân 1968 mặt trận Ðường 9 - Khe Sanh. Ngay khi bước vào chiến dịch, bọn trẻ chúng tôi đã nghe danh về tướng Lê Quang Ðạo và ao ước có một lần được tiếp kiến vị tướng nổi tiếng này. Cái điều tưởng như mơ ước ấy đến năm 1971, chúng tôi được gặp ông khi ông là Chính ủy mặt trận Ðường 9 Nam Lào. Sau chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào, tháng 5/1971, tôi trong đoàn anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra Bắc báo cáo thành tích chiến đấu, tôi lại được gặp ông tại Hà Nội, khi ông trở lại cương vị Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Lê Quang Đạo - Vị tướng huyên thoại 1
 Trung tướng Lê Quang Đạo.
Sa
u này, tôi có nhiều lần gần gũi và được làm việc với ông, nhất là khi tôi về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cơ quan ở sát bên nhà ông dưới chân Cột cờ Hà Nội. Lần cuối là ngày 10/5/1999 tại số nhà 28 đường Điện Biên Phủ - Hà Nội, được nghe Trung tướng Lê Quang Đạo kể lại những năm tháng gian khổ khi ông lần lượt làm Chính ủy mặt trận Đường 9 - Khe Sanh 1968, Chính uỷ mặt trận Đường 9 - Nam Lào năm 1971, Chính ủy chiến dịch Xuân Hè 1972 tại Quảng Trị. Mái tóc bạc trắng, cặp kính trắng trễ xuống, đôi mắt nhìn về khoảng không rất xa, ông nhớ lại cánh rừng có suối nước trong vắt, có hoa lan rừng, nhớ tiếng máy bay địch gầm rú, những trận bom B52 Mỹ rải thảm và nhớ tiếng máy điện thoại kêu reng reng trong căn hầm gỗ dã chiến... Ông xúc động kể:

Tháng 10/1967, Bộ Chính trị họp, bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch tiến hành tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Sau khi đánh giá tình hình trên cơ sở tổng hợp các báo cáo từ chiến trường gửi ra, Bộ Chính trị nhận thấy có thể triển khai kế hoạch sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Bộ Chính trị quyết định thời gian bắt đầu cuộc Tổng tiến công là Tết Mậu Thân 1968.

Trong kế hoạch tác chiến chiến lược được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng thông qua, mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị là một trong những hướng chiến lược quan trọng sau chiến trường trọng điểm là miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn Chợ Lớn. Địa bàn mở chiến dịch được xác định từ Cửa Việt - Đông Hà (phía Đông) đến biên giới Việt Lào (phía Tây), tiếp giáp phía Bắc đến Cồn Tiên, Dốc Miếu. Hướng Tây khu vực Khe Sanh được xác định là hướng chính của chiến dịch, hướng Đông là hướng quan trọng. Nhiệm vụ của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ, thu hút địch ra đường số 9, hợp đồng chặt chẽ với các chiến trường toàn miền. Lực lượng chiến đấu của ta ở mặt trận này vào tháng 12/1967, lên tới 4 sư đoàn (304, 320, 324, 325) và 1 trung đoàn bộ binh 270, 5 trung đoàn pháo binh (164, 45, 84, 204, 675), 3 trung đoàn pháo cao xạ (128, 241, 282), 4 đại đội xe tăng, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn thông tin và một số đơn vị bộ đội địa phương...

Ngày 6/12/1967, theo quyết định của Thường trực Quân ủy Trung ương Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh được thành lập. Thiếu tướng Trần Quý Hai, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được cử làm Tư lệnh. Tôi - Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Chính ủy. Đại tá Cao Văn Khánh được cử làm Tham mưu trưởng. Các lực lượng đang hoạt động ở khu vực Đường 9 đều thuộc quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.

Đối với Mỹ - Ngụy, vào thu đông 1967, tướng Westmoreland, Tư lệnh quân Mỹ ở chiến trường miền Nam, tiếp tục xin thêm quân, ráo riết chuẩn bị cuộc phản công chiến lược lần thứ ba trong mùa khô 1967 - 1968. Một trong những trọng điểm tướng Westmoreland tập trung quân là Đường 9. Tại đây, địch có 45.000 tên trong đó có 28.000 tên Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay, Sư đoàn 101 không vận, Sư đoàn Thủy quân lục chiến. Tướng Westmoreland muốn biến khu vực này thành một bàn đạp tấn công, uy hiếp tuyến đường mòn Hồ Chí Minh và những căn cứ của ta ở Tây và Đông Trường Sơn.

Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi cùng một số cán bộ tác chiến, bảo vệ Bí thư vào chiến trường. Trước khi đi, mọi người đều được trang bị ba lô, chăn dù, võng, áo bà ba, mũ tai bèo, dép cao su... Vợ tôi sợ mùa đông ở rừng núi rét nên chuẩn bị thêm cho tôi đôi bốt màu xanh đi đường khỏi ướt lạnh, chiếc áo mưa màu đỏ để che mưa. Đi đường gặp cánh lính trẻ hành quân, nhìn tôi họ bàn ra tán vào, người thì bảo phóng viên nhà báo, người bảo diễn viên điện ảnh, người thì bảo người nước ngoài, họ tinh nghịch đặt vè:

Đầu vàng đít đỏ, chân xanh

Anh đi chiến dịch có nàng ở trong.

Để khỏi mọi chú ý, tôi liền bỏ bốt đi dép và khoác áo nilông như mọi chiến sĩ. Chặng đường đầu tiên hành quân khá suôn sẻ, cả đoàn đi bằng ôtô vào đến Quảng Bình. Đoạn đường từ Quảng Bình vào đến Chỉ huy sở bố trí tại Sap-Lít đi theo đường 20, đường mòn Hồ Chí Minh. Quãng đường mòn này tất cả đoàn chỉ có một cách là đi bộ, nhiều chỗ phải vượt đèo, lội suối, mọi người ai nấy mệt nhoài.

Trong những bức thư gửi về cho vợ và các con, ông viết kể chuyện hành quân: Anh như vậy cũng đã được thử thách vài chặng đường trèo đèo lội suối, kể cũng khá gay go đấy nhưng xét ra đôi chân vẫn còn tốt, ôn luyện cũng không lâu. Đi kịp anh em lại được biểu dương là đi nhanh, đi khỏe nữa. Phong cảnh nhiều nơi rất đẹp nhưng mệt thở ra tai nên cũng chẳng thưởng thức được bao nhiêu...

Khoảng trung tuần tháng 12/1967, đoàn đã đến Sở chỉ huy. Ngày 28/7/1967, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 họp phiên đầu tiên thảo luận và thông qua quyết tâm chiến dịch. Ý định tác chiến của chiến dịch hướng Tây là chủ yếu phải diệt quận lỵ Hướng Hóa, Huội San, điểm cao 832, bao vây cứ điểm Làng Vây, đánh viện ở khu vực Tây và Nam Cồn Tiên. Còn hướng Đông là hướng quan trọng phải diệt cho được 4 trọng điểm của địch phòng ngự trên đường 75, bao vây Cồn Tiên, Dốc Miếu, bao vây chia cắt 4.500 quân Mỹ trong căn cứ Tà Cơn, cắt giao thông đoạn Cam Lộ - Cà Lu... Ngày 9/1/1968, Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ cho các đơn vị hướng Tây, ngày 10/1/1968 giao nhiệm vụ cho các đơn vị hướng Đông. Tất cả các đơn vị bắt tay vào chuẩn bị cho giờ nổ súng vào ngày 20/1/1968.

Trước hôm nổ súng, Sở chỉ huy chiến dịch bị địch phát hiện do các đường dây thông tin lộ thiên đều tập trung về đây. Địch nhận được tin tình báo có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có mặt ở đây nên chúng tập trung máy bay B52 bắn phá ác liệt khu vực Sở chỉ huy. Đoán được Sở chỉ huy chiến dịch bị lộ, Bộ Tư lệnh mặt trận ra lệnh di chuyển đến địa điểm mới. Vừa đi khỏi Sở chỉ huy vài chục phút, máy bay B52 của Mỹ bắt đầu trút bom xuống khu vực này. Cả Bộ Tư lệnh nằm trong khu vực bãi bom của dịch nhiều giờ liền. Đồng chí Cao Văn Khánh có kinh nghiệm nắm được quy luật máy bay B52 ném bom đã tìm cách dẫn cả đoàn thoát khỏi bãi bom. Kể đến đây, giọng ông trầm xuống: Bữa đó cả tiểu đội nữ thông tin liên lạc bị hy sinh vì bom vùi lấp hang đá, nhiều đồng chí ở bộ phận cán bộ của Cục Chính trị hy sinh...

Khi thoát khỏi bãi bom, cả đoàn lại bị lạc nhau mấy hôm liền. Mọi người nhịn đói hai ngày. Một đồng chí trong đoàn may tìm trong ba lô có một túi gạo rang bèn chia thành 13 suất để mọi người ăn cho đỡ đói. Mỗi suất chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. Phần của mình, tôi chia cho đồng chí liên lạc một nửa vì đồng chí đó vừa dậy được sau cơn sốt rét.

Sở chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh mặt trận Đường 9 là địa điểm được bố trí dự phòng từ trước. Hầm Sở chỉ huy nửa chìm nửa nổi, lát xung quanh và sàn bằng gỗ rừng, xung quanh còn ken thêm tranh, tre. Bàn làm việc của tôi là chiếc bàn bằng tre. Các đoạn thân tre đóng ghép lại. Kích thước chiếc bàn một chiều cỡ 60 phân, một chiều non nửa mét. Anh em thông tin đã bố trí sẵn trên đó chiếc điện thoại CZ-2A màu đen. Chiếc bàn chỉ để vừa chiếc máy điện thoại và vài cuốn sổ sách.

Trung tướng Lê Quang Đạo nhớ lại: “Tôi và anh em đã bám nhiều ngày đêm liền bên chiếc máy điện thoại này để chỉ huy và động viên bộ đội chiến đấu kể từ ngày 20/1/1968 - 15/7/1968. Anh em tuyên huấn có chụp cho tôi mấy kiểu ảnh khi đi đường, tại căn hầm, chiếc bàn, máy điện thoại... nơi tôi đã qua, đã sống và làm việc để làm kỷ niệm. Suốt 7 tháng ròng, cứ nghe thấy tiếng kêu reng là tôi và anh em bật dậy. Từ đầu dây bên kia chúng tôi nghe, ghi chép lại tình hình các mũi tiến công, động viên bộ đội khắc phục khó khăn, quyết tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đêm ngày 20/1/1968, thực hiện kế hoạch nghi binh, thu hút địch, bộ đội ta nổ súng tiến công địch ở mặt trận Đường 9. Hướng Tây, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tập kích địch tại huyện lỵ Hướng Hóa, Trung đoàn 2 Sư đoàn 325 đánh chiếm điểm cao 832. Ngày 23/1/1968, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 diệt căn cứ Huội San, Tà Mây. Hướng Đông, 2 Trung đoàn 64 và 48 Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270 đánh cắt giao thông trên đường 9, tiến đánh khu Cam Lộ.

Sau nhiều ngày quân ta tiến công liên tiếp, cả hai hướng của chiến dịch, quân ta thu nhiều thắng lợi, quân địch bị tiêu diệt, bị bắt sống khá nhiều. Tướng Westmoreland vội vàng cho lực lượng chống giữ, cho máy bay ném bom dữ dội vào trận địa vây lấn của ta. Khu vực Khe Sanh rộng chừng 32km2 mà địch sử dụng 15 - 18 lần chiếc B52/ngày, đánh 3.300 tấn bom. Mặc dù địch phản ứng điên cuồng nhưng quân ta không chùn bước. Tôi nghe rất rõ từ máy điện thoại phía đầu dây bên kia, anh em các đơn vị hứa quyết tâm “Phải gây ác liệt với quân Mỹ, phải biến Tà Cơn thành địa ngục trần gian, thành lò lửa thiêu quân Mỹ trên Đường 9...”.

Sau 177 ngày đêm quân ta tiến công và vây hãm rút chạy ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng chục nghìn tên địch, bắn rơi và phá hủy hàng trăm máy bay, thu nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự của địch, giải phóng huyện Hướng Hóa. Chiến công của các đơn vị lập được ở Hướng Hóa, Huội San, Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh trở thành huyền thoại. Các đơn vị đã khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh tiến công theo kế hoạch, tạo thêm thế bất ngờ về chiến lược cho cuộc tiến công trên chiến trường miền Nam.

Để có được những chiến công to lớn đó, bộ đội phải đổi bằng mồ hôi và máu, không phải lần tiến công nào quân ta cũng thành công. Tôi nhớ lắm những khuôn mặt trẻ măng của cánh lính trẻ đặt vè trêu tôi trên đường hành quân. Tôi biết rằng trong số đó có rất nhiều đồng chí đã nằm lại ở chiến trường khốc liệt này...

Những năm trước, thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm lại chiến trường xưa, tôi không quên ghé thăm các nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho những người lính đã không tiếc máu xương hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nói đến đây Trung tướng xúc động...

Không một ai trong chúng tôi nghĩ rằng đó là lần gặp gỡ cuối cùng với vị tướng - vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kính mến. Nhà lãnh đạo tài năng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày 24/7/1999 (1921 - 1999) thọ 77 tuổi.             

  Thiếu tướng Lê Mã Lương


Ý kiến của bạn