Hà Nội

Le lói hy vọng nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran

05-04-2021 13:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mặc dù chưa có động thái nào là chắc chắn nhưng riêng việc các bên đồng ý ngồi lại gỡ nút thắt trong vấn đề hạt nhân Iran, đồng thời Mỹ phát đi tín hiệu mong muốn quay trở lại Thỏa thuật hạt nhân là một tia hy vọng mới cho vấn đề này.

“Gỡ nút thắt” về vấn đề hạt nhân Iran

Vào ngày 6/4, các quan chức Mỹ và Iran sẽ tới Vienna, Áo  trong nỗ lực nhằm “gỡ nút thắt” vấn đề hạt nhân Iran vốn rơi vào bế tắc lâu nay. Hai bên sẽ cùng tới Thủ đô của nước Áo, nhưng quan chức Mỹ và Iran sẽ không tiến hành gặp mặt, đàm phán trực tiếp mà tham gia dưới sự điều phối của châu Âu. Dù trước đó, Mỹ đề nghị đàm phán trực tiếp nhưng Tehran bác bỏ lời đề nghị này. Nhóm các nhà đàm phán Mỹ có kế hoạch gặp các quan chức từ các quốc gia là các bên ký thỏa thuận.

Mỹ và Iran có thể đạt được sự đồng thuận liên quan thỏa thuật hạt nhân đa phương

Mỹ và Iran có thể đạt được sự đồng thuận liên quan thỏa thuật hạt nhân đa phương

Tuy nhiên, việc quan chức hai bên cùng tới Vienna được cho là động thái thiện chí, đánh dấu bước tiến mới nhất trong nỗ lực đưa cả hai bên trở lại Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Giới chức Mỹ theo dõi sát sao cuộc gặp này và đánh giá rằng, đây là nỗ lực đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm khôi phục JCPOA kể từ khi nhậm chức.

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang điều phối các nỗ lực khôi phục thỏa thuận cho biết, trong sự kiện sắp tới tại Vienna, các bên sẽ tìm cách xác định rõ ràng biện pháp dỡ bỏ trừng phạt và thực thi thỏa thuận, trong đó có cả việc triệu tập cuộc họp của các nhóm chuyên gia liên quan. EU kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu trong vòng 2 tháng.

Trước khi lên đường tới Áo, một quan chức cấp cao Iran nhắc lại lập trường của nước này là Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn trừng phạt với Iran. Việc chỉ gỡ bỏ một phần cũng sẽ khiến những cuộc thương lượng gián tiếp đều không được chấp nhận. Về phần mình, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ xem các cuộc đàm phán gián tiếp mang tính xây dựng, là cơ hội để đưa ra các quan điểm ngoại giao. Bà Psaki nhấn mạnh cơ hội vẫn để ngỏ đối với Tehran.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nhận định, một thỏa thuận được tôn trọng đầy đủ sẽ là “một điểm cộng” về an ninh cho toàn bộ khu vực và là cơ sở cho các cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng khác nhằm  ổn định khu vực.

Khó có đột phá trong đàm phán hạt nhân

Nhận định về triển vọng của các cuộc đàm phán Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price dự đoán, Mỹ  không cho rằng, sẽ có đột phá ngay lập tức vì chắc chắn những cuộc thảo luận khó khăn còn ở phía trước. Mỹ khẳng định sẽ quay trở lại tuân thủ JCPOA nếu Tehran cũng làm điều tương tự. Nhưng Iran khăng khăng lập trường, Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ chứ không phải một phần các lệnh trừng phạt thì Tehran mới quay trở lại thỏa thuận.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov một mặt hoan nghênh ý định quay trở lại thỏa thuận hạt nhân của Mỹ, mặt khác, chỉ ra những thách thức mà các bên phải đối mặt. Đó là, nếu cả Mỹ và Iran không bên nào chịu lùi bước, tuân thủ thỏa thuận “thì việc đàm phán có thể diễn ra vô thời hạn”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga gợi ý rằng cả Mỹ và Iran nên có các bước đi đồng bộ để khôi phục JCPOA.

Theo Cơ quan năng lượng và nguyên tử quốc tế (IAEA),  Iran hiện có đủ uranium làm giàu để chế tạo bom hạt nhân, nhưng không bằng số lượng mà nước này có trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết. Mục tiêu cuối cùng của thỏa thuận hạt nhân là ngăn Iran phát triển bom hạt nhân, điều mà Tehran luôn tuyên bố không làm. Những động thái gây sức ép từ phía Iran, từ đe dọa leo thang căng thẳng ở vùng Vịnh, bắt giữ tàu chở dầu, thu hẹp cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, tất cả đều nhằm mục đích buộc Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt.  Nên mặc dù rất khó khăn, trắc trở, nhưng việc Mỹ và Iran có thể đạt được sự đồng thuận liên quan đến thỏa thuận hạt nhân đa phương là điều có thể xảy ra.

JCPOA được ký kết vào tháng 7/2015 và có hiệu lực tháng 1/2016, theo đó Iran tuân thủ hạn chế với chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế.
Cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA ngày 8/5/2018 và tái áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ. Đúng 1 năm sau Iran tuyên bố đình chỉ một phần nghĩa vụ của mình trong thỏa thuật hạt nhân, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động làm giàu uranium.

Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn