Lễ kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin tại Khánh Hoà

22-09-2023 19:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Cả đời bác sĩ Yersin tận tụy cống hiến cho khoa học, các nghiên cứu của ông đã có đóng góp lớn cho nền y học thế giới. Đồng thời, lòng nhân ái của ông cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam.

"Ông Năm Yersin…"

Để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến của bác sĩ Yersin, ngày 22/9, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Hội những người ái mộ bác sĩ Yersin đã tổ chức lễ kỷ niệm 160 năm ngày sinh bác sĩ Yersin (22/9/1863 – 22/9/2023). Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam và hàng ngàn người dân, thầy thuốc ở nhiều địa phương đã đến dự.

Bác sĩ Yersin sinh tại Vaud (Thụy Sỹ), ông vừa là bác sĩ vừa là nhà khoa học nghiên cứu về vi khuẩn học, thiên văn học, nông học...Năm 1891, bác sĩ Yersin đến Khánh Hòa và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Từ Khánh Hòa, bác sĩ Yersin còn rong ruổi đến các vùng đất khác để thám hiểm, nghiên cứu. Năm 1893, bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Lâm Viên và đề nghị thành lập TP. Đà Lạt (Lâm Đồng). Từ hành trình nghiên cứu của mình, ông đã di thực, trồng thử nghiệm thành công cây canh ki na (dùng lấy tinh chất để chữa bệnh sốt rét ở Việt Nam).

Bác sĩ Yersin cũng là người sáng lập ra Viện Pasteur Hà Nội; Viện Pasteur Đà Lạt; Viện Pasteur Nha Trang; Hiệu trưởng Trường Y khoa Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội); Viện trưởng danh dự Viện Pasteur Paris…Ông cũng là người đầu tiên tìm ra vi khuẩn dịch hạch, đồng thời nghiên cứu, điều chế thành công vaccine phòng chống dịch bệnh.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Đại sứ Thụy Sỹ dâng hương tưởng nhớ bác sĩ Yersin tại phần mộ của ông tại Cam Lâm.

Ngày 01/3/1943, ông mất tại Khánh Hòa và theo di nguyện của ông, mộ phần của ông được đặt tại Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa). 

Trong trái tim của đông đảo người dân Lâm Đồng; Khánh Hòa, bác sĩ Yersin là người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái bao la.

Đặc biệt, với những người ở xóm Cồn (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) bác sĩ Yersin là "người con" ưu tú của vùng đất này. Những ngày đầu đến TP. Nha Trang, ông đã chọn xóm Cồn làm nơi sinh sống, làm việc. Ông thường xuyên tiếp xúc với những người nghèo khó, chăm sóc sức khỏe cho họ một cách tận tình nhất mỗi khi họ ốm đau. Thế nên, mọi người ở xóm Cồn đều gọi ông với biệt danh trìu mến "ông Năm Yersin".

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 3.

Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam (bên trái) bày tỏ lòng kính trọng và đánh giá cao những cống hiến của bác sĩ Yersin.

Ông Trương Hậu và một số người lớn tuổi khác ở khu vực xóm Cồn chia sẻ, thế hệ cha ông chúng tôi truyền kể lại rằng, ngày bác sĩ Yersin đặt chân đến xóm Cồn thì nơi đây hoang sơ, chỉ có những dân chài quanh năm cực nhọc mưu sinh bằng nghề đánh cá. Không nề hà, phân biệt, bác sĩ Yersin liền làm quen và bầu bạn với những ngư dân nghèo. Hàng ngày, bác sĩ Yersin vừa nghiên cứu y khoa vừa hướng dẫn người dân phòng các loại dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Những lúc nhớ người thân ở Thụy Sỹ, bác sĩ Yersin lại đến chơi với các gia đình xóm Cồn và xem nơi đây như quê hương của mình.

Luôn ghi nhớ cống hiến của bác sĩ Yersin

Xem bác sĩ Yersin là bậc thầy vĩ đại, bác sĩ Nguyễn Thị Thế Trâm, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (người sáng lập Hội Những người ái mộ bác sĩ Yersin) từng nhiều lần xúc động bày tỏ: "Cả nhân loại luôn ghi nhớ những cống hiến của bác sĩ Yersin. Ở Khánh Hòa, ông không hề cô đơn vì quanh ông là những người Việt Nam hồn hậu, chất phác. Mỗi lần viết thư về Thụy Sỹ cho mẹ, bác sĩ Yersin luôn nhắc đến những điều tốt đẹp ở Việt Nam".

Sau khi bác sĩ Yersin mất, vẫn còn nhiều câu chuyện ấn tượng về ông như chuyện một người dân gìn giữ bức tranh sơn dầu vô giá vẽ chân dung bác sĩ Yersin. Ông Đống Lương Sơn – Chủ tịch Hội những người ái mộ bác sĩ Yersin xúc động: "Bức tranh đó do một họa sĩ người nước ngoài vẽ trước lúc bác sĩ Yersin mất. Đây là bức tranh vô giá về bác sĩ Yersin, hiện người dân đã trao về cho chúng tôi lưu giữ. Bên cạnh bức tranh, Hội chúng tôi còn vừa sưu tầm được con dấu khắc tên bác sĩ Yersin mà ông đã dùng trong suốt nhiều năm".

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 4.

Con dấu khắc tên bác sĩ Yersin được giới thiệu trong lễ kỷ niệm ngày sinh của ông.

Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam cũng chia sẻ: "Tôi luôn ấn tượng về bác sĩ Yersin bởi ông có khối óc thông minh và tinh thần say mê lao động, nghiên cứu khoa học không ngừng nghỉ. Ông đã sống với tinh thần phụng sự cho khoa học và xem Việt Nam như chính tổ quốc của mình, ông xứng đáng được nhiều người biết và tôn vinh hơn".

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, càng tìm hiểu về bác sĩ Yersin càng thấy kính trọng, xúc động trước lòng nhân ái và những tình cảm của ông dành cho người dân Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu triển khai dự án xây dựng Bảo tàng bác sĩ Yersin bên bờ biển TP. Nha Trang để nhiều người biết hơn về công lao của ông.

Dưới đây là một số hình ảnh đông đảo người dân, thầy thuốc...đến phần mộ bác sĩ Yersin dâng hương tưởng nhớ nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của ông.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 5.

Chiếc đèn dầu được bác sĩ Yersin sử dụng khi làm việc.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 6.

Có khoảng 1.000 người đã đến lễ kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 7.

Ngoài người dân Khánh Hòa, còn có khoảng hơn 300 người từ Lâm Đồng đã đến viếng mộ bác sĩ Yersin trong ngày sinh nhật ông.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 8.

Đông đảo thầy thuốc trẻ dâng hương tri ân công lao của bác sĩ Yersin cho nền y học thế giới.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 9.

Nhiều học sinh cấp 2 ở Khánh Hòa cũng đến dự kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 10.

Người dân nước ngoài cũng luôn dành cho bác sĩ Yersin sự kính trọng.

Lắng đọng kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin - Ảnh 11.

Các cháu nhi đồng dâng hương tại phần mộ bác sĩ Yersin.

Đông đảo người dân trong nước và quốc tế dự kỷ niệm ngày sinh bác sĩ Yersin.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn