Lễ khai giảng qua truyền hình, đặc biệt và khó quên

05-09-2021 11:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Sáng nay (5/9), nhiều tỉnh, thành phố đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 với nhiều hình thức linh hoạt khác nhau từ trực tiếp, đến trực tuyến, khai giảng qua truyền hình phù hợp với điều kiện địa phương và tình hình dịch bệnh.

Mọi năm, ngày 5/9 là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, là ngày học sinh luôn náo nức cười vui, với cờ hoa và tiếng trống trường rộn rã. Nhưng năm nay, trong bối cảnh đặc biệt vì dịch bệnh, trong ngày khai giảng, học sinh nhiều nơi không thể đến trường để dự lễ khai giảng trực tiếp, chỉ có thể theo dõi sự kiện trên truyền hình hoặc trực tuyến.

Lễ Khai giảng năm học mới 2021-2022 đặc biệt và khó quên - Ảnh 2.

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học sinh nhiều địa phương trên cả nước dự lễ khai giảng năm học 2021-2022 trực tuyến hoặc trên truyền hình.

Một số địa phương phải lùi lịch khai giảng. Thậm chí có địa phương không thể tổ chức khai giảng năm học mới do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Với các địa phương có thể tổ chức trực tiếp lễ khai giảng, hầu hết đều trên tinh thần bảo đảm nghiêm việc phòng chống dịch và không tập trung toàn trường để bảo đảm giãn cách.

Với hơn 2 triệu học sinh Thủ đô, lễ khai giảng năm học 2021-2022 thật khó quên

Sáng 5/9/2021, tại trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội tổ chức lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 chung cho toàn thành phố.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để bảo đảm an toàn, lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân trên địa bàn thành phố theo dõi.

Lễ Khai giảng năm học mới 2021-2022 đặc biệt và khó quên - Ảnh 4.

Hơn 2 triệu học sinh Thủ đô theo dõi lễ khai giảng tại Trường THCS Trưng Vương qua truyền hình.

Em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 9H, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương rất vui khi được đại diện cho hơn 2 triệu học sinh Thủ đô có mặt dự lễ khai giảng trong bối cảnh đặc biệt, đã nhắn gửi tới các bạn học sinh thành phố Hà Nội rằng: "Mỗi chúng ta không nên nghĩ việc học trực tuyến chỉ là tạm thời. Hãy coi đây là cơ hội để được trải nghiệm và phát triển kỹ năng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tự học, rèn luyện cho mình tính tự giác, kiên trì, sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta được ở bên gia đình nhiều hơn, được yêu thương và chia sẻ nhiều hơn".

Lễ khai giảng năm học 2021- 2022 sẽ là một kỷ niệm đặc biệt trong mỗi học sinh, giáo viên, phụ huynh. Ngay khi kết thúc lễ khai giảng truyền hình trực tiếp, các nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học theo hình thức trực tuyến trên hệ thống dạy học trực tuyến hiện có của đơn vị.

Ngoài Thủ đô Hà Nội, nhiều tỉnh/thành khác cũng tổ chức lễ khai giảng trực tuyến hoặc qua sóng truyền hình như Hà Tĩnh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Đà Nẵng…

Nghệ An: Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học

Sáng 5/9, tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2021- 2022. Đây là điểm trường duy nhất tổ chức khai giảng tại Nghệ An và được truyền hình trực tiếp.

Mặc dù ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, tuy nhiên trong năm học 2020-2021, Nghệ An tiếp tục ở vị trí top đầu toàn quốc về học sinh giỏi với năm Huy chương Vàng và Bạc tại các Kỳ thi Olympic khu vực và Quốc tế. 

Nghệ An tổ chức Lễ khai giảng năm học mới trong bối cảnh đặc biệt - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Mai Sơn, huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) dự lễ khai giảng đặc biệt trước màn truyền hình. Ảnh: CTV

Năm học 2021- 2022 là một năm học chưa có trong tiền lệ khi trên cả nước dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và tại nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An học sinh chưa thể đến trường và phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Mặc dù rất nhiều khó khăn nhưng năm học này ngành Giáo dục Nghệ An vẫn quyết tâm nỗ lực cố gắng "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học".

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông đề nghị các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên cần tiếp tục phát huy tính linh hoạt, sáng tạo, khoa học trong công tác quản lý cũng như trong công tác truyền thụ kiến thức; Việc tổ chức dạy học ở các tình huống đặc biệt như khi có dịch bệnh, lũ lụt phải phù hợp với từng vùng, thậm chí từng nhóm học sinh... Đồng thời hy vọng các em học sinh tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần hiếu học của người dân xứ Nghệ, vượt qua được những khó khăn để hình thành và trau dồi kỹ năng sống và xa hơn nữa là để sáng tạo...

Từ ngày mai (6/8), các cấp học và các địa phương sẽ chính thức bước vào năm học mới, tổ chức dạy học trực tuyến cho các cấp học từ Tiểu học đến THPT theo 3 khung giờ khác nhau. Trong đó, cấp Tiểu học sẽ dạy từ 17h đến 21h hàng ngày. Riêng trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật có thể học vào các khung giờ khác sau khi có sự thống nhất với cha mẹ học sinh. Đối với cấp THCS: từ 7h đến 12h hàng ngày và cấp THPT: từ 13h đến 17h và sau 21h hàng ngày.

Tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, của phụ huynh và học sinh từng lớp, Hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học sau: trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hay các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua zalo, messenger… để hoàn thành chương trình.

Toàn tỉnh Nghệ An chưa tổ chức học tập trung cho tất cả các cấp học. Thống kê hiện nay, Nghệ An cũng đang còn 508 trường phải sử dụng để làm khu cách ly tập trung tại 20/21 huyện, thành, thị (trừ thị xã Cửa Lò), trong đó có 292 trường mầm non, 138 trường tiểu học và 77 trường THCS) và 1 Trung tâm GDNN-GDTX.

Trước thềm năm học mới, Nghệ An cũng đang còn hàng chục học sinh và giáo viên phải điều trị tại các bệnh viện dã chiến; hàng trăm giáo viên, học sinh thuộc diện F1 và F2 đang phải cách ly tập trung hoặc giám sát tại nhà.

Lễ Khai giảng năm học mới 2021-2022 đặc biệt và khó quên - Ảnh 5.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ khai giảng chung tại Trường THCS Lê Văn Thiêm, đồng thời truyền hình trực tiếp trên Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh để học sinh toàn tỉnh theo dõi qua màn hình.

Với những địa phương tổ chức khai giang trực tiếp như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng… do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lễ khai giảng đều được các nhà trường tổ chức đảm bảo ngắn gọn, trang trọng, phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị. 

Trong lễ khai giảng, các nhà trường thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được như phân luồng đón học sinh từ cổng trường, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, hướng dẫn vị trí tập trung giữ khoảng cách phù hợp... quyết tâm phấn đấu đảm bảo mục tiêu năm học an toàn trong dịch bệnh.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Kiểm soát COVID-19 Hà Nội: Danh sách 30 chốt không được đi qua.



Đỗ Vi - Từ Thành
Ý kiến của bạn