Học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới 2020-2021. Ảnh: Vĩnh Quý
Khai giảng năm nay có lẽ là một buổi lễ khai giảng vô cùng đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngành Giáo dục sẽ bước vào năm học mới bằng một lễ khai giảng gọn nhẹ, phù hợp với tình hình dịch bệnh nhưng trang trọng, ý nghĩa, vui tươi và truyền đi được niềm tin, sự hứng khởi; lan tỏa yêu thương cho mỗi học sinh, giáo viên và cộng đồng.
Lễ khai giảng đặc biệt và đáng nhớ bằng hình thức trực tuyến
Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, để bảo đảm an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến theo như chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Các trường học ở vùng dịch đã phải thực hiện lễ khai giảng trực tuyến thay vì trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử có lễ khai giảng đặc biệt như vậy. Học sinh mặc trang phục chỉnh tề và ngồi… trước màn hình máy tính, chào cờ, hát quốc ca, nghe hiệu trưởng đọc thư của Chủ tịch nước…
Có lẽ là lịch sử lần đầu tiên đối với học sinh, giáo viên ở TP. Đà Nẵng vì Lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 được tổ chức trực tuyến thay vì tập trung dự lễ ở trường như bao năm qua.
Phụ huynh cùng học sinh theo dõi khai giảng online qua fanpage của nhà trường.
Đà Nẵng chuyển hình thức khai giảng năm học mới bằng Chương trình Tọa đàm “Đà Nẵng – Chào năm học mới” trên kênh Đài PT-TH Đà Nẵng vào lúc 7 giờ sáng nay. Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo ngành GD&ĐT trao đổi một số công việc liên quan như công tác chuẩn bị năm học mới; truyền tải thông điệp của lãnh đạo thành phố gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh thành phố.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, thông qua website của đơn vị và tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông, thông tin để truyền tải đến tất cả học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên, nhân viên những nội dung sau: Thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai giảng năm học mới; thư của lãnh đạo thành phố gửi đội ngũ nhà giáo và học sinh thành phố nhân Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường; giới thiệu tổng quan về nhà trường; thông điệp của nhà trường gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh; giới thiệu danh sách lớp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn của từng lớp.
Các cô giáo trường Mầm non Bình Minh tổ chức các hoạt động trong ngày khai giảng online
Trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu), ngoài đăng tải trên fanpage và website của trường, GV các lớp còn tương tác trực tiếp với phụ huynh, giới thiệu các góc của lớp học, trò chuyện với các bé trên group của lớp…
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh (Q. Hải Châu) tâm sự: "Sáng nay, chúng tôi đến trường sớm như ngày khai giảng của những năm trước. Mở cánh cửa trường mà tâm trạng quá bồi hồi. Chưa bao giờ cảm xúc lại nhiều như bây giờ. Trường vắng lặng. Vắng tiếng cười, tiếng khóc của trẻ. Chỉ mong dịch bệnh qua mau để mọi hoạt động dạy - học ổn định trở lại như trước".
Năm học đặc biệt phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngành giáo dục sẽ phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học. Việc triển khai các hoạt động giáo dục trong năm học 2020-2021 sẽ gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 có thể vẫn còn diễn biến phức tạp.
Năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Trong Chỉ thị về nhiệm vụ năm học mới vừa được ban hành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phải lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.
Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.
Năm học mới, chất lượng giáo dục sẽ được đổi mới và đảm bảo
Mục tiêu xuyên suốt trong 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 của Chỉ thị về nhiệm vụ năm học mới vừa được ban hành là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nhiệm vụ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GDĐT trong cả nước phải đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trong năm học 2020-2021 cần hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức triển khai thực hiện Đề án sau khi ban hành.
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ được học sách giáo khoa theo chương trình GDPT mới.
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn là nhiệm vụ cốt lõi. Chỉ thị nêu rõ, cần quan tâm xây dựng các chính sách, cơ chế mang tính đặc thù, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ này. Đặc biệt, cần thực hiện bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện hiệu quả Đề án của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong GDĐT, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển phương thức GDĐT trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng; phát triển kho học liệu số toàn ngành; triển khai hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo phương thức thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.
Để giáo dục trực tuyến có thể triển khai bài bản hơn, hiệu quả hơn, trở thành một phần của giáo dục thường xuyên trong nhà trường chứ không chỉ là một giải pháp tình thế như trong học kỳ hai của năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đang gấp rút hoàn thiện thông tư quy định về dạy trực tuyến, khi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Năm học 2020-2021, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là phải thực hiện tốt chương trình GDPT mới đối với lớp 1”.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ được học sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Theo đó, giáo dục phổ thông sẽ không quá nhiều các kiến thức hàn lâm, không nặng lý thuyết, không truyền thụ kiến thức một chiều mà được chắt lọc các kiến thức cơ bản, thiết thực, với mục tiêu giáo dục là hình thành năng lực, phẩm chất cho người học.
Và năm học này cũng là lần đầu tiên học sinh, phụ huynh, giáo viên có đến 5 bộ sách giáo khoa để lựa chọn thay vì chỉ có một bộ duy nhất như trước đây. Lần đầu tiên các giáo viên được tự đánh giá, lựa chọn các sách phù hợp với khả năng, đặc thù dạy và học của bản thân, địa phương và học sinh mình.
Về việc thực hiện chương trình SGK hiện hành và đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá, chuẩn bị cho CT GDPT mới, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các khâu từ bồi dưỡng giáo viên; biên soạn, thẩm định, phê duyệt, phát hành SGK cơ bản đã được làm tốt. “Năm học 2020-2021, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là phải thực hiện tốt CT GDPT mới đối với lớp 1”.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng giáo dục tiểu học, Bộ trưởng đưa 8 nhóm vấn đề cần làm tốt trong thời gian tới, bao gồm: hành lang pháp lý; thực hiện chương trình SGK, đổi mới giáo dục và kiểm tra đánh giá; công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học; quản trị nhà trường; trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ và Sở/Phòng GDĐT.
Năm học đặc biệt, mở đầu chặng đường mới của ngành giáo dục.
Bên cạnh đó, lưu ý đến giáo dục toàn diện về đạo đức, lối sống, trí tuệ và thể chất cho học sinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, tiểu học là bậc nền tảng, việc giáo dục ở bậc học này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ tương lai của học trò. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị mỗi giáo viên tiểu học phải là tấm gương về đạo đức, trí tuệ để học sinh noi theo.
Về kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học, Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ GDĐT sẽ ban hành Thông tư mới để phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của CT GDPT 2018. Vì vậy, các Sở/phòng GDĐT, các nhà trường tiểu học cần quan tâm đổi mới việc đánh giá, khen thưởng, trong đó tập trung chỉ đạo và thực hiện bằng được việc khen thưởng học sinh đảm bảo đúng, trúng, thiết thực, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa thực chất dẫn đến hiệu ứng ngược.
“Khen thưởng phải tạo được động lực cho học sinh và giáo viên, tạo niềm tin cho phụ huynh, xã hội. Khi làm tốt việc khen thưởng tạo động lực lớn cho giáo viên, học sinh thì hiệu quả và chất lượng giáo dục cũng từ đó được nâng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
* Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh năm học này tăng hơn 900.000 em so với năm học 2019-2020. * Dự báo, năm học 2020-2021, quy mô giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông gồm gần 23 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Trong đó, số trẻ mầm non là khoảng gần 5,4 triệu; học sinh phổ thông gần 17,6 triệu (tiểu học: hơn 8,7 triệu; THCS: trên 6 triệu và THPT hơn 2,8 triệu). |