Những năm gần đây, Lễ khai ấn tại Đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 rạng ngày rằm tháng Giêng âm lịch đã trở thành hiện tượng văn hóa vượt ra khỏi phạm vi địa phương, thu hút sự quan tâm của đồng bào cả nước. Để bạn đọc rõ thêm về Lễ khai ấn này, chúng tôi tìm gặp tiến sĩ (TS) Sử học Nguyễn Xuân Năm, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Nam Định...
- Thưa TS. Nguyễn Xuân Năm, ông có thể cho bạn đọc SK&ĐS biết những nét cơ bản về Lễ khai ấn tại Đền Trần trên địa bàn tỉnh nhà?
- Lễ khai ấn trước hết là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Thiên Trường không phải là Kinh đô nước Việt nhưng gắn với việc khai ấn là bởi trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một "Thủ đô kháng chiến" theo cách gọi hiện đại để tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường... Vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạnh mới gọi nơi đây là "Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng...".
- Vậy "ấn" đang đóng là "Quốc ấn" có từ thời Trần? Thưa ông!
- Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". Và từ đây, Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng) là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
- Đồn đại trong dân gian, Lễ khai ấn đền Trần rất thiêng nên thiên hạ đến đây rất đông những mong cầu tài, cầu lộc và quan chức thì cầu danh?
- Thiêng liêng nhất là tiếp thu truyền thống cha ông để có một sức mạnh chứ bất tài, tham nhũng lại những mong thăng quan tiến chức thì chắc cả người và thần đều không thể chấp nhận.
- Thưa tiến sĩ, nhiều bạn đọc băn khoăn còn một ấn nữa đền làng Bảo Lộc?
- Làng Bảo Lộc là thực ấp của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn trước đây. Ấn tôi vừa nói là ấn nhắc lại tích cũ của triều Trần còn ấn trong đền tại làng Bảo Lộc là ấn của Trần Hưng Đạo có dòng chữ “Nam lộc Trần ấp, hoán tích chi bảo" mang tính tâm linh nhiều hơn bởi dân gian tôn ông là Đức Thánh Trần.
- Những ấn có được từ những năm trước nên để hay hoá và nếu để thì cất vào đâu theo quan niệm dân gian?
- Nên hóa vào ngày 23 Tết để bắt đầu vào công việc mới, sinh khí mới của một năm mới.
- Nghĩa là mỗi lần nhận "ấn" là mỗi lần tự hứa với mình, với tổ tiên, sông núi về trách nhiệm trước công việc mình đang làm chứ không phải hy vọng vào may rủi. Và may trong lĩnh vực nào chứ tài hèn đức mỏng lại gặp "may" trong đường hoạn lộ thì quả là tai họa cho nhiều người liên quan tới trách nhiệm của mình? Những năm gần đây, Lễ khai ấn được quan tâm hơn có phải do cơ chế thị trường? Thưa tiến sĩ!
- Xin khẳng định lại đây là một tập tục văn hóa hết sức nhân văn và ngành văn hóa tỉnh đã đề nghị tỉnh khôi phục. Khi tìm đến văn hoá, tìm đến truyền thống thì dân đồng tình.
- Đã có thời...
- Đền là của dân và theo tôi không nên hành chính hoá niềm tin tâm linh của dân.
- Phải vậy mà Đền Trần ngày càng được tu bổ khang trang
- Đó còn là niềm tự hào của Nam Định hôm nay. Lễ khai ấn vừa rồi ước khoảng 10 vạn người nhưng chưa hề có sự đáng tiếc xảy ra. Đó là tình cảm và trách nhiệm của cả tỉnh trước một sự kiện văn hóa đầy nhân văn, khơi gợi truyền thống...
- Thưa Giám đốc, sao chỉ có 500 ấn đặt trên mâm trong giờ Tý ngày khai ấn?
- (Cười) Giỗ chạp trong từng gia đình cũng chỉ có một mâm cúng thôi chứ đâu phải tất cả.
- Vậy những ấn khác?
- Đều linh thiêng nếu người nhận ấn biết khơi dậy sức mạnh trong chính mình với trách nhiệm trước sông núi, cha ông.
- Cảm nghĩ cá nhân của ông trong Lễ khai ấn năm Kỷ Sửu?
- Tôi rất xúc động khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tự tay đóng 9 chiếc gửi đến 9 đền thờ của vùng Thiên Trường này. Sang năm, Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và Thiên Trường cũng có 175 năm đầy hào hùng gắn với Thăng Long trong 3 cuộc kháng chiến vĩ đại chống Nguyên - Mông... Truyền thống ông cha vẫn không bị lãng quên và đang được phát huy trong từng con dân nước Việt.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Quý (thực hiện)