Lê Huy Quang - Một giọng thơ riêng...

23-12-2019 09:21 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - (Nhân đọc Liên khúc Đoản ca “Ký ức Hà Nội” của Lê Huy Quang. NXB Hội Nhà văn 2019)

Đọc tập thơ mới nhất của Lê Huy Quang, ngay từ trang bìa dưới đầu đề đã có sự phiếm chỉ về thể loại tập thơ - Liên khúc Đoản ca - trong tôi đã rộn lên một cảm phục về sự sáng tạo, quyết dựng cho mình một dòng thơ riêng của Lê Huy Quang - nhà thơ đã ngoại thất thập, giữa dòng thác lũ của thi ca đương đại. Đây là ấn phẩm thứ 10 về thể loại được duy danh là thơ của ông trong đó có 5 tập trường ca và 4 tập thơ cùng Liên khúc Đoản ca này.

Đọc bài thơ của nhà thơ mới viết hôm qua, dù đã thành danh hay chưa thành danh, tôi lại thấy nó từa tựa bài thơ cũng chính tác giả đó viết 5, hay 10 thậm chí 20 năm về trước. Về nội dung có thể có sự khác biệt giữa nhà thơ này với nhà thơ khác.Đề tài trong thơ có thể đa dạng nhưng có đến 90% các nhà thơ hiện nay có nghệ thuật thơ gần như giống nhau từ cách tìm, thể hiện đề tài, cách kết cấu, cách dùng, chọn từ, cách xuống dòng làm duyên... Gần hết sáo mòn, cũ kỹ, lờ lợ theo kiểu nước đường pha loãng. Vì thế có thể nói trong hàng nghìn nhà thơ hiện nay số lượng các nhà thơ viết thơ có thể chưa hay nhưng không lẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Lê Huy Quang, Nguyễn Đình Chính... và ít nhiều là nhà thơ nữ xứ Ứng Hòa Trần Mai Hường. Đó là những nhà thơ thật sự có nội lực thơ, có ý thức và bước đầu có thành công trong sự đổi mới thi pháp.

Ảnh bìa tập thơ.

Ảnh bìa tập thơ.

Cầm tập Liên khúc Đoản ca của Lê Huy Quang, với tư cách là một người Hà Nội, tôi chân thành biết ơn, cảm phục một nhà thơ xứ Nghệ tá túc ở Thăng Long gần 2/3 cuộc đời để rồi dồn nén cảm xúc làm nên món quà nghệ thuật chân thành dâng tặng cho thành phố quê hương tôi. Một món quà thơ mà ngay cả những nhà thơ Hà Nội gốc cũng không tạo ra được. Thêm một điều cảm phục nữa là tình cảm đó ở Lê Huy Quang lại được biểu hiện qua một bút pháp thi ca sáng tạo tìm tòi sau gần nửa thế kỷ làm thơ. Với tập thi ca thứ 10 này, thêm một lần nữa ghi nhận một Lê Huy Quang luôn bươn trải nhọc nhằn, để đi tìm cho mình một dòng thơ riêng - không lẫn trong làng thơ Việt đương đại.

Trong bài viết 10 năm trước về tập thơ Phải khác ấn phẩm thơ thứ tám của Lê Huy Quang dưới đầu đề Thi pháp hiện đại tôi đã khẳng định “Phải khác là một tập thơ dễ thành một chủ thể phải bàn, vì tính độc đáo của tập thơ này, đa phần nổi lên từ những bài thơ mà Lê Huy Quang dày công và có chủ ý trong sự làm mới phong cách thơ của mình”.

Hành trình đi tìm cho mình một dòng thơ riêng không phải một sớm một chiều, mà từ khi Lê Huy Quang sau đôi ba năm viết thơ đã chủ tâm. Hãy đọc những dòng thơ ông viết vào năm 1969 khi ông 24 tuổi. Những dòng thơ mà tác giả Đêm Thánh nhân phải thốt lên “Dạo ấy mà Quang viết được những câu thơ này thì quả là ghê thật”:

Anh lang thang em

Anh xanh xao em

Anh mi ni em

Đêm về

Anh

tiết canh                                                               Em... (Chân dung)

Ở ngưỡng 40 tuổi đời ông viết:

Đầu ô nào

Riêng gió

Dẫn đưa anh (Đầu ô chuyển gió).

Và hôm nay khi đã ngoại thất tuần, trong thi phẩm mới nhất - ở đoản V trong Ký ức Hà Nội, vẫn dòng chảy thơ rất riêng của Lê Huy Quang hiển hiện lên những dòng thơ:

Bể  nước mưa gối chung hai mái nhà

Cau một lần ra hoa

Ai một lần đi qua

Ta một lần ơi xa.

Nếu cần một cái nhìn bao quát, ba câu thơ ít nhiều điển hình cho bút pháp Lê Huy Quang ta vẫn thấy một sự tiếp nối, liền mạch cho thi pháp thơ của ông. Nếu câu đầu là sự tìm tòi chưa mấy nhuyễn, còn mang đậm sự làm dáng của sự cách tân, thì đến thời kỳ hai đã lộ ra sự đằm của sự đổi mới và hiện nay là sự hài hòa của một sự luyện công đang dần thành thục. Trong cách thể hiện, Lê Huy Quang thường tạo ra những câu thơ đột ngột, bởi khả năng chuyển hóa các loại từ. Danh từ thành trạng từ (anh xanh xao em), hay:

Chương 18

Tôi quà riêng em (ĐoảnXVIII).

Đôi khi những hư từ cảm thán bỗng chuyển tải một tác dụng riêng, mà Lê Huy Quang sử dụng rất tự nhiên (Ta một lần ơi xa). Đôi khi giữa những dòng thơ uyển chuyển thuần thơ, Lê Huy Quang còn tung vào đó những dòng nặng chất văn xuôi:

Ôi, con không được quyền vui riêng

Khi mẹ chưa vui

Khi mẹ tháng ngày lo gạo bữa (Đoản XIX).

Thậm chí một câu nói cửa miệng thường nhật, cũng khiến thơ ông trở nên đa dạng hóa trong sự giản dị về sự biểu hiện và cả cấu trúc câu thơ:

Em ơi

Khi ta bắt đầu

Thượng đế sẽ duyệt y một lời em thổ lộ (Đoản XXII).

Và dấu ấn của một họa sĩ, một NSND trọn cả đời làm ma-ket sân khấu cũng ùa vào thơ ông trong những dạng thức lạ, đầy sáng tạo.

Trong không gian

Màu cô ban

Màu vàng chanh

Màu da cam (Đoản II).

Hay:

Những khúc ca cải lương

Lên phông

Những phấn son

Lên môi...

Để rồi thình lình vụt ra câu thơ đặc sản rất Lê Huy Quang:

Ta vai áo rách

Chờ suông... (Đoản XV).

Tất cả những bút pháp mà thơ Lê Huy Quang tung ra ở Liên khúc Đoản ca rút lại là cố tập trung mọi thủ pháp quen thuộc làm nên sức hấp dẫn của thơ ông, đã tạo ra sự chú ý của người đọc, ghim vào thức giác họ một dấu ấn những gì mà nhà thơ muốn biểu cảm. Riêng ở Liên khúc Đoản ca này thì mọi thủ pháp đặc trưng của thi sĩ lại có vẻ thuần thục, có chiều sâu và tĩnh hơn trong sự mô tả dĩ vãng qua kỷ niệm. Hình như trong lúc đi truy tìm ký ức của cá nhân mình giữa một thành phố không phải quê hương, nhưng đã ấp iu, đùm bọc mình mấy chục năm trời, giờ đây nhìn lại qua sương khói của thời gian đã làm ông thổn thức, những kỹ thuật thơ được sử dụng trở lại để thể hiện một điều giản dị là sự mang ơn. Đọc Ký ức Hà Nội, chính tôi cũng bị chìm theo tác giả trong những suy tư dọc theo năm tháng, thời gian - Thuở Hà Nội mộc mạc, oằn mình trong khó khăn một thời bao cấp, rồi bão lửa chiến tranh với những khúc tưởng niệm ứa máu - Để rồi tự lẩm nhẩm theo những dòng thơ đầy chất địa danh mang tên danh nhân quen thuộc của thành phố quê (Đoản Mở)...

Nhiều lần khi đọc đến những trang cuối của thi phẩm, tôi thấy điều hơi lạ là đoạn kết cho 39 đoản khúc thi ca dầy dặn bút pháp của một dòng thơ riêng, Lê Huy Quang lại được kết bằng một khúc vĩ thanh thơ văn xuôi, mang đầy tố chất của một bài báo, làm cho tập liên khúc này có một sự chênh vênh, theo tôi là không hợp. Phải chăng trong lúc truy đuổi ký ức, với một tham vọng tập liên khúc này thành một biên niên sử về thơ cho một thời Hà Nội, thì thi sĩ Lê Huy Quang phải vận đến khả năng của nhà báo Lê Huy Quang (tất nhiên, tôi cũng hiểu ý tưởng của tác giả - phần vĩ thanh này là nói về Hà Nội hôm nay). Tôi tiếc và ao ước, giá những dòng vĩ thanh vẫn tiếp tục dòng chảy của những câu thơ đầy huyền ảo và đột ngột, thì thi phẩm thứ 10 của Lê Huy Quang trọn vẹn và có thể phiêu hơn.


Nguyễn Hiếu
Ý kiến của bạn