PV: Thưa GS. Nguyễn Anh Trí, được biết đây là kỳ Lễ hội Xuân hồng lần thứ 10, vậy xin ông cho biết lịch sử của Lễ hội Xuân hồng?
GS. Nguyễn Anh Trí: Trước khi có Lễ hội Xuân hồng, cách đây đúng 10 năm, xuất phát từ tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu ngay sau dịp Tết Nguyên đán thường xảy ra ở những trung tâm truyền máu, bệnh viện các tỉnh, thành phố trên cả nước kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng tới công tác điều trị cho người bệnh, chính vì vậy, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đưa ra sáng kiến và đứng ra tổ chức sự kiện hiến máu đầu năm lấy tên là Lễ hội Xuân hồng. Trong kỳ đầu tổ chức (2008) chủ yếu là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đứng ra tổ chức Lễ hội, sau đó sự kiện đã nhận được sự vào của nhiều đơn vị, tập thể vì tính lan tỏa lớn của Lễ hội Xuân hồng trong cộng đồng.
GS.TS Nguyễn Anh Trí trả lời phỏng vấn phóng viên
Sau 2 năm tổ chức, Ban Chỉ đạo Vận động Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã đưa Lễ hội Xuân hồng trở thành chiến dịch HMTN cấp quốc gia và phát động trên toàn quốc. Đặc biệt, tại Hà Nội, Lễ hội Xuân hồng được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; Ban chỉ đạo Vận đông hiến máu nhân đạo Hà Nội và Hội thanh niên vận động hiến máu tình nguyện Hà Nội.
Lễ hội Xuân hồng đã trở thành một ngày hội hiến máu lớn và phát triển ở quy mô cả nước bởi: Thứ nhất để đảm bảo có lượng máu đủ lớn để giải quyết kịp thời vấn đề thiếu máu sau Tết Nguyên đán; Thứ hai, xóa đi quan niệm chưa đúng còn tồn tại trong cộng đồng rằng hiến máu trong dịp đầu xuân thì mất may mắn của cả một năm.Thứ ba, đây là một đợt tập dượt về tổ chức ngày hiến máu lớn để đề phòng thảm họa, đồng thời qua đây nhằm giáo dục lòng nhân ái tinh thần yêu nước, sự hi sinh vì cộng đồng… và Thứ tư, việc hiến máu đầu năm đã khởi động và mở màn cho 1 năm hiến máu ở Việt Nam.
PV: Thưa GS. Nguyễn Anh Trí với tư cách là Trưởng ban tổ chức Lễ hội Xuân hồng của 9 kỳ Lễ hội vậy ông có thể đánh giá hiệu quả mang lại của Lễ hội Xuân hồng?
GS. Nguyễn Anh Trí: Thứ nhất, trong 9 kỳ Lễ hội Xuân hồng, Ban tổ chức đã tiếp nhận được gần 51.000 nghìn đơn vị máu, lượng máu này đã kịp thời đáp ứng được tình trạng thiếu máu gay gắt sau Tết Nguyên đán; Con số 51.000 đơn vị máu sẽ tương ứng với khoảng 100 nghìn người đăng ký hiến máu qua 9 kỳ Lễ hội và có trên 300 nghìn người đến với Lễ hội Xuân hồng qua các năm, một con số cũng vô cùng ấn tượng nữa là số người được tiếp cận thông tin về Lễ hội Xuân hồng và hiến máu nhân đạo sau Tết sẽ được nhân lên gấp nhiều. Sức lan tỏa của Lễ hội Xuân hồng là vô cùng to lớn và sâu rộng trọng toàn xã hội. Điều đó đã được chứng minh qua 9 kỳ tổ chức Lễ hội Xuân hồng, người dân Việt Nam, mọi người trong cộng đồng tham gia hiến máu vì sự sống của người bệnh trong dịp đầu xuân mới. Nhìn những dòng người đến hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng ở các địa phương cũng như tại Thủ đô Hà Nội tôi rất vui mừng, vì chứng tỏ quan niệm về việc hiến máu mang đến xui xẻo đầu năm đã đã bị xóa nhòa.
Thứ hai, là kinh nghiệm hết sức quý báu trong việc tổ chức buổi hiến máu lớn. Tôi còn nhớ kỳ Lễ hội Xuân hồng đầu tiên (năm 2008) Viện đã tiếp nhận được hơn 2.000 đơn vị máu, nhưng khi đó gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tiếp nhận máu cũng như điều tiết nguồn máu… Nhưng đến nay, chúng tôi có thể tiếp nhận từ 8.000 đơn vị trở lên trong một ngày, chứng tỏ tính chuyên nghiệp đã được nâng cao, công tác chuyên môn, tổ chức được đảm bảo, công tác tuyên truyền vận động hiến máu, chuẩn bị về lực lượng hiến máu, lực lượng tiếp nhận máu công tác hậu cần, những công đoạn xử lý, điều chế các thành phần máu…cho đến kết quả cuối cùng là có máu để truyền cho người bệnh, tất cả đều đảm bảo đúng chuyên môn.Trên thực tiễn, từ những đợt hiến máu lớn chúng ta còn điều tiết phù hợp hiệu quả nhóm máu…. Qua đó đã có hàng vạn người bệnh được cứu sống nhờ truyền máu sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
PV. Thưa GS Nguyễn Anh Trí, 2017 là năm thứ 10 Lễ hội Xuân hồng được tổ chức, vậy kỳ Lễ hội Xuân hồng năm nay có những điểm mới gì khác biệt?
GS. Nguyễn Anh Trí: Năm 2017 Lễ hội Xuân hồng sẽ có nhiều điểm mới, bởi đây là lần thứ 10 Lễ hội Xuân hồng được tổ chức - một chặng đường dài mà chúng ta cần phải có những tổng kết, rút kinh nghiệm. Kỷ niệm 10 năm Lễ hội Xuân hồng sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội và nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước tham dự, tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực cho các kỳ Lễ hội. Năm 2017, Lễ hội Xuân hồng dự kiến đón tiếp trên 25.000 lượt người tham dự, tiếp nhận khoảng 10.000 đơn vị máu, đây là con số lớn nhất từ trước tới nay.Trong quá trình tiếp nhận máu, BTC sẽ điều tiết được nhóm máu và công tác tuyên truyền, vận động hiến máu sẽ diễn ra thực chất và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng đã chuẩn bị và lên phương án tốt nhất cho công tác chuyên môn từ khâu tiếp nhận, sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường truyền máu, điều chế sản xuất các chế phẩm máu…
Ngay sau Lễ khai mạc, Hội nghị tổng kết 10 kỳ Lễ hội Xuân hồng được tổ chức với sự tham gia của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu trên toàn quốc, qua đó rút kinh nghiệm và đặc biệt là trả lời một câu hỏi rất quan trọng là chúng ta có nên tiếp tục duy trì Lễ hội Xuân hồng nữa hay không? Và cùng nhau nhìn lại Lễ hội Xuân hồng qua 10 kỳ, nếu tiếp tục triển khai, chúng ta cần có những điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Hưởng ứng 10 năm Lễ hội Xuân hồng, ngày 17/2, hơn 600 cán bộ y tế đến từ 20 bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tham gia chương trình cổ động, diễu hành vận động hiến máu “Roadshow Blouse trắng vì người bệnh cần máu” trên các tuyến đường chính của thủ đô. Chương trình cho Viện Huyết học – Truyền máu TW phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức nhằm thể hiện tinh thần, quyết tâm của các cán bộ y tế vì sự sống người bệnh.
GS. TS Nguyễn Anh Trí và lãnh đạo Viện HH & TMTW tham gia hiến máu ngay sau Tết Đinh Dậu năm 2017
PV. Là đơn vị chủ trì chính của Lễ hội Xuân hồng vậy Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã chuẩn bị như thế nào? Và với tư cách là Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, theo quan điểm của Giáo sư chúng ta có nên tiếp tục duy trì Lễ hội Xuân hồng trong những năm tiếp theo?
GS. Nguyễn Anh Trí: Bên cạnh viện tiếp nhận máu tại TP Hà Nội, chúng tôi còn tiếp nhận máu ở một số địa phương khác cũng tổ chức Lễ hội Xuân hồng như Bắc Giang, Hà Nam…Vì vậy, trong hơn hai tháng trở lại đây, Viện đã xây dựng kế hoạch, phương án triển khai Lễ hội Xuân hồng lần thứ 10 một cách tốt nhất công tác tiếp nhận máu. Đặc biệt Viện đã tổ chức ngày hội hiến máu chào Xuân hồng 2017 thu hút hàng trăm cán bộ của Viện tham gia trước kỳ lễ hội lớn.
Theo tôi Lễ hội Xuân hồng cần thiết được tiếp tục triển khai bởi trên thực tế, đầu năm 2017, ngay sau Tết Nguyên đán, mặc dù Viện và người dân đã và đang tích cực tham gia hiến máu, tuy nhiên máu cấp cứu và điều trị cho người bệnh đang bắt đầu bị thiếu. Đến lúc Lễ hội Xuân hồng diễn ra thì chúng ta có thể thiếu máu trong khoảng 1 tuần. Chính vì vậy, nếu không tiếp tục tổ chức Lễ hội Xuân hồng thì tình trạng thiếu máu sau Tết Nguyên đán sẽ còn diễn ra trầm trọng.
PV. Xin trân trọng cảm ơn GS. Nguyễn Anh Trí.