Mỗi quốc gia trên thế giới đều có ngày Tết truyền thống với những phong tục, nghi lễ độc đáo của mình. Năm mới của nhân dân các dân tộc Lào bắt đầu từ 13 đến 15/4 hàng năm theo Phật lịch. Những ngày này ở đây thì ai ai cũng được hòa mình trong không khí của lễ hội té nước. Ngày Tết, mọi người thường té nước vào nhau để cầu may cho cả năm.
Lễ hội té nước tại Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet, Lào
Lễ hội ở Lào thường được gọi là Bun. Bun có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước. Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.
Một số hình ảnh PV Báo SK&ĐS ghi lại tại Lễ hội té nước ở Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet, Lào.
Nước thơm và hoa Muồng (bò cạp vàng - cầu may mắn, mong điều phước lành trong năm) được sử dụng trong lễ hội
Đầu năm, người ta cầu cho nhau bằng nước và từ nước. Từ xa xưa, người Lào đã có quan niệm truyền đời là chỉ có nước mới có thể đem lại màu xanh cho sự sống, bởi ở Lào mỗi năm chỉ có 2 mùa, mùa khô và mùa mưa
Có nhiều quan niệm giải thích về nguồn gốc Lễ hội té nước song có thể hiểu sự ra đời của lễ hội gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, đồng thời, nó cũng xuất phát từ những truyền thuyết mang đậm màu sắc tôn giáo
Cử chỉ té nước cho mọi người trong lễ hội muốn nói rằng: Không chỉ đất khát, cây khát mà con người cũng cầu mong mưa thuận gió hòa, cho vạn vật sinh sôi. Hễ ai đến mảnh đất này cũng bị cuốn hút vào không khí chung, đầy linh thiêng của đất trời xứ Lào
Dù tin vào thế giới đa thần và chưa thể lí giải nguồn gốc của nhiều hiện tượng tự nhiên, xã hội, song người xưa vẫn tin vào khả năng của con người. Khẳng định và ngợi ca con người đó chính là tinh thần nhân văn cao. Vẻ đẹp nhân văn làm cho huyền thoại này cùng với tục té nước mãi trường tồn với thời gian.