Lễ hội - Nỗi lo lệch chuẩn

14-01-2014 09:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Bắt đầu từ thời điểm Tết dương lịch, nhiều lễ hội đã được tổ chức, thu hút hàng chục ngàn người tham dự.

Bắt đầu từ thời điểm Tết dương lịch, nhiều lễ hội đã được tổ chức, thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Tuy nhiên, từ lễ hội truyền thống cho đến những lễ hội giải trí mang hơi thở đương đại đều để lại nỗi ám ảnh đối với người tham gia và người tổ chức. Thế nên, cứ nhắc đến “lễ hội” hay “đám đông”, người ta lại rùng mình.

Khoảnh khắc chia tay năm cũ, chào năm mới thiêng liêng đến nỗi ai cũng muốn nhào ra đường. Thói quen này đã trở thành truyền thống của người dân khắp nơi trên thế giới cũng như ở nước ta.

Nỗi “ám ảnh” tương tự cũng xảy ra tại sự kiện đón giao thừa xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Được tổ chức thường niên, lễ hội đếm ngược Heineken Countdown đã trở thành “món ăn tinh thần” ngày cuối năm không thể thiếu của giới trẻ Việt. Tạm gọi là lễ hội bởi sự kiện này thu hút đám đông cực khủng, thậm chí người ta chưa thể tính được lượng người đến xem Heineken Countdown 2014, chỉ biết rằng khi đám đông khủng tản ra cũng là lúc Hà Nội “ngập” trong... rác. Tình trạng “ngập lụt” cũng xảy ra tại TP.HCM sau lễ hội pháo hoa chào năm mới 2014, khu vực trung tâm TP.HCM tràn ngập các loại rác như bao nylon, vỏ hộp... do hàng nghìn người dân đi chơi vứt lại.


	Kiểm soát đám đông trong lễ hội trở thành vấn đề nan giải đối với ban tổ chức.

Kiểm soát đám đông trong lễ hội trở thành vấn đề nan giải đối với ban tổ chức.

Chưa hết, lễ hội đếm ngược năm nay còn phát sinh nhiều thói hư tật xấu của giới trẻ. Điều khiến mọi người than phiền và bức xúc lại là văn hóa hành xử ở chỗ đông người của những cô cậu thanh niên “thiếu suy nghĩ”. Không ít thanh niên còn “hiểu nhầm” lễ hội đón năm mới thành lễ hội té nước, lễ hội ném rác và lễ hội... ẩu đả khi mà họ tụ tập lại với nhau rồi trêu ghẹo, chọc phá người đi đường, vẩy nước ngọt lên đầu người khác, gây gổ đánh đấm vô tội vạ... Và còn một trò đáng xấu hổ: lợi dụng đám đông chen lấn để... sàm sỡ các cô gái trẻ. Hành động tưởng chừng là thô thiển này lại được họ lên mạng coi như chiến tích. Những cô gái đi đơn lẻ hay theo nhóm đều dễ dàng trở thành nạn nhân của trò đùa rất thiếu văn hóa.

Đó là mặt trái của những lễ hội hiện đại dành cho người trẻ. Trở lại chủ đề lễ hội truyền thống, nhiều vấn nạn khác cũng làm các nhà tổ chức phải đau đầu. Vẫn là chủ đề muôn thuở: mất kiểm soát đám đông. Lượng khách đổ về các lễ hội thường xuyên quá tải, tiêu biểu như Chùa Hương đã đón trên 800 ngàn lượt khách, Yên Tử đón gần 700 ngàn, Cửa Ông đón trên 200 ngàn, Côn Sơn - Kiếp Bạc đón trên 250 ngàn, Đền Trần Nam Định trên 200 ngàn... Ngay cả khi những lễ hội này đã đi vào quy chuẩn thì hiện tượng ùn tắc cục bộ trong ngày khai hội, xóc thẻ, bói toán, đốt nhiều vàng mã, hầu đồng, cờ bạc trá hình, chèo kéo khách, chặt chém du khách... vẫn xảy ra ở một số nơi. Lúc này, người trong cuộc chỉ có thể đổ lỗi cho sự quá tải, vì quá tải nên mới mất kiểm soát.

Mặc dù ở những khu vực diễn ra lễ hội, người ta còn thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm; tăng cường công tác tuyên tuyền về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội; hướng dẫn du khách chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức khi tham gia lễ hội. Tuy nhiên, các giải pháp được “vẽ ra” dường như không ăn thua khi mà ban tổ chức không thể kiểm soát được lượng người đổ về lễ hội.

Lễ hội nào cũng xuất hiện đám đông, mỗi đám đông là một xã hội thu nhỏ, luật sẽ đóng vai trò điều khiển xã hội đó. Nếu như quản lý lễ hội bằng những quy định có phần “lỏng lẻo”, chủ yếu “đánh vào” ý thức đều trở nên vô tác dụng thì có lẽ người trong cuộc nên nghĩ đến biện pháp mạnh, hạn chế lượng người tham gia lễ hội cũng là một trong những giải pháp hiệu quả, ít nhất thì các lễ hội cũng tránh được tình trạng phải dọn dẹp quá nhiều rác khi đám đông ra về.

Suy cho cùng, ý thức của những người tham gia đã ít nhiều ảnh hưởng xấu đến lễ hội. Người ta sẽ chẳng bao giờ phải nghĩ đến cái gọi là “biện pháp mạnh” khi mà đám đông không quên khái niệm văn hóa ứng xử. Ấy thế mà khi nghĩ lại những lễ hội “ám ảnh” vừa qua, bản thân người tham gia vẫn cảm thấy mình còn “may mắn chán” vì ở Việt Nam chưa từng xảy ra “lễ hội giẫm đạp”!          

Thùy My

 


Ý kiến của bạn