Nhắc tới lễ hội là nhắc tới sự vui vẻ, tưng bừng, đông đúc, đặc biệt là trong những dịp đầu năm. Nhưng giờ đây, người ta chẳng biết phải dùng những từ gì để mô tả cho những lễ hội. Nhiều lễ hội “đẫm máu” như chọi trâu, chọi chó, chém lợn... Những lễ hội chùa chiền thắng cảnh thì luôn gắn kèm với nạn chặt chém, xin tiền, cờ bạc trá hình... Dường như tinh thần của các lễ hội ngày càng theo xu hướng thương mại hóa một cách... quyết liệt.
Muốn tiết kiệm phải... khỏe đi bộ, khỏe chen
Sau Tết Nguyên đán là mùa của các lễ hội. Năm nay, chùa Bái Đính đã hoàn thiện hơn, quy củ hơn và dĩ nhiên, tốn tiền hơn. Hai năm gần đây, khách đến với quần thể hoành tráng này bắt đầu cảm thấy “mệt mỏi” với các chi phí phải bỏ thêm. Ngay từ trước khi vào bãi gửi xe, mỗi chiếc ôtô phải “nộp” từ 30.000 - 40.000 đồng, không phải tiền trông xe mà cũng chả biết phải gọi là tiền gì, có thể gọi là “vé” vào chùa. Sau đó, tất cả các xe vào trong bãi sẽ phải trả thêm lượt phí trông xe khác.
Lấy lý do bãi xe chật, ban quản lý chuyển bãi xe ra xa chùa hơn, du khách buộc phải chọn dịch vụ xe điện với giá vé 30.000 đồng/lượt để lên cổng chùa, khi xuống, lại mất thêm một lượt xe điện 30.000 đồng nữa. Khoảng cách là 2km, đi xe điện thì quá nhanh, nhưng đi bộ thì phải đi đường khác, vừa tốn thời gian, vừa xa.
Quần thể rộng mênh mông, nhưng chỉ có duy nhất một dịch vụ cơm chay trên đỉnh chùa chính. Ở đó, du khách thường phải cố ăn những bát phở chay, bún chay với giá 20.000 - 25.000 đồng mà chất lượng thì không thể nuốt nổi.
Như vậy, ít nhất một người vào lễ chùa Bái Đính cũng phải mất 100.000 đồng (chưa bao gồm những chi phí xe cộ để đến được đây). Một người tài xế xe điện tại đây tâm sự: “Giá vé xe điện đắt quá. Năm nay, số lượng người đi xe điện lên chùa giảm đến 2/3. Đa số thanh niên chọn cách đi bộ”. Thảo nào, chùa Bái Đính năm nay cũng vãn hẳn lượng du khách.
Lấy cớ bãi xe chật, người dân muốn lên chùa phải đi bộ vài km hoặc đi xe điện giá cao.
Ngó sang bên cạnh là quần thể di tích Tràng An. Mọi chuyện ở đây đều êm đẹp, chỉ có những hình ảnh không đẹp lại vẫn liên quan đến... tiền. Một du khách người Nam Định đã bị một chủ đò đánh đến gãy tay bởi bà “mắc tội” đòi nằng nặc 5.000 đồng tiền thừa mà lái đò lẽ ra phải trả lại.
Lễ hội chùa Hương với nạn chèo kéo, tranh giành khách, chặt chém thì đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Còn ở lễ hội phát ấn đền Trần (Nam Định), dù được đánh giá là nghiêm ngặt, ổn định hơn so với mọi năm nhưng năm nay vẫn diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy hỗn loạn ngay trước đền phát ấn. Trước mỗi cửa phát ấn, lực lượng công an, cảnh sát cơ động phải liên tục vất vả. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bám lên mái đền đu vào bên trong. Người cao hơn cõng người thấp dúi vào cửa phát lễ, dùng hết sức mình để chen vào trong.
Có người mua được ấn nhưng đường ra bịt kín tứ phương nên chỉ còn cách trèo lên vai người sau mà thoát. Sau khi thoát khỏi đám đông, có ấn rách tả tơi mà tất cả những người có được ấn vẫn hài lòng như thể bắt được “tiền thật”. Mà nói tiền thật cũng phải, họ có thể đem những chiếc ấn mua của ban tổ chức với giá 15.000 đồng ra bán lại giá 50.000 đồng. Dù cố hình dung, nhưng nhiều người vẫn không tưởng tượng nổi vì sao ý nghĩa của ấn xem ra thiêng liêng, cao đẹp để tôn vinh những con người tài năng đức độ, lại có thể được “thương mại hóa” dễ dãi và bừa phứa như thế. Điều này không chỉ gói gọn trong giới hạn của một lễ hội, mà nó khiến người ta liên tưởng tới việc bất cứ thứ gì cũng có thể “quy ra thóc” hết.
Vừa được tiếng, vừa “có miếng”
Hội chọi trâu vừa diễn ra tại Sân vận động huyện Phúc Thọ là lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhân dân nhiều tỉnh thành miền Bắc. Hơn 30 trâu chọi được tuyển chọn từ các tỉnh. Trải qua nhiều trận chiến kịch liệt, đẫm máu, có trâu thắng, trâu thua... nhưng kết cục chung của tất cả những chú trâu này đều bị đem xẻ thịt, bán cho các du khách.
Dù được gọi là một lễ hội, tạo không khí vui vẻ cho “tháng ăn chơi”, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại rất nhiều ý kiến phản đối, cho rằng đây là một lễ hội hơi kỳ cục và... dã man. Tất cả các “hiệp sĩ trâu”, không chết trận thì cũng bị xẻ thịt. Tóm lại, trâu vô địch, chỉ có chủ hưởng tiếng và cả miếng nữa.
Trên các diễn đàn cũng như ngoài cuộc sống, nhiều người thắc mắc chọi trâu không phải lễ hội truyền thống sao lại tổ chức tại Hà Nội như vậy. Câu trả lời tựu trung là: lợi nhuận. Ở đâu có cung thì ở đó có cầu. Chẳng phải các điểm chọi gà vẫn cứ lẻ tẻ diễn ra khắp nơi hay sao. Đằng này, đường đường chính chính tổ chức hẳn một lễ hội, bán vé thu tiền đàng hoàng có phải hơn không. Ngoài tiền vé cho những người tò mò, còn là tiền bán thịt trâu, những 2 - 4 triệu đồng/kg. Chưa kể không ít kẻ ăn theo bằng các hoạt động tổ chức cá cược nữa.
Ở thời buổi kinh tế thị trường này, hiếm có một hoạt động thương mại nào mà lại đạt nhiều mục đích như lễ hội. Ban tổ chức vui vì vừa được lời, vừa được khen là có “công” phát huy, làm phong phú “văn hóa lễ hội truyền thống”. Người dân tham gia cũng vui vừa được hò hét, có thêm cơ hội vui chơi lúc rảnh rỗi. Và những người “phục vụ” là các chủ trâu, các hàng quán vui chả kém vì bán hàng được giá.
Ngoài hội chọi trâu là lễ hội chém lợn cầu may mỗi dịp Tết tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, rồi thú chơi chọi chó đang dần rộ lên ở Hà Nội và một số tỉnh thành. Nghe nói, người ta có thể huấn luyện cả ngựa chọi nhau được, kể cũng tài.
Điểm chung giữa các lễ hội này là nó kèm theo một thú vui có phần hoang dã. Những tiếng hò reo, những nụ cười vô cảm trước những đau đớn của các “hiệp sĩ thú” dù chúng là những con vật hết sức thân thiết của con người. Duy chỉ có những “kẻ nhiều lời”, “tọc mạch” thì cứ ngồi mà thắc mắc là nguy hiểm, vô nhân đạo, dã man. Nhưng xem ra chỉ là thiểu số, không đáng để quan tâm.
Bài, ảnh: Quang Cảnh