Hà Nội

Lễ hội Lam Kinh 2014: Hồn dân tộc pha nét trầm tư

19-09-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lễ hội Lam Kinh 2014 do Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa tổ chức từ ngày 14 - 16/9 (21 - 23/8 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Lam Kinh (xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã khép lại.

Lễ hội Lam Kinh 2014 do Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa tổ chức từ ngày 14 - 16/9 (21 - 23/8 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Lam Kinh (xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã khép lại. Đây là lễ hội thường niên lớn nhất của xứ Thanh tính theo ngày âm nhằm kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Nét đẹp và giá trị của lễ hội này vẫn thể hiện rõ trong năm nay, nhưng kèm theo đó, cũng để lại những nỗi trầm tư...

Từ nêu cao lòng tự hào dân tộc...

Lễ hội Lam Kinh 2014 chỉ thật sự nhiều ý nghĩa vào ngày 22/8 âm lịch (năm nay dương lịch là 15/9) với phần lễ diễn ra trong không khí tôn nghiêm, thành kính bởi âm thanh của trống, chiêng hùng tráng tại Sân Rồng. Điểm nhấn của lễ hội năm nay, BTC đã có hoạt cảnh nghệ thuật nói về lòng tự hào dân tộc, tinh thần đấu tranh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc của vua, quan và dân nước Việt.

Toàn cảnh Lễ hội Lam Kinh 2014.

Hoạt cảnh trong lễ hội có chi tiết các vị quan bẩm báo với vua Lê, quân xâm lăng đã đem quân xâm chiếm đất liền, đồng thời có động thái “cướp” vùng biển quốc gia. Vua Lê nghe xong đã ra lệnh tới ba quân tướng sĩ, bằng mọi giá không để mất một tấc đất, một giọt nước ở sông hồ, vùng biển nước nhà. Vua Lê khảng khái: Nếu ai đem tâm dâng bán đất đai và biển cả cho giặc, không giữ được bờ cõi thì sẽ “đáng tội chu di tam tộc”. Vua Lê vừa dứt lời, tất cả thần dân đồng thanh nhắc lại lời nhà vua hòa với tiếng trống, chiêng đầy khí phách.

Trong phần hội sáng 15/9, Chủ tế lễ hội đã đọc chúc văn, nêu lên công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi và vương triều Hậu Lê trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Ngay sau đó, các đại biểu cũng như du khách thập phương dâng hương tại hương án Chính Điện, chín tòa Thái Miếu và lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Phần hội của Lễ hội Lam Kinh 2014 cũng đầy màu sắc với những màn múa rồng hoành tráng, công phu đậm chất nghệ thuật. Đặc biệt, trò diễn dân gian đặc trưng của xứ Thanh được gìn giữ hàng trăm năm qua: Trò Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) cũng được các nghệ nhân địa phương biểu diễn trước quan khách và nhân dân... Những màn hát múa rộn ràng, tưng bừng ca ngợi tình yêu quê hương đất nước vang ngân. Phần lễ của Lễ hội Lam Kinh 2014 khép lại với việc chủ tế hùng hồn đọc lại lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong dịp Kỷ niệm 69 năm Quốc khánh vừa qua: “Thời nào cũng thế, nhân dân ta không dung thứ bất cứ ai, bất cứ hành động nào làm xâm hại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đó chính là đạo lý thiêng liêng nhất và là pháp lý công minh nhất! Ai vi phạm hoặc làm vấy bẩn điều vô giá đó, người ấy không xứng đáng là người con đất Việt. Điều nhân dân ta cần và tôn vinh là những người yêu nước chân chính, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của đất nước, thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực, cụ thể có lợi cho dân...”.

Ông Phạm Duy Phương, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho biết, Lễ hội Lam Kinh 2014 nói riêng và nhiều năm qua nói chung nhằm mục đích góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Lễ hội năm nay sẽ tạo tiền đề cho các lễ hội trong năm du lịch quốc gia 2015 ở tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, Lễ hội Lam Kinh dù chỉ ra từ 2 - 3 ngày nhưng luôn thu hút hàng chục vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh về dự lễ.

... đến xâm phạm di sản, cưỡi - đè  di tích

Dù đã tăng cường nhiều biện pháp, thành lập các đội tuần tra, kiểm soát liên ngành ứng trực trong toàn thời gian để đảm bảo Lễ hội Lam Kinh 2014 diễn ra trang nghiêm, đậm đà bản sắc văn hóa và văn minh nhưng Lễ hội Lam Kinh 2014 vẫn có những hình ảnh chưa đẹp, bộc lộ hạn chế và bất cập. Đó hẳn là nét chung của nhiều lễ hội truyền thống khác ở nước ta hiện nay.

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống có mặt trong suốt 3 ngày diễn ra Lễ hội Lam Kinh 2014, đã nhận thấy nhiều điều đáng buồn ở lễ hội này. Từ khu vực bên ngoài (qua cầu Lam Kinh đến khu vực cầu Bạch dẫn vào khu trung tâm di tích Lam Kinh), hàng quán bán quà lưu niệm, đồ ăn thức uống, các gian hàng vui chơi giải trí có thưởng kiểu ăn thua “mọc” lên như nấm. Nhân dân về dự lễ hội ken kín không còn lối đi và bị tra tấn bởi tiếng nhạc, tiếng rao mời mua hàng, chơi trò chơi... chát chúa đến inh tai nhức óc. Khu di tích lịch sử Lam Kinh trở nên lộn xộn, nháo nhác thiếu tính trang nghiêm ngay từ vòng ngoài.

Đồng thời, những điểm trông giữ xe cũng được nhiều hộ dân xung quanh khu di tích mở ra và hầu hết đều thu với mức “cắt cổ” khiến không ít du khách tỏ ý bức xúc, giá trông xe máy dao động từ 15 - 20 ngàn đồng/lần gửi. Biết là vậy, nhưng đa số khách dự lễ không còn cách nào khác, bởi cách đó chừng vài trăm mét, lực lượng an ninh và cảnh sát giao thông đã có các chốt chặn hạn chế phương tiện như xe máy, xe đạp... vào khu vực trước trụ sở Ban Quản lý khu di tích. Vì thế, nếu không gửi phương tiện tại những điểm trông giữ xe tự phát trong các hộ dân, du khách không thể an tâm vào trong hành lễ, tham dự Lễ hội Lam Kinh và điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận trả phí trông xe với mức cao gấp nhiều lần so với quy định.

Trong rừng Lam Kinh (trung tâm khu di tích và lễ hội), BTC có quy định cấm bán hàng rong nhưng thực tế hàng quán bán nước giải khát, cho thuê chỗ nghỉ ngơi và dừng chân vẫn diễn ra. Không ít đối tượng đã bám riết, chèo kéo du khách mời mua hương vàng để hành lễ tại các lăng mộ, đền, miếu... Dù đã được lực lượng an ninh nhắc nhở và yêu cầu không tiếp diễn việc bán hàng rong, nhưng khi lực lượng chức năng vừa dời đi, các đối tượng lại “ngựa quen đường cũ” và vô tư hành nghề. Trong khi đó, ở khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ đầy uy nghiêm và linh thiêng lại xuất hiện những người hành nghề bói toán mê tín dị đoan. Khi khách vào khu lăng mộ thắp hương, các đối tượng đã áp sát mời mọc “rút quẻ” hoặc xem “vinh, phúc” qua lòng bàn tay. Chẳng mấy du khách muốn “vui” với trò này, song để tránh phiền hà, không ít du khách đành miễn cưỡng “rút một quẻ” để tránh sự đeo bám của các đối tượng.

Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo vệ sinh trong lễ hội mà BTC Lễ hội Lam Kinh 2014 đặt ra trước đó dường như đổ vỡ. Bởi lẽ, trong 3 ngày, thời tiết nắng nóng, hàng vạn du khách đến với lễ hội luôn mang theo đồ ăn thức uống để dùng khi cần và khi dùng xong mạnh ai nấy vứt. Do đó, ở nhiều cung đường trước, trong khu vực di tích Lam Kinh nhìn đâu cũng thấy rác. Thậm chí, những khu vực như lăng mộ vua Lê Thái Tổ, Lê Hiến Tông, bia Vĩnh Lăng... rác từ vỏ các bao hương nằm la liệt dưới nền gạch, đất trông rất nhếch nhác, phản cảm.

Song, đáng buồn nhất, ngày đầu tiên của lễ hội (14/9), PV báo Sức khỏe&Đời sống tận mắt chứng kiến hình ảnh vô cùng phản cảm mang tính chất xâm hại, xâm phạm di tích, di sản. Đó là việc một số em nhỏ trèo, cưỡi lên mình, đầu rùa đá tại khu vực bia Dụ Lăng (bia Lăng vua Lê Hiến Tông) để đùa vui và cho bố mẹ, người thân chụp ảnh. Bên cạnh đó, khu vực cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam năm 2013; dù được đặt biển báo cấm vào chụp ảnh, cấm leo trèo và bứt rễ; có hành lang sắt cao khoảng 1m bảo vệ bên ngoài nhưng nhiều khách vẫn ngang nhiên “vượt rào” để vào gốc đa chụp ảnh. Dù PV báo Sức khỏe&Đời sống đã đứng quan sát hai việc làm này trong thời gian khá lâu với mục đích để xem lực lượng bảo vệ, an ninh lễ hội có đến nhắc nhở, ngăn chặn hay không; tuy nhiên, mọi thứ rơi vào... im lặng.

Trẻ vô tư xâm hại di tích rất phản cảm.

Và muôn sự tại... ai?

Vẫn biết lễ hội truyền thống dù lớn hay nhỏ, quy mô cấp địa phương như Lễ hội Lam Kinh 2014 nói riêng, nước ta nói chung thường khó tránh khỏi những bất cập, hạn chế nhất định. Giải quyết những vấn đề này lâu nay đã và đang là bài toán khó với nhiều cấp, ngành cũng như làm đau đầu các chuyên gia thuộc lĩnh vực văn hóa. Nhưng phải công nhận rằng, khi xảy ra các hạn chế, bất cập của lễ hội không thể đổ lỗi hết cho đơn vị tổ chức vì thực tế phản ánh, lễ hội nào (như Lễ hội Lam Kinh 2014) cũng được BTC lên phương án, kế hoạch và kịch bản chi tiết trước đó nhiều ngày để mọi điều diễn ra văn minh, đạt hiệu quả cả về “chất” lẫn “lượng”.

Điều quan trọng mà chúng ta đã nhìn thấy nhưng chưa giải quyết được, đó là để lễ hội thành công tốt đẹp phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, cách ứng xử của người dân khi tham gia lễ hội. Nhưng nhìn từ những mặt chưa đẹp của Lễ hội Lam Kinh 2014 nói riêng và nhiều lễ hội khác ở nước ta nói chung, như: Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Lễ phát ấn đền Trần (Nam Định)... phản ánh sự thiếu chặt chẽ của BTC. Và hơn hết, ý thức trong việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa lễ hội của người dân nước ta còn rất kém. Xảy ra những biến tướng của lễ hội như hàng quán, dịch vụ kinh doanh, buôn bán trái quy định mọc lên như nấm; nạn chặt chém, mê tín dị đoan, vấn đề vệ sinh môi trường... dường như do chính những người đến với lễ hội tạo ra. Chắc chắn rằng, khi nào mọi người ý thức được lễ hội tổ chức nhằm mục đích “vì dân, của dân”, xấu đẹp đa phần là “do dân” thì khi ấy lễ hội ở nước ta mới thật sự văn minh và đậm đà bản sắc văn hóa được!

Bài và ảnh: Phạm Hoa Quỳnh

 


Ý kiến của bạn