Lễ hội “Lạc vào hoang dã” do CHANGE phối hợp cùng WildAid tổ chức. Lễ hội là một sự kiện tiêu điểm nhằm hưởng ứng Hội nghị Quốc tế về Chống Buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã (IWT).
Lễ hội được kỳ vọng là một trong những sự kiện môi trường nổi bật nhất trong phong trào bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam năm 2016.
CHANGE là Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển là tổ chức phi chính phủ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
WildAid là tổ chức bảo vệ động vật hoang dã duy nhất tập trung vào việc giảm thiểu nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã được hàng trăm nhân vật là những nghệ sỹ, doanh nhân, lãnh đạo nổi tiếng toàn cầu tham gia như: Công tước xứ Cambridge – Hoàng tử William, diễn viên Thành Long...
Theo thống kê, chỉ trong 40 năm qua, số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên.
Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam được coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê, chỉ trong 40 năm qua, số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Nam Phi là quốc gia sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2014, có tới 1,215 cá thể tê giác bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á (tăng gần 100 lần so với năm 2007). Nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm mà thậm chí ngày càng khốc liệt hơn, cứ mỗi ngày Nam Phi lại mất đi hơn 3 cá thể tê giác.
Cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng năm 2010. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời. Vì thế việc buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác phi pháp tại Việt Nam cần được chấm dứt vừa để góp phần bảo vệ các loài tê giác, vừa để cải thiện hình ảnh của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh tê giác, nhiều loài hoang dã khác cũng đang bên bờ tuyệt chủng. Trong thập kỷ qua, 1 triệu con tê tê đã bị giết hại, tức là 100.000 con bị giết mỗi năm. Còn loài voi to lớn của châu Phi, mỗi năm cũng mất đi tới 33.000 con.
Trong năm 2016, cộng đồng quốc tế đã bỏ phiếu để đi đến quyết định đưa tất cả 8 loài tê tê, loài động vật có vảy bị săn bắn trái phép nhiều nhất trên thế giới, vào danh mục I của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Vé Lễ Hội “Lạc vào hoang dã”
Lễ hội “Lạc vào hoang dã” được tổ chức nhằm truyền cảm hứng nhiều hơn và kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng và hành động..
Lễ hội sẽ có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi là các đại sứ thiện chí, nghệ sỹ ủng hộ chương trình như: Thanh Bùi, Hoàng Bách, Đức Tuấn, Trọng Hiếu, Phạm Hương, Phan Anh, Phương Vy, nhóm Lip B...
Hoạt động nghệ thuật trên sân khấu chính của chương trình diễn ra từ 19:00 – 21:30 ngày 24/11 bao gồm ca hát, kịch... Tất cả người tham dự sẽ cùng các nghệ sĩ chụp hình với các thông điệp truyền thông, kêu gọi cộng đồng và chính phủ cùng chung sức bảo vệ động vật hoang dã.
Những người tham gia Lễ Hội sẽ được sẽ được tìm hiểu các thông tin về sự đa dạng loài và tình trạng cấp bách của các loài động vật hoang dã như tê giác, tê tê, voi, hổ; trải nghiệm những hoạt động mô phỏng và hóa thân sáng tạo để cảm nhận được vẻ đẹp và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các; chụp ảnh cùng không gian tranh vẽ 3D sống động với thông điệp kêu gọi bảo vệ môi trường hoang dã...
Những hình ảnh và đoạn phim tại Lễ hội sau đó sẽ được truyền thông rộng rãi trên các kênh trong và ngoài nước, đưa tiếng nói của người dân Việt Nam tới cộng đổng quốc tế.
Với giá vé tham dự chính thức là 60.000 đồng và ưu đãi mua sớm chỉ 40.000 đồng, toàn bộ số tiền thu được từ việc bán vé sẽ được đóng góp vào quỹ CHANGE nhằm truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ các loài động vật hoang dã và sẽ được sử dụng cho các dự án diễn ra trong năm 2017.