Lễ hội... không tiêu tiền Nhà nước

28-07-2018 08:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lễ hội đường phố Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng diễn ra ngày 29/7 tại khu vực phố đi bộ của Hà Nội, nhân kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội (2008 - 2018).

Có gì ở Lễ hội đường phố Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ?

NSND Thúy Mùi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn & Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Tổng đạo diễn Lễ hội  khẳng định: Lễ hội đường phố là hoạt động văn hóa lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng của Thủ đô. Sẽ có khoảng 5.000 người tham dự lễ hội gồm cả diễn viên chuyên, không chuyên, nghệ nhân các làng nghề và công chúng Thủ đô.

Sau khai mạc, Lễ hội diễu hành trên đường phố xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Mỗi nhóm diễn sẽ dừng từ 2 đến 3 phút để biểu diễn tại Khu vực quảng trường sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ, Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục, trước cửa Lục thủy, ngã tư Bà Triệu - Hàng Khay, ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền.

Có 7 khối chính tham gia diễu hành, trình diễn trên đường phố, là: khối dân gian; làng nghề; người cao tuổi; thể thao nghệ thuật; tuổi trẻ Thủ đô; nghệ thuật đương đại và khối quần chúng nhân dân.

13 tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc gồm các màn múa rồng lân, múa chạy cờ, múa rối cao, múa con đĩ đánh bồng, múa bài bông, rước trạng vinh quy, múa hoa sen, múa hoa đào, múa hoa mai vàng, múa nón, múa lụa…

Múa Con đĩ đánh bồng, một tiết mục được trình diễn trong Lễ hội đường phố Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ ngày 29/7/2018.

Múa Con đĩ đánh bồng, một tiết mục được trình diễn trong Lễ hội đường phố Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ ngày 29/7/2018.

Khối thể thao nghệ thuật sẽ phô diễn vẻ đẹp của các môn thể thao: wushu, karate, taekwondo, erobic, dance sport...

Khối nghệ thuật đương đại được kỳ vọng sẽ gây ấn tượng mạnh với hoạt động trình diễn thời trang áo dài cổ Hà Nội của các nhà thiết kế có tên tuổi, xiếc đường phố, ảo thuật đường phố, tung hứng, lắc vòng, trượt patin, vũ hội Carnaval 10 khối màu sắc của tuổi trẻ Hà thành...

Lễ hội hứa hẹn hoành tráng nhưng không dùng tiền ngân sách, vì sao?

NSND Lê Khanh, một trong 3 Phó Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: Giải pháp của vấn đề là chúng tôi hết sức... tận dụng.  Lõi của lễ hội là các nghệ sĩ chuyên nghiệp; không gian, hiệu ứng mở rộng là nhân dân, cộng đồng. Hoặc giả, ban đầu có tính đến đặt các màn hình LED nhưng như thế chi phí lại đội lên. Sau đó chúng tôi nhận ra rằng bản thân Hồ Gươm đã là một sân khấu, đồng thời là màn hình LED thiên nhiên quá đẹp. Bất cứ chỗ nào đoàn diễu hành dừng lại cũng có thể là sân khấu. Khán giả có thể nhìn xuyên từ bờ bên này sang bờ bên kia, nghe được âm thanh và cảm nhận được cảm xúc của lễ hội nhờ không gian mở. Đó là giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng không giới hạn sự cảm xúc. Bên cạnh đó, đường đi của các khối diễu hành rất mạch lạc, giống như sự lan tỏa hào quang từ Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội ra cả nước.

Lễ hội đường phố Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng không hề lấy 1 xu kinh phí từ ngân sách nhà nước đó là nhờ 4 “nữ tướng”: NSND Trịnh Thúy Mùi, người phát kiến chương trình và làm Tổng đạo diễn; bên cạnh chị là NSND Lê Khanh, NSND Hương Thơm, NSƯT Mai Hương cùng chung sức và đạo diễn từng phần. Các chị đã lao động nghệ thuật bằng tình yêu Thủ đô và trách nhiệm công dân. Hành trình thuyết phục, vận động các đơn vị nghệ thuật, các làng nghề, các nhà tạo mẫu và các lực lượng khác tham gia không thù lao… Rồi cách tính toán tìm ra dần các giải pháp tiết kiệm chi phí rất phụ nữ nhưng là kiểu phụ nữ quyền biến, tay không bắt giặc.

Lễ hội không tiêu ngân sách, đó là xu hướng

Lễ hội ra đời từ sinh hoạt văn hóa mang dấu ấn cộng đồng đậm nét. Xã hội hóa lễ hội chính là một cách đưa lễ hội trở về với nguồn cội của nó, với sự tham gia một cách chủ động, sáng tạo của cộng đồng.

Hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực khi tổ chức lễ hội là chủ trương được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Nhân dân tham gia không chỉ bằng đóng góp tiền của, công sức, trực tiếp biểu diễn, mà có thể chỉ là sự chủ động trong vai trò khán giả thưởng thức, hưởng ứng. Đó là cơ hội được vui của tất cả người dân thuộc mọi tầng lớp.

Xã hội hóa lễ hội là việc được thực hiện hiệu quả và rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thái Lan từng tổ chức lễ hội di sản văn hóa, nhiều chương trình nghệ thuật do chính người dân và kiều bào tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, qua đó cũng được quảng bá thương hiệu. Lễ hội dân ca thế giới tổ chức thường niên tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, cũng là sự kiện được xã hội hóa, thu hút hàng triệu du khách thưởng thức những nét đẹp nghệ thuật ca kịch của đất nước có bề dày trầm tích văn hóa đồ sộ, lâu đời này. Hoặc như Interkultur - một tổ chức phi Chính phủ đặt trụ sở tại Đức, có mạng lưới rộng khắp trên thế giới với mục đích kết nối các quốc gia, dân tộc, văn hóa trong hòa bình qua các cuộc thi hát hợp xướng. Cho đến nay đã có hơn 8.500 đoàn hợp xướng với hơn 375.000 nghệ sĩ đến từ 103 quốc gia đã tham dự các sự kiện do Interkultur tổ chức. Và hoàn toàn là xã hội hóa.

Ở Việt Nam những năm gần đây, xã hội hóa lễ hội cũng đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tạo sức hút, đồng hành của cả nước, với sự tham gia hỗ trợ của đông đảo các doanh nghiệp, “Mạnh Thường Quân”, giới nghệ sĩ, chuyên gia. Lễ hội hoa Hà Nội tổ chức đầu năm 2010 đã xã hội hóa hầu như toàn bộ kinh phí tổ chức trên 17 tỷ đồng, các nghệ nhân trực tiếp làm những công trình nghệ thuật tại chỗ, thổi hồn vào hoa lá, tái hiện và mang đến cảm giác hoài niệm về một Hà Nội cổ kính, hào hoa. Năm nay, Hải Phòng đã huy động xã hội hóa được số tiền gần 11 tỉ đồng để tổ chức các sự kiện của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2018. Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng với chủ đề Huyền thoại những cây cầu, diễn ra trong 2 tháng, từ tháng 4-6 năm nay cũng không sử dụng kinh phí bắn pháo hoa từ ngân sách nhà nước. Đơn vị tổ chức là Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), dưới sự chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng. Đơn vị tư vấn trình diễn pháo hoa là Công ty Global 2000.


VÕ HỒNG THU
Ý kiến của bạn