Từ hè phố, lề đường, ngõ hẻm… cả người già, trẻ em trong nhà đều được huy động để trông xe.
Với sự “đầu tư” đó, những bãi giữ xe tại khu vực này đều thu phí cao ngất ngưởng, khiến khách hàng phải ‘choáng’ khi giá vé gửi một chiếc xe máy là 50.000/lượt, cao gấp 25 lần so với giá quy định của UBND TP.
Khách đã “trót dại” vào gửi xe thì chỉ biết ngậm ngùi mà trả tiền trước, hoặc đành dắt xe ra trong ánh mắt khó chịu và những lời lẽ thiếu văn hoá của "nhân viên" trông giữ xe.
Một chiếc vé xe đơn giản thế này có thể khiến khách hàng mất trắng xe. |
Qua khảo sát của PV, tại khu vực Tràng Tiền, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ thuộc quận Hoàn Kiếm… giá vé trông xe máy cũng tăng lên hàng chục lần khi giá vé dao động từ mức 20 – 50 ngàn đồng/lượt. Trong khi đó, tại một số tuyến đường xa Hồ Gươm hơn, giá vé cũng được đẩy lên từ 20 đến 40 ngàn đồng/lượt.
“Nếu mình mà thu thấp hơn nhà bên cạnh thì người ta lại bảo mình phá giá, rồi người ta tăng lên mình cũng phải tăng biết làm sao được”, người này cho biết.
Một số sinh viên không chịu được với mức giá cao "ngất ngưởng" nên đành phải “lấn tạm" một đoạn vỉa hè rồi chia nhau ra để người vào xem, người ở lại trông xe.
“Cả nhóm em đi 5 chiếc xe máy xuống đây, nếu như gửi thì mất một chi phí quá lớn, nên phải luân phiên nhau để trông xe” – Bạn Bùi Đức Thắng cho biết.
Cũng trong hoàn cảnh bị chặt chém, những người đi ô tô dù phải gửi từ vòng ngoài và phải đi bộ vào một đoạn đường khá dài nhưng vẫn phải chịu mức phí "khủng", giá vé để trông một chiếc ô tô trong đêm khai mạc Lễ hội hoa trung bình là 200 ngàn đồng/lượt.
Bức xúc thì vẫn bức xúc, nhưng tiền vé thì vẫn phải trả, vì chẳng nhẽ lại ra về, thôi thì đành chấp nhận, bởi mỗi khi có sự kiện gì diễn ra thì việc bị “chặt chém” khi gửi xe là chuyện thường ngày ở “huyện”.