Những hình ảnh này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự tôn nghiêm nơi thờ tự cũng như văn hóa truyền thống cùng văn minh vốn có của người Việt. Do đó, cần có một đơn thuốc đặc hiệu để giải quyết tình trạng trên.
Kiểm soát chặt
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các cơ quan chức năng có phương án bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự; kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ, không để xảy ra tình trạng tăng giá, lợi dụng thời điểm đông người để nâng giá thu lợi. Theo đó, những hình ảnh phản cảm như ăn xin, chèo kéo khách, cờ bạc dưới nhiều hình thức... cần phải được xử lý.
Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, chiều 11/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan hành chính không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời giờ, hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Bộ VH-TT&DL phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, không để xảy ra các hoạt động phản cảm tại các lễ hội, nhất là tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Bộ VH-TT&DL đã thành lập 17 đoàn công tác kiểm tra về công tác lễ hội, đồng thời nhấn mạnh phải bảo đảm lễ hội trang trọng, văn minh, không để xảy ra các hoạt động phản cảm. Thủ tướng cũng đề xuất cần chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.
Cờ bạc dưới mọi hình thức tại các lễ hội cần phải dẹp bỏ.
Thừa nhận hạn chế
Liên quan đến công tác quản lý, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn hiện tượng thương mại hóa lễ hội, làm biến tướng, mất ý nghĩa của lễ hội. Thương mại hóa nguy hiểm ở chỗ làm mất giá trị văn hóa. Đó là cái phải tuyệt đối ngăn chặn và cần quản lý thật tốt. “Chúng ta là quản lý nhà nước, phải khắc phục điểm này, không cấp phép để lễ hội tràn lan. Đây là một trong những hạn chế cũng phải nói rằng khá phổ biến chứ không phải cá biệt”, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh.
Kỳ nào Quốc hội cũng chất vấn Bộ VH-TT&DL những vấn đề như: lễ hội tràn lan, phô trương hình thức, tốn kém, phản cảm, gây bạo lực..., những yếu kém trong công tác quản lý và tổ chức, đặc biệt vẫn để xảy ra những biểu hiện tiêu cực như chọi trâu, ném tiền, cướp lộc, chen lấn xô đẩy, ăn xin..., yếu tố bạo lực tại một số lễ hội vẫn còn, vẫn xảy ra các hiện tượng mang tính phản cảm trong lễ hội.
Có lễ hội ở lễ khai hội rất thiêng liêng, nghiêm trang, bố trí vài ngàn cán bộ bảo vệ nhưng cứ khai mạc xong là các lộc thờ bị cướp lấy ngay. Ngoài ra, ở các lễ hội chọi trâu thì trâu đang chọi mà ngoài đường bày đầy thịt trâu với giá trên trời. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận có hiện tượng dùng những tên khác để lách và tổ chức lễ hội. Đồng thời, chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực gây bức xúc dư luận xã hội. “Cái gì nói xấu phải làm cho bớt xấu đi, phản cảm thì sẽ làm cho bớt phản cảm, thậm chí nên bỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận.
“Đơn thuốc” nào để trị?
Trước hết, cần phải thay đổi cách tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước những hành động phản cảm trong lễ hội. Với những hành vi lệch chuẩn, phản cảm..., cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý để tránh những hiệu ứng xã hội lệch lạc. Phải tuyên truyền, thậm chí cần thiết phải chấn chỉnh cả 2 đối tượng là người dự lễ hội và chính quyền địa phương. Người tham gia lễ hội không được tùy tiện, không thể vì cá nhân mà coi thường cộng đồng, họ cần được trang bị kỹ năng hành xử trong lễ hội. Còn nhà quản lý cần phải có cơ chế, sự giám sát, nhất là phải biết cách chắt lọc, hướng dẫn, quy định, tăng cường kiểm tra bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo nhưng phải có kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đối với các lễ hội có tính bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam, đề nghị các địa phương không thực hiện nghi lễ loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Đối với các lễ hội đông đúc, Ban tổ chức lễ hội phải ra quân tuyên truyền, giáo dục tránh các hành vi chèo kéo, cướp lộc, cướp ấn, bài bạc, bói toán, ăn xin và chặt chém khách..., chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vứt rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.
Du xuân đầu năm là một nét đẹp văn hoá của người Việt, nhưng làm sao để những cuộc du xuân ấy thật sự mang lại sự nhẹ nhàng thoải mái cho du khách thì không phải nơi nào cũng làm được.