Lễ hội chùa Hương 2016 (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch” đã diễn ra từ đầu năm và kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất ở nước ta với nhiều ý nghĩa về lịch sử văn hóa. Năm nay, lễ hội đã cho thấy nhiều điểm sáng đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó còn một số vết gợn đáng suy ngẫm.
Những tín hiệu đáng mừng
Có mặt tại chùa Hương những ngày gần đây, chúng tôi nhận thấy lượng khách đổ về lễ hội khá đông nhưng không diễn ra cảnh vượt tường rào của nhiều du khách như ngày khai hội khiến không ít người ngao ngán. Theo quan sát, giao thông đến bãi đỗ xe tại khu di tích chùa Hương (bến Đục) được thông suốt, đảm bảo, không có tình trạng chèo kéo du khách như trước đây. Hầu hết du khách đến với lễ hội chùa Hương năm nay không bị làm phiền vì những “cò mồi”, thay vào đó tất cả thoải mái trẩy hội trong niềm vui, sự phấn khởi. Cùng với đó, nạn chặt chém giá vé đò, vé tham quan và vé cáp treo được dẹp triệt để.
Thuyền hát văn trên dòng Suối Yến tại Lễ hội chùa Hương 2016.
Xuôi dòng suối Yến, cảnh thiên nhiên trời đất thơ mộng hữu tình, các thuyền, đò qua lại tấp nập, dù chẳng quen biết nhưng thành viên giữa các đò giao lưu với nhau, hỏi thăm nhau như đã quen lâu lắm. Hai bên bờ sông, cách nhau vài trăm mét có cắm biển báo thông báo rõ ràng giá vé thắng cảnh, giá vé đò... cho du khách. Điều này cho thấy, Ban Tổ chức đã rất chu đáo để giúp du khách thập phương không bị rơi vào cảnh chặt chém do thiếu thông tin. Song song đó, Ban Tổ chức cũng tuyên truyền qua hàng loạt pano kêu gọi du khách có ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan khu di tích khi trẩy hội.
Một điểm khá thú vị ở lễ hội chùa Hương năm nay, đó là có những con đò trên dòng Suối Yến do Ban Tổ chức bố trí trình diễn âm hưởng âm nhạc dân tộc. Đó là một chiếc xuồng với các nghệ sĩ trẻ hát chầu văn, những âm hưởng dân tộc cứ vang vọng trên Suối Yến qua giọng hát trầm ấm, thiêng liêng và đậm đà bản sắc dân tộc. Những “chuyến đò chầu văn” trên Suối Yến đã gợi cho tâm hồn du khách những cảm xúc an yên hướng về cõi thiền, của những ấm no và hạnh phúc.
Tại các địa điểm như đền Trình cũng như chùa Thiên Trù và động Hương Tích, Ban Tổ chức có loa phát thanh tuyên truyền về những quy định của về việc không hóa vàng hay đốt hương trong những khu vực cấm. Và du khách thập phương đã nghiêm chỉnh chấp hành, tạo nên một nét đẹp của lễ hội. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, xả rác bừa bãi cũng được hạn chế, toàn cảnh lễ hội chùa Hương thoáng đãng và thật sự xanh - sạch - đẹp. Qua quan sát, trên dòng Suối Yến, thường xuyên có đò của Ban Tổ chức thực hiện công việc vớt vác trên dòng nước để mặt nước trong xanh, bảo vệ khu sinh thái ở khu thắng cảnh Hương Sơn.
Đáng ghi nhận hơn nữa, đó là đi qua hàng loạt các điểm di tích của lễ hội chùa Hương, chúng tôi không thấy vấn nạn bói toán, các hoạt động mê tín dị đoan diễn ra. Cùng với đó là việc đổi tiền lẻ, “găm” tiền lên tay tượng phật và những nơi sai quy định cũng đã được khắc phục. Đây được xem là một bước tiến và có được điều này, phải thừa nhận Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay đã nhập cuộc mạnh mẽ để mùa lễ khép lại đúng với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”.
Chút buồn đọng lại
Mặc dù Ban Tổ chức lễ hội đã quyết tâm vào cuộc nạn bán thú rừng, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều nhà hàng phục vụ ăn uống dọc đường lên động Hương Tích, thú rừng như cầy hương, nhím... thay vì không treo bán công khai như vài năm trước thì lại được để trên bàn để phục vụ thực khách nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, cả chặng đường lên chùa Hương, du khách bị nhồi nhét vào tai những âm thanh hỗn tạp của các hàng quán từ bánh trái đến các loại thuốc cổ truyền...
Một hình ảnh không đẹp khác, đó là Ban Tổ chức thông báo rõ ràng, liên tục về việc cấm du khách không chụp ảnh trong động, nơi thờ tự ở các điểm di tích là đền, chùa. Thế nhưng, không ít du khách khi hành lễ vẫn đứng chụp ảnh và tạo dáng muôn vẻ trong phạm vi cấm, thậm chí quay lưng lại tượng Phật để chụp, bất chấp dòng người đang chen lấn nhau vào lễ, gây nên sự phản cảm đồng thời gây ùn tắc trong khoảng thời gian nhất định.
Trước mùa lễ hội, dù Ban Tổ chức cho biết đã tập huấn những nội dung, quy định cho người lái đò, trong đó có vấn đề phải trang bị phao cứu sinh ở mỗi đò, nhưng theo quan sát của PV, gần 5.000 đò hoạt động chở khách trên dòng Suối Yến của mùa lễ hội năm nay đều không có một chiếc áo phao nào.
Đáng chú ý hơn cả, nhiều người bán hàng rong tại chùa Hương hiện nay có bán củ mã thầy - một món ăn vặt khá được ưa thích của nhiều người và được xem như một vị thuốc dân gian có lợi cho sức khỏe và dễ sử dụng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, củ mã thầy tại chùa Hương đều được các dân buôn nhập từ Trung Quốc. Tại lễ hội chùa Hương, mã thầy được bày bán rất nhiều, người mua cũng khá đông nhưng mã thầy ít ai biết được người bán đóng trong bao tải lớn, có nhãn mác tiếng Trung “đàng hoàng” và hầu như mã thầy ở chùa Hương thường được ngâm trong nước từ suối Yến, ngay tại bến hoặc chỗ cập thuyền, lên bến của du khách.