Năm nay, lễ hội chùa Hương có chủ đề “Lễ hội Kỷ cương - Văn minh thanh lịch”, khai màn từ 30/1 và tiếp tục là điểm đến trong hành trình du xuân, về miền đất phật của người dân.
Có thể nói, lễ hội chùa Hương là lễ hội lâu đời và lớn nhất nước ta dịp đầu xuân năm mới. Có nhiều lý do để nhân dân và du khách nước ngoài đến với lễ hội này, nổi bật là nét văn hóa truyền thống và cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà nơi đây sở hữu.
Giao hòa giữa lễ hội tâm linh và tham quan thắng cảnh
Theo quan niệm của nhiều người dân, trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục trên nền mùa xuân tươi sáng mà người Việt thuở xưa đã tạo lập và trao truyền đến tận ngày nay. Trước ngày mở hội chùa Hương, tất cả các đền, chùa, đình, miếu nghi ngút khói hương, không khí lễ hội bao trùm. Phần lễ có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của Đạo Giáo.
Vào những ngày lễ hội diễn ra, chùa Hương tấp nập vào ra hàng ngàn con thuyền chở du khách từ khắp mọi nơi từ bến Đục vãn cảnh lạc, cùng lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, đến chùa Hương và hòa mình vào mùa lễ hội, tất cả đều nghĩ và biết đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Rời con thuyền, giã từ sông nước, con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Có thể thấy, trẩy hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà trước hết là do ở sự tiếp xúc - hòa nhập huyền diệu giữa con người trước thiên nhiên cao rộng. Đó là vẻ đẹp lung linh của sông nước, bao la của đất trời, sâu lắng của núi rừng, huyền bí của hang động... Và dường như đất - trời, sông núi đẹp hơn nhờ tài sáng tạo hình tượng - trí tưởng tượng này lòng nhân ái của con người. Bởi vậy dân gian có câu Không đi thì nhớ thì thương/ Ra đi mến cảnh Chùa Hương không về.
Du khách thập phương đi đò trẩy hội chùa Hương.
Mỗi độ xuân về, du khách thập phương lại nô nức trẩy hội, tạo nên một lễ hội tâm linh sôi động bậc nhất miền Bắc. Thời gian trôi qua nhưng lễ hội chùa Hương vẫn tồn tại, hòa cùng đời sống và lễ hội đã trở thành một nét văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam.
Quyết tâm đảm bảo sự an lành, thanh lịch
Là một lễ hội lớn và có thời gian kéo dài, lễ hội chùa Hương trong thời đại mới vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có. Tuy nhiên từng có thời điểm, du khách đến với lễ hội còn băn khoăn và lo ngại với tình trạng thuyền, đò di chuyển trên suối Yến không có phao cứu sinh, thịt thú tươi bày bán trong các nhà hàng, quán ăn ngay dưới chân núi, người ăn xin, hành nghề bói toán, mê tín dị đoan, đồ chơi trẻ em có tính bạo lực... diễn ra công khai. Song với những hành động quyết liệt của các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương, lễ hội chùa Hương vài năm trở lại đây đã hạn chế, xóa bỏ những hình ảnh xấu xí, phản cảm giúp du khách hành hương lễ Phật trong niềm hứng khởi.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2020, Ban tổ chức năm nay sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm, phản cảm. Để đảm bảo sự thanh tịnh cũng như sự an toàn cho du khách thập phương, Ban tổ chức nghiêm cấm xuồng, đò dịch vụ sử dụng động cơ hoạt động trên suối Yến, trừ một số lực lượng phục vụ lễ hội (công an, nhà chùa, cấp cứu, điện).
Đặc biệt, để lễ hội chùa Hương 2020 diễn ra đúng với chủ đề “Kỷ cương - Văn minh thanh lịch”, Ban tổ chức tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, sân cổng Nam Thiên Môn, sân Thiên Trù, sân cổ động Hương Tích. Bên cạnh đó, 100% hộ kinh doanh, dịch vụ cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, thực hiện niêm yết công khai giá và số điện thoại, ký cam kết không chèo kéo, đeo bám du khách. Để ngăn chặn hiện tượng phát sinh điểm thờ tự trái phép, Ban tổ chức lễ hội tăng cường lực lượng phối hợp, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh những tồn tại diễn ra trong lễ hội như đổi tiền lẻ, đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khấn thuê, hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích, nâng giá trông giữ phương tiện...