Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương 2018, năm nay các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm để mùa lễ hội diễn ra an toàn, gắn liền phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Trải qua nhiều thế kỷ, Lễ hội chùa Hương vẫn được người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong dòng chảy của đời sống. Hằng năm, trước, trong và sau Tết cổ truyền, nhân dân khắp nơi lại đổ về Khu Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) để tham gia lễ hội, du xuân, cầu mong một năm an lành, sức khỏe và cuộc sống vui tươi, tràn đầy hạnh phúc.
Năm 2017, Lễ hội chùa Hương đã đón 1,5 triệu lượt khách (thu về gần 120 tỷ đồng), tới năm nay lễ hội ước tính sẽ đón khoảng 1,7 triệu lượt khách. Chính vì điều này, công tác đảm bảo an toàn, văn minh cho Lễ hội chùa Hương 2018 được đặt lên hàng đầu. Bởi thực tế phản ánh, nhiều hình ảnh xấu xí trong mùa lễ hội trước như tranh cướp lộc, tiếng rao bán hàng hóa hoặc quà lưu niệm bằng loa đài của các hộ kinh doanh gây mất trật tự, người ăn xin, đò chở quá lượng người quy định... từng khiến dư luận dậy sóng. Những vấn đề tồn tại và yếu kém trong công tác quản lý Lễ hội chùa Hương kể trên đã ảnh hưởng đến hình ảnh chung của lễ hội, qua đó đặt ra câu hỏi: “Phải làm gì để Lễ hội chùa Hương diễn ra an toàn, kỷ cương, gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời kỳ mới?”.
Dòng suối Yến đông nghịt du khách đi Lễ hội chùa Hương.
Bước vào năm 2018, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương 2018 cho biết, lễ hội năm nay có nhiều nét mới và đặc biệt, BTC sẽ siết chặt an ninh, hướng tới văn minh nhưng vẫn đảm bảo lễ hội diễn ra đậm đà bản sắc. Lễ hội chùa Hương 2018 là mốc quan trọng vừa kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn, vừa là dịp đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Vì vậy, BTC đã đề ra nhiều phương án nâng cao chất lượng phục vụ, kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm. Trong mùa lễ hội năm nay, 4.500 đò đã được huy động tham gia phục vụ du khách trên dòng suối Yến để hành hương tới đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, động Hương Tích... Tất cả các số đò này được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác theo quy định. Đặc biệt, BTC lễ hội kiên quyết không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến, nhằm giữ gìn nét đẹp tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. “BTC lễ hội cũng cấm xe công nông, xe lam hoạt động trên các tuyến đường bộ; xuồng, đò có máy động cơ không có giấy phép không được hoạt động trên các tuyến suối” - ông Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Đại diện BTC Lễ hội chùa Hương nhấn mạnh thêm, để đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội, lực lượng công an địa phương đã được tăng cường, kế hoạch phân luồng giao thông những ngày đông khách đã được tính đến như phân luồng bằng các biện pháp nghiệp vụ hoặc tạm dừng vận chuyển khách bằng cáp treo... Đồng thời, các tổ kiểm tra liên ngành sẽ duy trì hoạt động liên tục trong suốt mùa lễ hội để kiểm soát chặt chẽ và xử lý các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo, “chặt chém” giá hay các đối tượng kinh doanh hình thức “vui chơi có thưởng”, bán hàng giá cao, lừa đảo... trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa.
Trong mùa Lễ hội chùa Hương 2018, BTC đề nghị Ban Trị sự chùa Hương thống nhất phương án không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy như năm ngoái đã tạo ra nhiều dư luận không tốt. Điều này nhận được sự ủng hộ của nhiều người, bởi hình ảnh phát lộc phản cảm, chưa từng có tại Lễ hội chùa Hương năm 2017 là hành động thiếu chuẩn mực, thiếu tính tôn nghiêm nơi thờ tự và vì thế nó trở thành tâm điểm của dư luận, tốn nhiều giấy mực của báo giới. Ngoài ra, năm nay, các nhà vệ sinh công cộng cũng đã được xây thêm và xây mới, để đảm bảo không để xảy ra tình trạng khách hành hương đến với Lễ hội chùa Hương đi vệ sinh không đúng nơi đúng chỗ, ảnh hưởng đến môi trường cũng như cảnh quan di tích.
Theo BTC Lễ hội chùa Hương 2018, để mùa lễ hội diễn ra theo đúng chủ đề “kỷ cương, văn minh du lịch”, ngoài sự nỗ lực trong công tác quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự của các cấp ngành thì việc người dân, du khách nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị của lễ hội sẽ là điểm then chốt để lễ hội thành công. Bởi chủ thể của lễ hội là người dân và khi người dân đến với lễ hội với ý thức cao, có thái độ và cách ứng xử đúng mực nơi thờ tự, chốn linh thiêng thì sẽ khơi dậy niềm tự hào của nhân dân trong Lễ hội chùa Hương nói riêng và lễ hội ở Việt Nam nói chung.