Hà Nội

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc

06-02-2022 08:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tại các tỉnh phía Nam có nhiều lễ hội Xuân nổi tiếng, trong đó lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (thuộc chùa Bà tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là một trong những lễ hội đặc sắc, độc đáo bậc nhất.

Phương Nga "Sao Mai": Mong ước ngày Tết qua ‘Mùa xuân nho nhỏ’Phương Nga 'Sao Mai': Mong ước ngày Tết qua ‘Mùa xuân nho nhỏ’

SKĐS - Phương Nga 'Sao Mai' mùa đầu tiên là nghệ sĩ tích cực trong biểu diễn, đồng thời là người mát tay khi đào tạo được nhiều học trò trở thành ca sĩ có tiếng.

Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu tại Bình Dương tạm dừng tổ chức phần hội để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chùa Bà Thiên Hậu tại tỉnh Bình Dương do người Việt gốc Hoa xây dựng từ đầu thế kỷ XIX thờ cúng Thiên Hậu, đồng thời có lễ hội gắn với truyền thuyết.

Tương truyền, vị nữ thần Thiên Hậu có quê ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Mẹ bà mang thai 14 tháng mới hạ sinh, năm 11 tuổi bà tu theo Phật giáo, luyện tập đắc đạo và coi thiên văn trên biển giúp đỡ không ít người. Sau khi qua đời năm 28 tuổi, bà đã nhiều lần hiển linh cứu ngư dân bình an trở về bờ, vì vậy, mỗi khi thuyền bè ngoài biển gặp nạn, người ta thường cầu nguyện nữ thần ban cho sóng yên biển lặng.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc - Ảnh 2.

Người dân đến chùa Bà Thiên Hậu (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đầu xuân năm mới năm 2020.

Về sau người dân Phúc Kiến xây miếu thờ phụng vị nữ thần này, vào đời nhà Nguyên bà được phong làm Thiên Phi, đến đời Thanh vua Khang Hy phong bà làm Thiên Hậu và được lưu truyền đến ngày nay. Sự tích về Thiên Hậu đôi khi có dị bản nhưng chủ yếu là đề cao một người phụ nữ có lòng hiếu thảo, đức hạnh, dám xả thân vì mọi người. Sự đề cao này nhằm mục đích giáo dục con người ta noi theo cái hay cái đẹp.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu có gì đặc sắc?

Ban đầu, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu tại Bình Dương chỉ được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh sống nơi đây, nhưng về sau những câu chuyện linh thiêng về bà Thiên Hậu ngày một lan rộng, người dân địa phương và các khu vực lân cận cũng đã thờ phụng vị thần này. Từ đó, mỗi khi Tết đến xuân về, chùa Bà Thiên Hậu và lễ hội cùng tên là điểm đến, trở thành lễ hội lớn bậc nhất của người dân Nam Bộ.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc - Ảnh 3.

Trước khi có COVID-19, Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu quanh các tuyến phố chính của TP. Thủ Dầu Một vào thu hút hàng vạn người tham gia.

Thời điểm trước khi COVID-19 xuất hiện, lượng khách hành hương về chùa Bà Thiên Hậu đông dần, bắt đầu từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết ngày Rằm tháng Giêng (chính hội). Trung bình, dịp Tết (trước năm 2020, 2021) hằng năm, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí cả lượt triệu khách thập phương hành hương, cầu lộc cầu tài, sức khỏe, may mắn… và tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật trong lễ hội ngày đầu xuân năm mới.

Trước Tết Nguyên đán, nơi diễn ra lễ hội - chùa Bà Thiên Hậu được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. 12 chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm, treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quang cảnh lễ hội thêm lộng lẫy.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (còn gọi là lễ vía Bà Thiên Hậu) với nhiều lễ nghi, tục lệ độc đáo. Ngày 14 tháng Giêng âm lịch, lễ cúng vía Bà diễn ra, sau đó bá tánh vào chùa vía Bà. Trong dịp lễ này thường có tục "Thỉnh Lộc Bà". Lộc là những cây nhang lớn và những cái đèn lồng phất giấy. Việc thỉnh lộc bằng đèn, nhang có ý nghĩa là mang ánh sáng và hương thơm, tượng trưng cho sự hanh thông, tươi sáng và may mắn cho gia đình.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc - Ảnh 4.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, là lễ hội đầu xuân của mọi người, mọi nhà. (Ảnh năm 2018).

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu tỉnh Bình Dương phải kể đến nghi thức rước kiệu Bà quanh các tuyến phố chính của TP. Thủ Dầu Một vào Rằm tháng Giêng. Đây là hoạt động náo nhiệt nhất của lễ hội. Tại lễ rước kiệu Bà, đi đầu là 4 con Hẩu (linh vật của người Hoa, còn được gọi là sư tử rồng vàng - chúa của loài thú) cùng hàng chục thanh niên mang cờ hiệu, thanh long đao, theo sau là các đội múa lân, những đoàn xe hoa và hàng trăm thiếu nữ thắt nơ, trên vai gánh hoa vải đủ màu sắc rực rỡ, từng nhóm người hóa trang thành các nhân vật truyền thuyết, tiếp đến là các đội kèn, sáo, trống,...

Kiệu Bà đi giữa, trước kiệu đặt 2 án hương tỏa khói nghi ngút, tiếp đó, hàng ngàn khách thập phương diễu hành theo sau. Có một điều khác biệt ở lễ hội này là không có văn tế thần. Không có quy định cụ thể về các vật dâng cúng thần mà tùy thuộc ở tấm lòng của người tới cúng lễ. Thông thường là bánh, trái, hương, cau, hoa, thịt,… và không quy định chặt chẽ về số lượng.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc - Ảnh 5.

Múa lân ở lễ hội chùa Bà Thiên Hậu quanh TP. Thủ Dầu Một (Ảnh mùa lễ hội đầu 2019).

Thêm nữa, trước khi diễn ra phần sự kiện rước kiệu Bà thường có Lễ đấu giá thánh đăng. Tham gia đấu giá có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bình Dương. Qua đấu giá vật phẩm trong lễ hội, toàn bộ số tiền thu được sẽ được Ban tổ chức dùng làm từ thiện trong năm.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, là lễ hội đầu xuân của mọi người, mọi nhà. Mọi người đến đây để cùng nhau hái lộc đầu năm, cùng chúc cho nhau "mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc", qua đó, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, giữa các vùng miền.

Tại TP.HCM có Chùa Bà Thiên Hậu (đường Nguyễn Trãi, phường 11, Quận 5) và cũng thờ Thiên Hậu. Ngày 28 Tết, nhà chùa tiến hành lễ cúng Bà Thiên Hậu và Lễ khai ấn, cầu mong Bà phò trợ cho "Hộ quốc an dân" và "Hợp cảnh bình an". Tuy nhiên, khác với ở Bình Dương, lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu tại TP.HCM tổ chức chính hội vào ngày 23 tháng 3 âm lịch với Lễ tắm Bà và Lễ rước Bà.

Dịch COVID-19 phức tạp, Hà Nội tạm dừng Lễ hội Chùa HươngDịch COVID-19 phức tạp, Hà Nội tạm dừng Lễ hội Chùa Hương

SKĐS - UBND huyện Mỹ Đức – TP. Hà Nội vừa có thông báo về việc tạm dừng tổ chức Lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương).


Hoa Quỳnh
Tổng hợp
Ý kiến của bạn