Hà Nội

Lễ hội chọi trâu đang “nở rộ”

29-02-2016 07:46 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc tổ chức lễ hội chọi trâu không phải là truyền thống đã kéo theo nhiều hệ lụy về giao thông, an ninh trật tự.

Việc tổ chức lễ hội chọi trâu không phải là truyền thống đã kéo theo nhiều hệ lụy về giao thông, an ninh trật tự. Đáng nói hơn, lễ hội tràn lan, dư âm kéo dài, mất nhiều thời gian, công sức của người dân vào lễ hội, giảm thời gian, trí tuệ, đầu tư cần thiết cho lao động, sản xuất. Có thể thấy, lễ hội chọi trâu đang “nở rộ” và thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề này.

Lễ hội chọi trâu truyền thống từ hàng trăm năm nay chỉ có ở Đồ Sơn (Hải Phòng) tổ chức vào tháng 8 âm lịch và Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) tổ chức vào tháng giêng. Từ xa xưa, người nhà nông luôn coi con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì thế các lễ hội nói chung và lễ hội chọi trâu nói riêng đều phản ánh về nền nông nghiệp lúa nước. Chọi trâu là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa tâm linh, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, phản ánh cuộc sống vật chất, tinh thần của cư dân một vùng trong quá khứ. Đó là lễ hội mang đậm nét văn hóa Việt.

Lễ hội chọi trâu nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương sẽ không được phép tổ chức.

Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Hội diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Trước hội diễn có hai cuộc đấu loại vào trung tuần tháng 5 và 8/6 âm lịch. Đây không chỉ là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thủy thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng như nhiều lễ hội chọi trâu truyền thống khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Phần hội diễn ra vào chính hội với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Theo quan niệm cổ xưa, dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, người dân đều mổ thịt trâu để tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hòa.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ở một số địa phương như Bảo Thắng (Lào Cai), Phú Sơn (Bắc Ninh), Nghĩa Lộ (Yên Bái), Vị Xuyên (Hà Giang)... cũng tổ chức lễ hội chọi trâu. Nhưng đó không phải là những lễ hội truyền thống mà chỉ do tư duy học đòi, bắt chước của một số ít người, trong đó có cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách ngành văn hóa. Những kiểu lễ hội chọi trâu mới được tổ chức mang đậm nét kinh doanh, lợi nhuận. Tổ chức lễ hội kiểu đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thu hút du khách đến địa phương để thu vé gửi xe, vé vào cổng, nhằm tăng doanh thu. Có địa phương còn đem “đấu thầu” hoặc khoán lễ hội chọi trâu. Chưa kể là sau khi chọi trâu, các con trâu (có nơi gọi là ông trâu) đều được đem giết thịt bán cho du khách với giá cao (hàng triệu đồng một kg, đối với con trâu đoạt giải nhất). Còn chuyện gian lận trong kinh doanh thịt trâu chọi là khá phổ biến; thịt trâu thường tính giá trâu chọi; lợi dụng chọi trâu để cá độ, đánh bạc...

Trước vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành tăng cường kiểm soát, không cấp phép cho tổ chức lễ hội chọi trâu mới, ngừng tổ chức đối với các lễ hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống. Quy định trên tuy hơi muộn nhưng cũng thể hiện sự quyết liệt chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội chọi trâu, theo tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương thực hiện để đảm bảo nếp sống văn minh trong mùa lễ hội 2016, trong đó có Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 quy định về tổ chức lễ hội; Công văn số 155/BVHTTDL-VHCS ngày 19/1/2016 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Bộ cũng đã gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó yêu cầu không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để kinh doanh thương mại. Công văn cũng đặc biệt nhấn mạnh, không tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không phải là lễ hội truyền thống của địa phương.


Đào Tuấn
Ý kiến của bạn