Nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022) tại Làng Văn hóa Việt Nam đã tái hiện Lễ hội cầu ngư - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia do đoàn nghệ nhân tỉnh Phú Yên trình diễn.
Đối với người dân vùng biển, cá Ông luôn được tôn thờ và có một vị trí đặc biệt trong đời sống của ngư dân. Cá Ông chính là tên gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi - Loài cá thường giúp con người vượt qua những hiểm nguy khi lênh đênh trên biển cả.
Lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân cầu mong cho những chuyến ra khơi thuận buồm, xuôi gió, cũng là dịp người dân tưởng nhớ những vị thần linh đã phù trợ cho họ; cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, để ngư dân khi lênh đênh trên biển được bình an trở về với nhiều tôm, cá.
Ngoài những lễ dâng lên cá Ông, lễ Cầu Ngư cũng bao gồm nhiều nghi thức khác nhau như cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành… nhưng chung quy lại đều nhằm bày tỏ ước nguyện cho thiên nhiên và con người hòa hợp, cuộc sống lao động yên vui, đất nước thái bình, gia đình hạnh phúc.
Phần lễ của Lễ hội cầu ngư diễn ra một cách trang nghiêm với những nghi thức tế lễ như: Lễ rước Sắc; Lễ rước (thỉnh) Bà Thiên Y A Na, rước Thành Hoàng bổn cảnh, rước âm hồn, cô hồn; Lễ Nghinh Ông Nam Hải; Chèo hầu bả trạo; Lễ thỉnh Sanh; Lễ tế Thần Nam Hải; Lễ khai tiên.
Sau phần Lễ là phần Hội, phần Hội được diễn ra một cách sinh động qua các loại hình diễn xướng dân gian. Tùy vào điều kiện của mỗi địa phương mà có một hình thức tổ chức lễ hội riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: Lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng...
Đặc biệt là các loại hình nghệ thuật được lồng ghép rất đặc sắc: Múa siêu, hát Tuồng, Bài chòi và Hát Bả trạo.
Lễ hội cầu ngư là một trong những di sản mang đặc trưng văn hóa biển đảo, tồn tại lâu đời với cư dân vùng biển Nam Trung Bộ. Lễ hội giúp gia tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng, củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân ngày đêm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.