Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống ở Quảng Bình được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

02-09-2019 18:09 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Ngày 2/9 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) diễn ra Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, đây là hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức hàng năm nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần thượng võ trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm nay, Lễ hội này được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận Di sảnvăn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo đó, Lễ hội xuất phát từ hội bơi, đua của làng, của tổng với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu; thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 2/9/1946, nhân dân Lệ Thủy đã tổ chức “ăn Tết Độc lập”“Lễ hội bơi, đua thuyền” với quy mô cấp huyện. Có thể nói, Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nói riêng và ngày Tết Độc lập 2/9 nói chung là một dịp đặc biệt trong năm của người dân quê lúa huyện Lệ Thủy, bên cạnh ngày Tết Nguyên đán.

Đây là dịp để con em người dân xứ Lệ trên mọi miền tổ quốc cùng hướng về quê hương xứ sở, tưởng nhớ đến công lao của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc. Và cũng là dịp để mỗi người dân Lệ Thủy cùng ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình ngày càng giàu đẹp.

Màn bức phá ngoạn mục của các đò bơi

Hòa trong biển người hò reo cổ vũ tại cầu Xuân-Liên, ông Nguyễn Viết Lam là cổ động viên cho đò bơi thôn Phú Thọ,  xã An Thủy (hiện đang sinh sống tại TP.HCM) cho biết;  Tôi sinh ra và lớn tại làng quê nghèo bên dòng  Kiến Giang, tiếng trống, tiếng mõ tre, tiếng trải bơi hô lên hồ lên... và tiếng reo hò cổ vũ của bà con hai bên dòng sông cho các đò bơi đã ăn sâu vào tâm trí của tôi từ thuở ấu thơ.  “Lớn lên đi làm xa, nhưng năm nào cứ đến dịp Lễ Quốc khánh là gia đình chúng tôi khăn gói trở về quê hương. Tết Nguyên đán chúng tôi có thể không sum vầy gia đình được, nhưng Tết Độc lập thì chúng tôi không thể vắng mặt, để cùng bà con, bạn bè có dịp gặp nhau hàn huyên và hòa chung niềm hân hoan trong ngày Lễ hội” ông Lam chia sẻ.

Mặc dù trời mưa nhưng không thể ngăn chặn lòng nhiệt huyết của khán giả

Niềm hứng khởi còn lan tỏa xuống tận từng thôn xóm dọc đôi bờ sông Kiến Giang nơi có đoàn bơi đua đi qua với rợp trời cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ cổ động đua thuyền; loa phát thanh tường thuật trực tiếp từng diễn biến của ngày lễ hội. Một không khí hứng khởi vang dậy từ đầu nguồn đến cuối nguồn con sông Kiến Giang trong ngày Tết Độc lập.

Quãng đường tranh tài khoảng 24 km dành cho thuyền trai bơi và 18 km dành cho thuyền đua nữ, lấy ngã ba Mũi Viết (Thượng Phong) làm điểm buông phao xuất phát và về đích.

Lễ hội đua, bơi năm nay có 25 đò bơi nam được chia thành 2 bảng A (13 đò) và B (12 đò); các đội thuyền đua nữ gồm 8 đò tham gia. Sau hơn 2 giờ đồng hồ tranh đua quyết liệt, các đò bơi, đua đã cống hiến cho người xem nhiều cảnh bứt phá đẹp mắt, những cú nước rút ngoạn mục.

Kết quả chung cuộc, ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho đội đua, bơi An Xá (xã Lộc Thủy), giải nhì đội đua, bơi thôn Đại Phong(xã Phong Thủy) và  giải ba đội đua, bơi thôn Lộc An (An Thủy) Đối với đò bơi hạng A, đội bơi xã Tân Thủy đoạt giải nhất, đội bơi Phú Thủy giải nhì, đội bơi Sơn Thủy giải ba. Giải nhất hạng B thuộc về đội bơi Mai Hạ (Xuân Thủy), giải nhì đội bơi Phan Xá (Xuân Thủy), giải ba đội Phú Thọ (An Thủy). Ở phần tranh tài thuyền đua nữ, giải nhất thuộc về đội An Xá (Lộc Thủy), giải nhì đội Lộc An (An Thủy), giải ba đội Thượng Phong (Phong Thủy)

Cũng trong dịp này, Lễ hội bơi đua thuyền  truyền thống trên sông Kiến Giang được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia. Đây làmột niềm vui đồng thời là nguồn động viên to lớn đối với người dân huyện Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung để bà con phát huy, bảo tồn và phát triển di sản truyền thống có từ lâu đời này.

 


Gia Thiên
Ý kiến của bạn