Sự kiện này được nhiều người quan tâm, đón đợi vì góp phần xây dựng một thương hiệu và sản phẩm văn hóa cộng đồng cho Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều người cũng kỳ vọng, lễ hội lần này sẽ chất lượng hơn, không là “bình mới rượu cũ”...
Dấu ấn và sức hút
Có thể nói, kể từ khi xuất hiện vào năm 2014, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa tại Hoàng thành Thăng Long vào tháng 11 đã trở thành một sự kiện âm nhạc tầm cỡ, thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Thông qua lễ hội âm nhạc này đã đem đến cho công chúng âm nhạc Việt Nam những phong cách âm nhạc mới, những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng đẳng cấp thế giới đến từ Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Israel, Bỉ, Đan Mạch, Đức... cũng như Việt Nam. Sự kiện này mang lại không khí sôi động đúng nghĩa của một lễ hội âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế từ khâu chuẩn bị, nghệ sĩ biểu diễn, sân khấu..., hình thành một sản phẩm văn hóa của cộng đồng và cho cộng đồng.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, sự kiện này nhằm xây dựng một lễ hội âm nhạc quốc tế có uy tín, đẳng cấp trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó tạo ra một thương hiệu và sản phẩm văn hóa cộng đồng cho Thủ đô, đóng góp và thúc đẩy sự phát triển đời sống âm nhạc Việt Nam, quảng bá hình ảnh Hà Nội - thành phố văn hóa truyền thống và hiện đại nói riêng, Việt Nam nói chung; góp phần phát triển du lịch văn hóa, đem đến cho công chúng một điểm đến không thể bỏ qua khi nghĩ tới Hà Nội. Công bằng mà nói, lễ hội này đã đạt được mục tiêu đề ra khi thu hút đông đảo nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng trên thế giới đến biểu diễn, hàng vạn khán giả trẻ đến thưởng thức các tiết mục sôi động và ở đẳng cấp cao qua từng mùa. Từ năm 2014 đến nay, chương trình đã thu hút được khoảng 125.000 khán giả, cùng hơn 200 nghệ sĩ đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ban nhạc rock huyền thoại Scorpions thành công nhất nước Đức trong lần biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa.
Mới đây, Ban tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2019 đã tiết lộ một số nghệ sĩ trong và ngoài nước sẽ tham gia biểu diễn ở sự kiện năm nay. Với nhiều khán giả trẻ, họ đang rất háo hức và chờ đợi lễ hội âm nhạc này diễn ra. Bởi đứng trên sân khấu biểu diễn ở mùa lễ hội này có ban nhạc rock Kodaline nổi tiếng từ Ireland, cùng với đó là Hyukoh - nhóm nhạc Indie nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Đặc biệt, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2019 sẽ có sự tham gia của Phum Viphurit - hiện tượng âm nhạc châu Á đến từ Thái Lan. Đây là những nghệ sĩ nổi tiếng, có hàng triệu người hâm mộ trên thế giới và có lượng người hâm mộ đông đảo tại Việt Nam. Trong khi đó, những nghệ sĩ trẻ trong nước đang gây được nhiều sự chú ý trong làng nhạc Việt như Thái Vũ, Vinh Khuất, Tiên Tiên... sẽ biểu diễn trong lễ hội lần này. Với danh sách nghệ sĩ chủ yếu là những nghệ sĩ Indie - nhạc độc lập với cá tính khác lạ, nổi bật và riêng biệt hứa hẹn là điểm thu hút khán giả đến với “Gió mùa 2019”.
Vết gợn
Nhiều khán giả đã từng đến Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa thừa nhận, đây là một không gian âm nhạc hoành tráng, chuyên nghiệp của các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Điểm cộng của lễ hội là sân khấu thiết kế đẹp với những hiệu ứng bắt mắt, âm thanh chuẩn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lễ hội này “chuẩn không cần chỉnh”. Thực tế, khán giả từng khó chịu vì thời gian chờ giữa các tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ tham gia chương trình bị gián đoạn khá lâu. Khán giả từng lắc đầu ngao ngán về việc sân khấu lễ hội “chết” 15 - 20 phút giữa các phần biểu diễn, từ đó khiến tinh thần hưng phấn, cảm xúc của khán giả giảm xuống. Chưa kể, một số buổi diễn trước đây khép lại, khu vực bãi cỏ là nơi để khán giả xem các nghệ sĩ trình diễn ngồn ngộn vỏ kẹo, nước đóng chai...gây mất mỹ quan cho di sản Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, để đem lại âm thanh tốt nhất cho khán giả, hàng chục thùng loa chuyên dụng, công suất lớn được trưng dụng và hoạt động hết công suất ít nhiều làm “nhiễu loạn” âm thanh và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân sống gần khu vực diễn ra lễ hội.
Cũng không khó để nhận thấy, nhạc mục ở lễ hội âm nhạc nhiều lúc thiếu ấn tượng, quá thiên về nhạc indie, rock, DJ với phân khúc hẹp. Năm nay, với dàn nghệ sĩ trong nước và quốc tế kể trên, nhiều người dự đoán nhạc indie và rock sôi nổi, cuồng nhiệt sẽ tiếp tục lặp lại như các lần trước. Điều này được một số người ví như “rượu cũ bình mới” khi lễ hội chỉ mới về dàn nghệ sĩ, còn phần âm nhạc ít có sự thay đổi để mang đến những trải nghiệm lạ, thú vị với người xem. Có lẽ chính vì điều này, số lượng vé bán ra và khán giả đến với lễ hội âm nhạc này “vơi” dần qua từng năm tổ chức.
Dù sao cũng không thể phủ nhận những giá trị mà lễ hội này đem lại. Lần này cũng như trước đó, lễ hội là nơi các nghệ sĩ giao lưu, chia sẻ và tìm cơ hội hợp tác, đồng thời tạo điều kiện cho khán giả được tiếp cận các xu hướng âm nhạc thế giới và góp phần hình thành ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam.