Hà Nội

Lễ hội 2018: Không để diễn ra phản cảm, bạo lực

27-01-2018 07:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đây là nội dung được Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh trong Văn bản 5635 gần đây gửi các địa phương về việc quản lý, tổ chức lễ hội trong năm 2018, đặc biệt lễ hội đầu năm và trong dịp Tết Mậu Tuất.

Bộ VH-TT&DL yêu cầu trong năm 2018, các địa phương không để diễn ra lễ hội trái với thuần phong mỹ tục, bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc.

Hình ảnh “nghẹt thở”, hỗn loạn khi người dân tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương 2017.

Hình ảnh “nghẹt thở”, hỗn loạn khi người dân tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương 2017.

Thống kê cho thấy, nhiều lễ hội ở Việt Nam thường diễn ra vào mùa xuân và lễ hội có ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì, chủ yếu hướng tới đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần, cầu mong tài lộc, phước lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... Vì thế, lễ hội ở nước ta giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.

Những năm gần đây, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nước ta, văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có lễ hội truyền thống đã được phục hồi và phát huy, làm phong phú hơn đời sống văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lễ hội tại Việt Nam cũng đã có không ít các vấn đề nảy sinh, biến tướng và tiêu cực. Trong thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống đã đi quá đà và phần nào làm mất đi tính thiêng, giá trị vốn có. Tại Lễ hội đền Sóc (Hà Nội) vào dịp đầu năm mới, tại phần rước lễ từng xảy ra hiện tượng giẫm đạp, tranh cướp giành lộc hoa tre rất phản cảm và làm dư luận bức xúc nhiều năm tốn không ít giấy mực của báo giới. Để ngăn chặn hiện tượng bạo lực ở lễ hội này, chính quyền địa phương đã phải huy động hàng trăm chiến sĩ công an, cùng các lực lượng an ninh nhằm ngăn chặn không xảy ra tranh cướp phản cảm nhưng tình hình không được cải thiện là bao.

Cũng không ít lần, người dân cả nước “choáng” với Lễ hội làng Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra dịp đầu năm mới. Ở lễ hội này thường xuyên xảy ra tình trạng tranh cướp phết với quan niệm có được sự may mắn. Và để cướp được phết, hàng nghìn thanh niên sẵn sàng giẫm đạp, dọa nạt, thậm chí có người đổ máu. Tương tự, ở Hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) diễn ra vào mùng 6/2 âm lịch hàng năm, hàng trăm trai tráng tập trung về đình tại xóm Ràng để cùng nhau tranh tài cướp bông. Lợi dụng trò này, nhiều thanh niên trèo lên đầu người khác dùng chân đạp đối phương một cách bạo lực để tìm cách giành phần thắng cho mình.

Không ăn mặc hở hang, phản cảm đến lễ chùa.

Không ăn mặc hở hang, phản cảm đến lễ chùa.

Ngoài ra, trong năm qua, nhiều lễ hội có biểu hiện biến tướng và phản cảm từng làm dậy sóng dư luận phải kể đến Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định), Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)... như việc người dân chen chúc nhét tiền, xoa tay tượng Phật để cầu may, tài lộc hoặc không xếp hàng theo hàng lối quy định, vượt tường rào, chen lấn, xô đẩy... để tranh giành ấn. Đặc biệt, sự việc xảy ra tại Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn (Hải Phòng) 2017 nhận được sự quan tâm của người dân cả nước khi trâu số 18 của ông Đinh Xuân H. (47 tuổi, quận Đồ Sơn) gặp trâu số 23. Khi trận đấu đang diễn ra, bất ngờ trâu số 18 quay ra tấn công ông H. nhiều lần khiến ông bị thương nặng. Sau đó, Ban tổ chức đã đưa ông H. đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng ông H. đã tử vong do vết thương quá nặng.

Những biến tướng, sự cố trong các lễ hội kể trên ít nhiều đã làm phai nhạt giá trị, ý nghĩa của lễ hội và tạo ra sự bức xúc trong dư luận. Chính vì thế, để ngăn chặn tình trạng này, Bộ VH-TT&DL vừa có Văn bản số 5635 về việc “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất” gửi các Sở VH-TT các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo văn bản trên, Bộ VH-TT&DL yêu cầu các địa phương cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội bảo đảm việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm như tranh cướp lộc, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc (hoặc cờ bạc trá hình), ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... Đồng thời, Sở VH-TT các địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc...

Hiện tại, một số tỉnh, thành cho biết sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo lễ hội truyền thống diễn ra an toàn, văn minh nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa. Chẳng hạn, Ban tổ chức Lễ hội đền Sóc 2018 dự kiến thay đổi hình thức lễ tạ, không còn đoàn rước giò hoa tre, giò trầu cau để không còn xảy ra tình trạng chen lấn, giẫm đạp hỗn loạn như đã có. Trong khi đó, mới đây đại diện UBND huyện Mỹ Đức - nơi diễn ra Lễ hội chùa Hương cho biết, Ban tổ chức lễ hội năm nay sẽ xử lý nghiêm những trường hợp ép giá, ép khách gây nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng của khách, sẽ mạnh tay xử lý các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo khách tham quan tại lễ hội.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn