Lễ hội 2017: Nhiều khởi sắc nhưng không ít tồn tại cần khắc phục

19-06-2017 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nước ta với truyền thống văn hóa lâu đời, vì thế cũng đồng nghĩa có nhiều lễ hội trong năm. Thông qua lễ hội, các thế hệ được giáo dục về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước...

Nước ta với truyền thống văn hóa lâu đời, vì thế cũng đồng nghĩa có nhiều lễ hội trong năm. Thông qua lễ hội, các thế hệ được giáo dục về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước... Nhưng thực tế cho thấy, nhiều lễ hội ở nước ta thời gian qua do tác động của kinh tế thị trường dẫn đến biến tướng, phản cảm khiến dư luận dậy sóng.

Nhiều tồn tại

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó, có hơn 7.000 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, cách mạng, 40 lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch và 11 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Qua số liệu này có thể khẳng định, quốc gia hình chữ S rất giàu truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần phong phú và đa dạng, dù ở thời điểm nào thì những giá trị văn hóa mà cha ông để lại đều được kế thừa, phát huy, bảo tồn...

Dù vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận nhiều lễ hội ở Việt Nam thời gian qua đã và đang cho thấy nhiều vấn đề nổi cộm, sự phản cảm diễn ra ngay trước mắt. Mới đây, Bộ VH-TT&DL vừa có báo cáo liên quan đến các vấn đề mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Theo báo cáo từ Bộ VH-TT&DL, nhiều hạn chế trong công tác quản lý lễ hội đã tồn tại trong những năm qua như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ giá trị truyền thống trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng cho biết, không ít lễ hội do nặng về hình thức quy mô phải hoành tráng với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa hiện đại, nặng về trình diễn nghệ thuật, đạo cụ, phô diễn tốn kém nhưng nội dung đơn điệu, ít được đầu tư, từ đó giảm tính tích cực, hấp dẫn của lễ hội.

Lễ hội 2017: Nhiều khởi sắc nhưng không ít tồn tại cần khắc phụcHình ảnh chen lấn, xô đẩy, cướp lộc là vấn đề nổi cộm trong nhiều lễ hội lớn gây phản cảm.

Đáng chú ý, cơ quan quản lý văn hóa cho biết, lễ hội dân gian lớn ở nước ta thời gian qua được tổ chức quy mô và cầu kỳ hơn trước nhưng cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách, văn hóa tâm linh có xu hướng thiếu lành mạnh. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy tại các lễ hội như: chùa Hương, đền Trần (Nam Định), chùa Bái Đính, đền Sóc, đền Bà Chúa Kho, đền Hùng... còn xảy ra tình trạng người dân chen lấn xô đẩy, rải tiền lẻ, mua bán ấn, hỗn loạn đến mức “vỡ trận”... chưa phù hợp với truyền thống văn hóa và không khí lễ hội.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, có những nơi do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội... Cùng với đó, xuất hiện xu hướng tự ý nâng cấp, đặt tên lễ hội thành lễ hội cấp quốc gia, lễ hội quốc tế. Những yếu tố này đang làm cho lễ hội trở nên nhạt nhòa, giảm giá trị và vì thế khiến dư luận bức xúc.

Không ít chuyển biến tích cực

Những hạn chế kể trên trong các lễ hội ở nước ta là điều không phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh hạn chế thì công tác tổ chức, gìn giữ và bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội ở nước ta thời gian qua cũng có những khởi sắc đáng ghi nhận. Trong đó đáng kể nhất là nhiều lễ hội có yếu tố bạo lực đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ vừa đảm bảo tính trang nghiêm, truyền thống lại vừa phù hợp với đời sống mới.

Gần đây, người đứng đầu Bộ VH-TT&DL cho biết, trong năm 2017, các lễ hội phản cảm đã giảm bớt, điển hình như Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) không tổ chức chém lợn giữa sân đình, Lễ hội Đông Lai (Vĩnh Phúc) không có nội dung cướp cờ phết mà chỉ  thực hành trình diễn nghi lễ, Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) chia hội khu vực chơi nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn. Ngoài ra, dư luận cũng đánh giá cao việc Lễ hội Cầu Trâu tại tỉnh Phú Thọ không thực hiện việc đập đầu trâu mà thay bằng nghi lễ thực hành trình diễn; Lễ hội Đông Cuông (Yên Bái) bỏ tục treo đầu trâu; 90 làng Cơ Tu (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã bỏ tục đâm trâu... Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, năm 2017, nhiều hoạt động phản cảm trong các lễ hội lớn đã được loại bỏ hoàn toàn và điều này đã được người dân ghi nhận.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ VH-TT&DL thời gian tới cần phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác quản lý lễ hội trên cả nước. Bên cạnh đó, để ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố biến tướng, phản cảm trong lễ hội thì ngành văn hóa phải đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội. Đặc biệt, Bộ VH-TT&DL phải cương quyết không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Và quan trọng nhất, chủ thể lễ hội là người dân cần phải có ý thức, nhận thức đúng đắn trong lúc tham gia lễ hội để vấn nạn chen lấn xô đẩy, cướp lộc... đầy hỗn loạn, phản cảm chỉ còn là chuyện ngày hôm qua.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn