Lê Đức Thọ - Người của thời đại Hồ Chí Minh

08-10-2011 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lê Đức Thọ là người con của Nam Định - một vùng đất văn hiến nổi tiếng của nước ta, thấm nhuần tinh hoa văn hiến của quê hương và gia đình nhưng nổi bật là tinh thần yêu nước, chống thực dân, đó là người thanh niên tiêu biểu cho lớp trẻ Việt Nam thời ấy, xả thân, tù ngục để cứu nước…

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (10/10/1911 - 10/10/2011)

Lê Đức Thọ là người con của Nam Định - một vùng đất văn hiến nổi tiếng của nước ta, thấm nhuần tinh hoa văn hiến của quê hương và gia đình nhưng nổi bật là tinh thần yêu nước, chống thực dân, đó là người thanh niên tiêu biểu cho lớp trẻ Việt Nam thời ấy, xả thân, tù ngục để cứu nước…

Sau này, Lê Đức Thọ là người con của cả nước, của Nam bộ “thành đồng” , Hà Nội “rồng lên” và là người của cả thế giới. Tên tuổi của ông vang dội giữa Paris, giữa Washington, giữa tất cả những nơi con người còn phải đấu tranh giành quyền độc lập, giành quyền sống…

Đó là một người rất hiền từ, nho nhã, nhỏ nhẹ nhưng nổi tiếng là người quyết đoán, kiên quyết trong những tình thế bước ngoặt của chiến tranh, cách mạng. Sự có mặt của ông với vai trò thứ hai sau Lê Duẩn ở chiến trường Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp đã đưa lại cho cuộc chiến đấu chống Pháp ở vùng đất cách xa Trung ương này những kỳ công và những sáng tạo, những chủ trương đúng, không giáo điều, sách vở và được lòng dân…

 Đồng chí Lê Đức Thọ.

Ra miền Bắc và trở thành “phó” của Lê Duẩn, ông có mặt trong những mũi nhọn của cuộc chiến đấu; lại vào Nam 1968 và 1973, đi Paris đàm phán với Mỹ để kết thúc chiến tranh, Mỹ rút mà ta thì y nguyên ở lại. Thắng lợi đó dẫn đến thắng lợi tháng 4/1975, Giải phóng miền Nam trong một tương quan lực lượng mới; chính quyền quân đội Nguyễn Văn Thiệu mất chỗ dựa Mỹ đã đổ “nhào” như lời thơ của Bác. Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao lão luyện mà đối thủ là Kissinger phải khâm phục: khâm phục trước hết vì ông đại diện cho chính nghĩa của Việt Nam và rất nguyên tắc nhưng cũng rất “có tình”, “ngoại giao”… trong tiếp xúc. Nụ cười tươi của người nắm chắc chân lý, thế thắng…, cử chỉ tao nhã của truyền thống văn hóa Việt Nam, nhưng khi Kissinger phản bội, Nixon ném bom B.52 vào thủ đô Hà Nội, Lê Đức Thọ giận đã mắng thẳng vào mặt Kissinger: “Ngu xuẩn”. Sau đó, Hiệp định Paris được ký nguyên vẹn như đã thỏa thuận.

Lê Đức Thọ tham gia Hội đồng Quốc phòng thay mặt Bộ Chính trị vào chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông phụ trách tổ chức, nắm an ninh, nắm tình báo… Công tác tổ chức cán bộ là việc rất khó vì đụng phải những con người sống. Nhưng công tác tổ chức sâu sát, có tình và có nguyên tắc đã góp phần vào thắng lợi của Cách mạng. Ông Mười Hương, người đứng đầu mạng lưới tình báo ở miền Nam, kể: “Vì tôi hoạt động bí mật ở miền Nam nên chỉ có anh Thọ theo dõi và nắm vững hoạt động của tôi. Biết tôi đã về Hà Nội, anh xin phép được vắng cuộc họp của Bộ Chính trị hôm đó để tới K.5 thăm tôi ngay. Cuộc hội ngộ hết sức xúc động. (…) Anh Thọ gặp tôi vui mừng lắm, vì đã tìm được hồ sơ xác minh tôi kiên trung, bất khuất nên mới có thể giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương được. Tôi hỏi anh Thọ: “Nếu không tìm được hồ sơ, các anh có tin dùng tôi không?...”, anh Thọ cười và nói: “Vẫn tin dùng, song không thể giới thiệu để bầu vào BCH TW được. Phải tìm cho được hồ sơ, nếu không, ra Đại hội hỏi, Trung ương làm sao giải thích được? Mày phải đứng vào vị trí tao mới hiểu được”. Tôi nghĩ anh xử sự như vậy là phải lẽ” (Mười Hương – Trần Quốc Hương, Bí thư Trung ương Đảng).

Làm tổ chức trong những năm chiến tranh, bảo vệ nội bộ là như thế, Lê Đức Thọ còn là một tâm hồn thơ đa cảm, chân thành; ông hiểu cái tinh diệu, vô giá của nghệ thuật: “Thật kỳ lạ! Sao con người có thể nghĩ ra những giai điệu đẹp đến thế nhỉ? Đúng là nó có sức mạnh biến đổi được lòng người” (Theo hồi ký của nhạc sĩ Xuân Oanh).

Một con người phong phú, lớn lao biết bao nhiêu! Những con người của một thời vĩ đại, thời của Bác Hồ, gian khổ, hi sinh mà vô cùng đẹp đẽ.

Những con người hôm nay và mai sau sẽ tới để gánh Tổ quốc Việt Nam trên vai mình, khi ngoảnh nhìn lại những con người một thời như thế, lòng sẽ bùi ngùi nhớ tiếc và chắc sẽ không quên tâm nguyện kế thừa, sáng tạo…

GS. Mai Quốc Liên


Ý kiến của bạn