Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội

27-02-2018 11:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ lâu, trong các sách địa phương chí, nhân vật chí về quê hương Bình Định, tên tuổi và sự nghiệp của Lê Đại Cang đã được nhắc đến như một huyền hoại nhưng còn khá sơ sài về sử liệu.

Tại các địa phương mà Lê Đại Cang đã từng làm việc, để lại nhiều dấu ấn, nhiều công tích như Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Việt Bắc, Tây Bắc, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Quảng Nam... sách sử và địa phương chí thời ta ở các nơi này gần như không thấy nhắc gì đến ông, hoặc có nhắc cũng rất qua loa, đại khái.

Chân dung Lê Đại Cang.

Chân dung Lê Đại Cang.

Đến giữa năm 2011, cuốn sách Lê Đại Cang và Lê thị gia phả do các hậu duệ của Lê Đại Cang thuộc dòng họ Lê làng Luật Chánh, Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định biên soạn, Nhà xuất bản Dân trí xuất bản, tập hợp một số bài viết chọn lọc về Lê Đại Cang của các học giả xưa, nay và công bố toàn văn một trước tác của Lê Đại Cang là “Lê thị gia phả” đã bước đầu tạo được ấn tượng khá mạnh mẽ về nhân vật lịch sử này. Qua cuốn sách còn khiêm tốn ấy, chúng tôi đã cảm nhận Lê Đại Cang là một nhân vật lịch sử thật đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử cũng rất đặc biệt ở nước ta.

Sinh năm 1771, mất năm 1847, Lê Đại Cang là một con người xuất chúng, văn võ toàn tài với cuộc đời làm quan trải dài 41 năm qua 3 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, từ chức tri huyện lên đến thượng thư, tổng đốc. Thực thi nhiệm vụ khắp ba miền đất nước, từ biên giới cực Bắc đến biên giới cực Nam, từ cố đô Thăng Long đến kinh đô Huế, qua rất nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, ngoại giao, Lê Đại Cang đều để lại những dấu ấn đậm nét, không thể nào quên trên mọi lĩnh vực, mọi miền đất.

Trong con đường làm quan “Cay cực, ra Bắc vào Nam, rong ruổi không ngừng, vì nước quên nhà, vì việc công quên việc riêng” ấy (lời của Lê Đại Cang), Lê Đại Cang đã để lại một tấm gương ngời sáng của một công bộc toàn tâm toàn ý, tận trung tận hiếu với nước với dân. Qua nhiều thăng trầm, nhiều bất trắc hiểm nguy, nhiều thử thách sống còn, Lê Đại Cang đã thể hiện một nhân cách cao đẹp, một bản lĩnh phi thường.

Đầu năm 2013, Hội thảo “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ” đã diễn ra tại TP. Quy Nhơn, hội tụ hơn 100 đại biểu chính thức, trong đó có nhiều nhà khoa học lịch sử văn hóa và văn nghệ sĩ hàng đầu đất nước. Tài liệu lịch sử phong phú cùng những đánh giá khoa học, những phân tích toàn diện, khách quan, sâu sắc trong 40 bàn tham luận đã tạo nên một hội thảo khoa học được dư luận đánh giá cao trong việc nghiên cứu tôn vinh các danh nhân lịch sử văn hóa của đất nước còn đang bị bụi mờ thời gian và các định kiến chính trị hẹp hòi che khuất.

Ngay sau Hội thảo “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ”, bộ phim tài liệu truyền hình và cuốn sách cùng tên Lê Đại Cang  Nhân cách bậc quốc sĩ được giới thiệu rộng rãi tấm gương của ông với bạn đọc và người xem cả nước. Có thể nói cuốn sách và bộ phim trên đã bước đầu giới thiệu được khá chân thực, toàn diện chân dung cùng tầm vóc, vị trí lịch sử của một danh nhân đất nước trong một thời gian dài bị rơi vào quên lãng. Tại quê hương Tuy Phước, khu lăng mộ Lê Đại Cang đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Một con đường mới tại TP. Quy Nhơn đã được mang tên Lê Đại Cang.

Tuy vậy, với những người đã khởi xướng việc tổ chức nghiên cứu về danh nhân Lê Đại Cang trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và tạp chí Văn hiến Việt Nam, Lê Đại Cang vẫn là một nhân vật lịch sử hấp dẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, khám phá, quảng bá. Trong đó, có việc đi sâu nghiên cứu hai giai đoạn hết sức thú vị và nhiều ý nghĩa trong cuộc đời Lê Đại Cang là giai đoạn 20 năm với 3 lần thực thi công vụ trên đất Bắc thành và giai đoạn 8 năm làm việc ở trấn Vĩnh Thanh, rồi An Giang - Hà Tiên và Chân Lạp.

Tháng 7/2016, tại thành phố lịch sử Châu Đốc, Hội thảo “Tổng đốc Lê Đại Cang với An Giang” đã phục hiện một thời mở nước và giữ nước vô cùng khó khăn gian khổ trên vùng đất Châu Đốc - An

Giang và Nam Bộ xưa cũng như vai trò của Lê Đại Cang trong những năm tháng hào hùng và bi thương ấy. Sau hội thảo này, một con đường lớn tại thành phố Châu Đốc đã được mang tên Lê Đại Cương. Cuốn sách Tổng đốc Lê Đại Cương với An Giang đã được xuất bản. Đặc biệt, nhà thơ Thanh Thảo và hai nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức và Văn Trọng Hùng hoàn thành các sáng tác văn học nghệ thuật về Lê Đại Cang. Trường ca Người khiêng võng của Thanh Thảo được đánh giá là một trong những trường ca xuất sắc của “ông vua trường ca” trong thơ Việt Nam. Vở tuồng Hoạn lộ của Nguyễn Sỹ Chức được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng giải Kịch bản xuất sắc năm 2016, được Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng đưa vào kế hoạch dàn dựng đầu năm 2018. Vở tuồng Quan khiêng võng của Văn Trọng Hùng cũng đã được Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Bình Định nhận dàn dựng trong năm 2018.

Một số cuốn sách viết về Lê Đại Cang.

Một số cuốn sách viết về Lê Đại Cang.

Và trong dịp kỷ niệm 170 năm ngày mất của danh nhân Lê Đại Cang (1847-2017), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và tạp chí Văn hiến Việt Nam đã quyết định phối hợp tổ chức Hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” tại Thủ đô Hà Nội. Trong cuộc đời của Lê Đại Cang, có  khoảng thời gian 20 năm làm việc và cống hiến cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc: từ năm 1810 đến năm 1822 (với các chức vụ Thiêm sự Bộ binh, sung Hộ thào và Binh tào Bắc thành, Biện lý bang giao sứ sự ở công quản Gia Quất lo tiếp sứ nhà Thanh phong vương cho vua Minh Mạng, Hiệp trấn Sơn Tây) từ năm 1827 đến năm 1832 (với các chức vụ Khâm sai xử án hình Bắc thành, Quản lý Đê chính kiêm Hình tào Bắc thành, Quyền Tổng trấn Bắc thành, Chủ khảo trường thi Bắc thành, Phụ trách chia lại các hạt ở Bắc thành, Thượng thư Bộ binh, kiêm Hữu đô ngự sử viện Đô sát viên, Tổng đốc 3 tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang kiêm Tổng đốc Hà Nội, Ninh Bình) và từ đầu năm 1841 đến cuối 1842 (với các chức vụ Khâm sai tiếp sứ nhà Thanh phong vương cho vua Thiệu Trị, thự Bố chánh sứ Hà Nội).

Chúng ta có thể thấy, mảnh đất ngàn năm văn hiến luôn là đất lành với người con tài đức của quê hương Bình Định. Tại đây, hoạt động của Lê Đại Cang là hết sức phong phú, bộc lộ tài năng hết sức đa diện, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, hành chính, hình pháp, thủy lợi, giáo dục, ngoại giao... nổi bật là việc thực hiện pháp luật rất nghiêm minh trong vai trò Khâm sai xử án hình tồn đọng và rồi được giao làm hình tào Bắc thành và nhất là công lao to lớn trong nhiệm vụ Quản lý Đê chính. Không phải ngẫu nhiên mà hành trình hơn 3 năm thực thi trách nhiệm quan đê chính của Lê Đại Cang lại được Đại Nam thực lục, Bộ Quốc sử của triều Nguyễn, ghi chép cụ thể và tỉ mỉ đến vậy. Có thể nói, đó là cả một cuộc chiến đấu vĩ đại với giặc “nước” của quân dân Bắc thành và Hà Nội, và trong cuộc chiến đấu sinh tử này, Lê Đại Cang đã thực sự là một vị tư lệnh anh hùng. Câu đối “Đê tồn Cang tại/Đê hoại Cang vong” do Lê Đại Cang tự đề trên công đường Nha Đê chính ở cửa Nam đã thể hiện ý thức sống chết để hoàn thành nhiệm vụ được giao của ông. Ý thức đó cộng với sự tận tụy, quên mình cùng tác phong làm việc khoa học, sức chịu đựng phi thường. Lê Đại Cang đã chỉ huy đắp mới, tôn tạo vững chắc hàng ngàn km đê cũng như nạo vét, nắn lại rất nhiều cửa sông để chia lũ thành công cũng như hoàn thành quyển sách đầu tiên tổng kê đê điều Bắc thành. Nếu hệ thống đê điều ở miền Bắc ngày nay được coi là một kỳ quan thể hiện ý chí bất khuất của con người Việt Nam trước thảm họa thiên nhiên thì Lê Đại Cang là một trong những người đã góp phần quan trọng để tạo nên kỳ quan nhân tạo vĩ đại này.


GS. Hoàng Chương (Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc)
Ý kiến của bạn