Lễ cúng thần rừng đầu nguồn của đồng bào dân tộc Mông

04-01-2021 04:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Hỡi các vị thần linh, thần cai quản thổ địa khu vực của thôn bản. Hôm nay là ngày tốt, ngày đẹp của các vị, bà con có vàng bạc, có rượu, có con gà trống, có con dê đực…Tất cả xin kính dâng lên các vị thần linh.

Sáng 01/01/2021, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mông, huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã tổ chức tái hiện Lễ cúng thần rừng đầu nguồn của dân tộc mình.

Theo quan niệm từ xa xưa, thế giới tâm linh của đồng bào dân tộc Mông có các vị thần như: Thần núi, thần rừng… Bởi vậy, đồng bào tổ chức lễ cúng để cảm tạ các vị thần che chở cho họ trong cuộc sống.

Lễ cúng thần rừng đầu nguồn được tổ chức vào ngày đầu năm mới vì đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm, trời linh thiêng các lễ vật sẽ được dâng lên các vị thần cây, thần rừng.

Lễ cúng thần rừng đầu nguồn là hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian gắn với đời sống của đồng bào vùng cao.

Tục thờ thần rừng để phù hộ dân làng khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối và đặc biệt là giữ rừng.

Mục đích của lễ cúng thần đầu nguồn là cầu sự an lạc cho vạn vật, sự an lành cho con người, súc vật và cỏ cây.

Lễ được bày biện trên một cái bàn 4 chân gồm có 1 con dê, 1 con gà, 3 miếng đậu phụ, 3 miếng bánh chưng cắt nhỏ đặt trước ban thờ, tiếp đó con cháu mang con vật cúng dâng lên thần rừng.

Lễ cúng thần rừng đầu nguồn không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Đây cũng là một hoạt động bảo vệ rừng có tính cộng đồng chặt chẽ và đem lại hiệu quả thiết thực ở vùng cao.

Những lời cầu khấn trong lễ cúng đều thể hiện sự thành kính của con cháu với thần rừng, thần trời, thần đất: Mời các thần đến chứng kiến và phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho rừng ngày một tươi tốt để che chở cho đồng bào.


Tuấn Anh
Ý kiến của bạn