Hà Nội

Lễ chùa đầu năm

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TS. Vũ Thị Minh Huyền

27-01-2023 15:28 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Lễ chùa đầu năm là phong tục đẹp. Đi chùa để đắm mình trong không khí linh thiêng, để gột rửa tâm hồn, để sống tốt hơn.

Đi chùa để làm công đức, để nuôi dưỡng tâm từ bi, sẻ chia với tha nhân. Đi chùa để cầu bình an cho mình, cho gia đình, cho đất nước. Đi chùa, vì lẽ đó thật cần thiết và tốt đẹp biết bao.

Thế nhưng nhiều người đi chùa hiện nay chen lấn, xô đẩy nhau, người ta nhét tiền vào tượng Phật,... Ai cũng nhất định phải đến chùa to, nổi tiếng để cầu xin, cả biển người chen chúc nhau thành ra người nọ vái người kia chứ không phải vái Phật.

Dù có mang lễ to đến đền chùa và khấn thật nhiều thì cũng không thể biến hết những mong muốn của từng người thành sự thật. Tại sao không đi các đền chùa nhỏ ngay gần nhà, chùa vắng, thanh tịnh, không phải chen lấn, xô đẩy, với tâm trong sáng và tấm lòng thành kính để kính Phật, làm công đức, nuôi dưỡng tâm hồn mình hướng thiện?.

Việc đi lễ chùa cũng tương tự như việc người dân trong cả nước nếu ai có bệnh cũng đến bệnh viện tuyến trung ương để khám chữa bệnh thì bệnh viện tuyến trung ương sẽ quá tải và không thể phục vụ hết được nhu cầu của người dân. Người dân ở các tỉnh địa phương cần phải khám chữa bệnh các bệnh viện tỉnh trước, chỉ khi mắc bệnh hiểm nghèo quá nặng mà bệnh viện tỉnh không thể điều trị thì mới được làm giấy xin chuyển viện lên tuyến trung ương.

Người dân trong cả nước ai cũng phải đền chùa Bái Đính, Tam Chúc, chùa Hương, chùa Đồng.... cầu may thì các chùa này lúc nào cũng quá tải và không thể phục vụ hết nhu cầu của người dân. Người dân nên chăng hãy lựa chọn các ngôi chùa gần nhà mình nhất để đi lễ, tránh cảnh chen chúc, xô đẩy, bị chặt chém và phải vái lưng người khác chứ không phải vái Phật. Chúng ta sống thiện, có tâm sáng thì cần gì phải đi cầu xin nhiều, cho dù có cầu xin nhiều thì Đức phật cũng không ban phước cho được.

Kinh điển của Phật giáo khẳng định rằng Đức Phật không phải là thần linh, vì vậy ngài không ban phước hay giáng họa cho ai. Đi chùa để tu, tu là sửa mình, là hướng vào bên trong, là quay về với chính nội tâm của mỗi người. Đi chùa để "hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp".

Nếu trong lòng luôn nghĩ đến việc ác, làm việc ác rồi lên chùa cúng Phật để cầu xin và nếu như không cần cố gắng học tập, chăm chỉ làm việc, kiếm tiền mà chỉ chăm đi đền chùa cầu xin mà được hết thì xã hội này không có người nghèo, không có người ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, không có người bất hạnh, cô đơn, không có ai phải vào tù vì vi phạm pháp luật.

Thiết nghĩ, đi chùa để kính ngưỡng các vị Phật, để học hỏi, để sửa mình, để sống tốt hơn mới là đi chùa đúng nghĩa. Không ai ban phát hay xin được ai điều gì, nên người dân khi lễ chùa cần hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa lễ Phật đầu năm.

Cầu nguyện không phải là bản chất của phật giáo. Bản chất của phật giáo chính là nhân-quả. Nhân nào quả ấy. Đức phật nói là không ai cho mình cái gì và không ai lấy đi của mình cái gì. Cuộc sống của mình trong tương lai tốt đẹp hay không là do bản thân mình tự quyết định, chứ không có trời phật nào quyết định thay mình cả. Cho nên Đức phật hướng con người làm việc thiện. Nếu mình làm việc thiện, nhất định cuộc sống của mình sẽ thiện và ngược lại. Làm điều ác thì cuộc sống sẽ gặp nhiều trắc trở.

Dù quan niệm lên chùa mỗi thời mỗi khác, có nét đẹp và cũng có những "biến tướng", nhưng rõ ràng đi lễ chùa ngày đầu năm là để hướng con người nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện. Phật tại tâm, mang hàm ý mỗi chúng sinh, mỗi con người vốn đã có cái tâm tính lương thiện.

Hãy khởi đầu một năm mới bằng những việc thiện, để có tâm sáng, để mỗi con người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành. Đầu năm du xuân thì tốt, không quá nặng nề việc nghi lễ như thế nào, mà quan trọng nhất là sự thành kính đối với Đức phật và cái tâm thiện của mình có sáng hay không sáng.

Đốt vàng mãĐốt vàng mã

SKĐS - Hàng năm, ở nước ta vào các dịp Mồng Một đầu tháng và ngày Rằm giữa tháng, các gia đình hay cúng lễ kèm theo tục đốt hóa vàng mã.


TS. Vũ Thị Minh Huyền
Ý kiến của bạn