Ngày 17/2/2020, ThS.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bệnh nhân nữ Đ.M.S (40 tuổi, người dân tộc Dao ở Hoàng Su Phì, Hà Giang) vào viện tại Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương ngày 11/2/2020 do tai nạn đạn bắn vào vùng mặt.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách vào viện 2 giờ, bệnh nhân bị tai nạn đạn bắn vào vùng má trái. Sau tai nạn bệnh nhân tỉnh, bị chảy máu họng miệng, đau cột sống cổ. Bệnh nhân đã vào Bệnh viện huyện Hoàng Su Phì và BVĐK tỉnh Hà Giang điều trị. Sau khi hội chẩn, BS. Vũ Hùng Vương – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang đã quyết định chuyển bệnh nhân đến BV Tai Mũi Họng Trung ương điều trị.
"Vì viên đạn cắm vào thành sau họng găm vào cân trước sống, nếu đi theo đường cạnh cổ thì quá xa, gây tổn thương nhiều thành phần. Đi theo đường trong họng thì việc xác định đúng vị trí là rất khó vì tư thế chụp phim và tư thế mổ là rất khác nhau.
Do đó, với những phẫu thuật phức tạp như thế này thì cần bác sĩ có kinh nghiệm. Sau khi cân nhắc và trao đổi với các bác sĩ BV Tai Mũi Họng Trung ương, chúng tôi đã quyết định chuyển bệnh nhân đến Hà Nội để điều trị được tốt nhất” - BS. Vương thông tin.
Hình ảnh CT có dị vật cản quang trong cơ thể bệnh nhân.
Tại BV Tai Mũi Họng Trung ương, ThS.BS Trần Hữu Thắng cho biết, qua thăm khám thấy bệnh nhân tỉnh, không sốt, da, niêm mạc hồng, tuyến giáp không to. Kết quả thăm khám tai mũi họng thấy vùng má trái mặt trong và ngoài, bờ bên lưỡi trái, màn hầu sát lưỡi gà bên trái, thành sau họng ngang mức màn hầu bên phải bầm tím, không chảy máu.
Hình ảnh chụp CT cổ có dị vật cản quang ngang mức C2. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị vật thành sau họng phải và tiến hành lấy dị vật ra.
ThS.BS Trần Hữu Thắng đã mổ theo đường nội soi trong họng lấy dị vật là viên đạn nằm sát cột sống cổ ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân tiếp tục điều trị đặt sonde dạ dày để niêm mạc thành sau họng liền lại. Kết hợp dùng kháng sinh và chống viêm điều trị cho bệnh nhân.
Sau mổ 3 ngày, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định và đã được chuyển về BVĐK tỉnh Hà Giang điều trị tiếp. Sau 1 tuần, bệnh nhân đã khỏe mạnh và ra viện.
Viên đạn được các bác sĩ lấy ra.
Các bác sĩ khuyến cáo, vết thương do đạn bắn thường hay chảy máu và có lỗ thủng ở chỗ đạn bắn vào trong cơ thể. Hậu quả của vết thương còn tùy thuộc diện tích của nó, chảy máu nhiều hay ít và có sự tổn thương của các cơ cấu thân thể do một hay nhiều viên đạn gây ra.
Cách sơ cứu có thể làm là ngăn không cho máu chảy nhiều bằng vải sạch. Tuyệt đối không cố tìm cách tự lấy viên đạn ra sẽ khiến vết thương trầm trọng thêm. Nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Từ ca bệnh trên cũng cho thấy, việc trao đổi kinh nghiệm và đào tạo ở các tuyến y tế cơ sở với các tuyến trung ương là vô cùng quan trọng giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.