Lấy tủy về răng rất đau

25-11-2019 14:05 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Chào bác sỹ. Em đi lấy chỉ máu răng (chữa tủy răng - pv). Hôm nay sau 2 ngày răng em rất đau. Cho em hỏi có bị sao không ạ? Cám ơn bác sỹ.

Bạn đọc Trà Thanh Trang (Thanhtrangtra98@gmail.Com)

Chào em,

Thông tin em miêu tả về vấn đề của tình trạng răng của mình rất hạn chế. Em không cho biết trước khi chữa tủy răng em bị như thế nào? Có đau nhức gì hay không? Cơn đau trước và sau khi được bác sỹ điều trị có gì khác nhau không? Tăng nặng hay giảm nhẹ?

Em cũng không cung cấp thông tin là em đang bị đau nhóm răng nào? Nhóm răng cửa, răng nanh hay răng hàm? Răng ở hàm trên hay ở hàm dưới.

Tất cả mọi chứng bệnh thì đều nên đến bác sỹ khám trực tiếp, sẽ có kết quả chính xác nhất. Ở đây, nhận câu hỏi để “khám từ xa” thì câu hỏi càng chi tiết càng tốt em nhé.

Bởi vì không có dữ liệu về những than phiền cụ thể của em, nên bác sỹ sẽ đưa ra một vài thông tin và tình huống như sau, em hãy đọc và tham khảo thêm nhé.

Tủy răng là gì? Và những bệnh lý (cơ bản, sơ lược) của tủy răng

Lấy tủy về răng rất đau

Tủy răng là các mô liên kết bao gồm mạch máu tận cùng, bạch mạch và thần kinh, có vai trò dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng. Tủy buồng và hệ thống ống tủy nằm trong khoang hốc tủy, được bao bọc xung quanh bởi lớp mô ngà cứng của răng, trong khi đó lỗ chóp chân răng nằm ngoài giới hạn này.

Bởi vì đặc điểm riêng biệt của cấu trúc giải phẫu tủy răng, cho nên khi tủy bị viêm sẽ dễ xuất hiện sung huyết đè nén, gây đau nhức và thậm chí là hoại tử tủy.

Bệnh lý tủy răng là một tình trạng khá thường gặp, thông thường là viêm các thành phần mô học tủy răng bắt nguồn từ biến chứng của sâu răng.

Sâu răng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, vi khuẩn tồn tại trong miệng lâu ngày sẽ xâm nhập vào răng bị hở tuỷ qua các lỗ sâu và gây bệnh. Trong trường hợp này, răng có thể sẽ có cảm giác đau đau âm ỉ, đau theo từng cơn. Có khi đau dữ dội.

Răng bị chấn thương bể, mẻ, gãy,… do tai nạn làm tủy răng bị hở sẽ là nguyên nhân làm cho tủy răng nhiễm trùng cấp tính. Trường hợp này, răng thường sẽ có cảm giác đau dữ dội.

Răng bị chấn thương theo kiểu bị tăng áp suất (đối với thợ lặn, nhà du hành vũ trụ), bị ảnh hưởng hóa chất hoặc những tính chất vật như bị tác động bởi luồng điện, va đập mạnh gây tổn thương kín (răng không bị vỡ) thì tủy răng sẽ “chết” theo kiểu mạn tính. Trong trường hợp này, đặc biệt răng sẽ không hề có cảm giác gì cả. Nhưng hậu quả của nó gây ra lại rất nặng nề: thường bị áp xe lan tỏa, gây ngoại tiêu xương ổ răng.

Chữa tủy răng là gì?

Khi tủy răng bị nhiễm trùng, bị hoại tử, bị “chết” theo những tình huống ở trên, công việc của bác sỹ sẽ là lấy thật sạch tủy răng bị hư hại đó ra ngoài, và thay thế bằng một vật liệu trám bít khác, để đảm bảo răng vẫn tồn tại được ở trên miệng mà không gây ra bất kỳ biến chứng gì, như cơn đau, hay tổn thương xương ổ răng.

Tất cả những công việc điều trị đó, gọi là chữa tủy răng.

Trừ nhóm răng cửa hàm trên, còn lại ở hầu hết những răng khác, cấu tạo của tủy răng thường khá phức tạp. Ngoài ống tủy chính ra còn có thể tồn tại khá nhiều ống tủy phụ, nhỏ và hẹp. Vì vậy, việc lấy thật sạch, thật kỹ tủy răng ra trong khá nhiều trường hợp đối với bác sỹ là không hề đơn giản.

Lấy tủy về răng rất đau

Việc chữa tủy rất mất thời gian, bệnh nhân phải đi lại phòng khám nhiều lần là vì vậy. Và, trong việc điều trị tủy này, có những trường hợp, có những bác sỹ sẽ điều trị thành công. Ngược lại, có những bác sỹ, có những trường hợp sẽ điều trị thất bại.

Và trong những lần điều trị như vậy, cảm giác đau nhức của bệnh nhân có thể sẽ giảm, sẽ hết, nhưng cũng có thể ngược lại, sẽ vẫn còn đau, hoặc cơn đau sẽ tăng nặng hơn.

Những cảm giác này của bệnh nhân thường được bác sỹ điều trị dự đoán trước được, và có lời nhắc nhở trước với bệnh nhân.

Chỉ khi nào bác sỹ nói đã kết thúc quy trình điều trị rồi (trám bít tủy hoàn tất) mà bệnh nhân vẫn chịu những cơn đau, thì rõ ràng, quy trình điều trị tủy răng đó đã thất bại và cần được thực hiện lại với những chuyên gia nhiều kinh nghiệm hơn.

Quay trở lại trường hợp của em, sau 2 ngày hẹn với bác sĩ mà cơn đau trở nên nặng hơn thì ngay lập tức em nên quay trở lại để bác sỹ tiếp tục điều trị cho em nhé.

Hi vọng sau một vài lần điều trị tiếp theo, cơn đau của em sẽ giảm, hoặc sẽ hết và kết thúc quá trình điều trị trong thời gian ngắn nhất.

Thân chào em,


Bs Trần Mừng
Ý kiến của bạn