Bị rong kinh 2 tháng, chị N.T.T. (31 tuổi, Nam Đàn) đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An kiểm tra phát hiện que tránh thai "đi lạc" chỗ vào sâu trong cơ bắp tay, cách khuỷu tay 10cm.
Theo lời kể bệnh nhân, sau khi sinh được 2 bé, chị N.T.T. đã quyết định đi đặt que tránh thai. Sau 3 năm, đến thời hạn đi tháo que, phát hiện que tránh thai ở vị trí khó nên chị được tư vấn nhập viện.
Sau khi thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp que tránh thai "đi lạc" sâu vào tổ chức cơ phức tạp, chứa nhiều mạch máu, dây thần kinh nên không thể kéo ra ngoài bằng phương pháp tiêm thuốc tê rồi rạch đường nhỏ dưới da tay.
Các bác sĩ Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiến hành hội chẩn với bác sĩ Ngoại khoa của bệnh viện để lên phương án phẫu thuật, đưa dị vật ra ngoài an toàn.
Trước phẫu thuật, que tránh thai "đi lạc" được định vị chính xác và đánh dấu bằng siêu âm tần số quét cao. Sau 10 phút can thiệp, các bác sĩ đã rút được dị vật ra khỏi bắp tay. May mắn, dị vật là que tránh thai chưa chạm vào bó mạch máu - thần kinh cánh tay.
"Que tránh thai "đi lạc" phần lớn do kỹ thuật cấy que chưa phù hợp, nếu không được can thiệp lấy sớm, que tránh thai có thể tiếp tục đi sâu, đụng bó mạch thần kinh. Người bệnh có thể bị viêm, chèn ép dây thần kinh, khó khăn trong việc nâng, mang, vác đồ vật thường ngày, không loại trừ khả năng gây vỡ mạch máu, gây tê - yếu liệt tay, hoặc tiếp tục di chuyển đến các bộ phận trong cơ thể.
Vì vậy, để đề phòng que cấy tránh thai "đi lạc" nguy hiểm, chị em nên thực hiện thủ thuật cấy que ngừa thai ở các bệnh viện và nên tái khám để kiểm tra theo hẹn của bác sĩ. Ngoài ra, khi tự sờ lên chỗ đã cấy que nếu không cảm nhận được que cấy cần đến bệnh viện khám và được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm", BS CKI Trần Văn Bảo – Phó trưởng khoa KHHGĐ, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An khuyến cáo.