Phụ nữ nhiễm HPV là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Đây là loại bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và có khả năng gây tử vong cao ở phụ nữ.
HPV gây những bệnh gì?
Có khoảng 100 chủng HPV, trong đó có khoảng 40 type là nguyên nhân gây ra các bệnh ở cơ quan sinh dục con người. 15 type là được cho vào danh sách những loại virus gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở người.
Hai type HPV 16 và 18 được coi là virus nguy hiểm nhất vì chúng có thể nhiễm sâu vào tử cung của phụ nữ, sau đó phát triển làm thay đổi mô tử cung và gây ra bệnh ung thư cổ tử cung. Đây cũng là loại gây ra nhiều bệnh khác như ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư dương vật,....
Hai type HPV 6 và 11 khi lây nhiễm 90% có thể gây ra mụn cóc (sùi mào gà) ở cơ quan sinh dục, đặc biệt là ở nam giới, bệnh phát triển khiến người bệnh khó chịu, xấu hổ và mất tự tin. Loại gây chứng mụn cóc ở tay và chân là HPV 2 và HPV 1.
Tuy nhiên, không phải lúc nào HPV cũng gây ra bệnh, thông thường đa số những người bị nhiễm HPV đều sẽ tự sạch nhiễm. Số còn lại sẽ tiến triển nhanh hơn thành bệnh khi có các tác nhân khác cùng lúc tác động như quan hệ tình dục quá sớm, có quá nhiều bạn tình.
Hình ảnh ung thư cổ tử cung.
Cách thức lây truyền HPV
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm HPV khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo, hậu môn với người bị nhiễm bệnh. HPV có thể lây lan sang người khác ngay cả khi người bệnh không hề có dấu hiệu hay triệu chứng gì. HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do da tiếp xúc trực tiếp với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của người bị nhiễm bệnh.
HPV cũng có thể lây nhiễm qua những vật dụng của người bị bệnh đã dùng như cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót... Dùng bao cao su có thể tránh lây nhiễm được nhiều bệnh, trong đó có HPV. Tuy nhiên cũng không phải an toàn tuyệt đối bởi những vùng tiếp xúc ngoài bao cao su vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
HPV không lây nhiễm qua các con đường như: từ bồn cầu, ôm hay nắm tay, ăn chung hoặc dùng chung bát đũa, bơi chung hồ bơi hay bồn tắm với người mắc bệnh. HPV cũng không di truyền.
Mặc dù hầu hết trường hợp nhiễm HPV đều có thể tự khỏi và các tổn thương tiền ung thư cũng có thể tự khỏi, nhưng vẫn có nguy cơ đối với phụ nữ nhiễm HPV gây tổn thương mạn tính và tiền ung thư sẽ xâm lấn và phát triển thành ung thư cổ tử cung. Ở phụ nữ có hệ miễn dịch bình thường thì mất khoảng 15-20 năm để ung thư cổ tử cung phát triển. Nhưng ở những phụ nữ có hệ miễn dịch kém (chẳng hạn như những người nhiễm HIV) thì có nhiều khả năng nhiễm HPV dai dẳng và tiến triển nhanh thành ung thư, chỉ mất 5-10 năm phát triển ung thư cổ tử cung. Đồng thời các trường hợp này cũng dễ nhiễm các tác nhân lây truyền qua đường tình dục khác như virus gây mụn rộp, chlamydia và bệnh lậu...
Các kiểm soát ung thư cổ tử cung
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị tiếp cận toàn diện để phòng ngừa và kiểm soát ung thư cổ tử cung. Và những hành động này được đề xuất bao gồm các can thiệp trong suốt cuộc đời. Nó phải được kết hợp đa ngành bao gồm từ giáo dục cộng đồng, vận động xã hội, tiêm chủng, sàng lọc, điều trị và chăm sóc. Ban đầu của phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung là tiêm vắc-xin cho các bé gái từ 9-14 tuổi. Ngoài ra còn có biện pháp dự phòng khác cho bé trai và bé gái như:
Giáo dục về thực hành tình dục an toàn bao gồm những hoạt động bắt đầu quan hệ. Khuyến khích và cung cấp bao cao su cho những người tham gia hoạt động tình dục. Cảnh báo về việc sử dụng thuốc lá (thường bắt đầu trong thời niên thiếu) là một yếu tố nguy có quan trọng đối với ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác. Với phụ nữ có hoạt động tình dục nên được tầm soát tế bào cổ tử cung bất thường và các tổn thương tiền ung thư bắt đầu từ 30 tuổi. Nếu thấy có các dấu hiệu bất thường thì cần can thiệp sớm để cải thiện chất lượng cuộc sống.