Lay lắt nghề thổi thủy tinh

15-02-2015 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Là một trong những nghề truyền thống của Việt Nam, nhưng có lẽ nghề thổi thủy tinh đang có một số phận kém may mắn hơn so với các nghề khác...

Là một trong những nghề truyền thống của Việt Nam, nhưng có lẽ nghề thổi thủy tinh đang có một số phận kém may mắn hơn so với các nghề khác, đó là sự mai một theo thời gian. Mặc dù những người thợ đang cố níu giữ nghề truyền thống này phải đổ rất nhiều mồ hôi và công sức để biến những hạt cát vô tri thành một sản phẩm đẹp đến tay người tiêu dùng, nhưng khó khăn vẫn chồng chất... khó khăn.

Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thủy tinh là cát trắng. Công đoạn lựa chọn và sàng lọc cát là rất quan trọng để có màu sắc tốt nhất. Sau khi được sàng lọc, cát sẽ được chuyển vào một lò thủ công đun bằng than và nấu liên tục trong khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ với nhiệt độ trên dưới 2.000oC. Khi đun đủ thời gian, thủy tinh sẽ được lấy ra một chiếc ống dài rồi hạ nhiệt dần bằng cách nhúng vào nước. Thời điểm này, thủy tinh rất nóng và chưa có hình dạng cố định nên người thợ thổi phải xoay ống thổi liên tục để thủy tinh tròn và đều.

Công đoạn thổi thủy tinh chia làm 2 phần, khi mới lấy ra khỏi lò, thủy tinh sẽ được thổi thành hình tròn rồi đưa trở lại lò nung tiếp. Sau khi nung lần 2, thủy tinh mới chính thức được những người thợ có kinh nghiệm thổi và ép tạo hình. Do nhiệt độ của thủy tinh lúc này rất nóng nên người thổi phải sử dụng một ống thổi khá dài (thông thường phải gần 2m).

Tìm hiểu kỹ mới thấy, sự mai một của nghề thổi thủy tinh cũng là điều dễ hiểu. Đây là một nghề đòi hỏi sự tập trung cao độ. Khó khăn nhất trong nghề này là thường xuyên phải làm trong môi trường có nhiệt độ cực cao. Những lò sản xuất thủy tinh hiện nay ở Việt Nam phần lớn là lò thủ công với quy mô nhỏ. Thực trạng này không có nghĩa là nghề thổi thủy tinh bị mai một do người thợ không còn yêu nghề hoặc họ không còn muốn cố gắng. Sự leo lắt quẩn quanh họ còn bởi nhiều lý do khác nữa.

Là một trong những nghề truyền thống của Việt Nam, nhưng nghề thổi thủy tinh đang bị mai một theo thời gian.

Vang bóng một thời

Khi nhắc đến làng nghề thổi thủy tinh, người ta sẽ nhớ ngay đến Giáp Long - “lãnh địa” chuyên thổi thủy tinh. Người trong làng từng kể: “Thời trước, đồ dùng gia công thủy tinh Thống Nhất nổi tiếng khắp nơi. Sản phẩm thủy tinh của Thống Nhất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi kiểu dáng đa dạng, phong phú, chất lượng tốt mà giá lại rẻ. Chúng tôi làm tất cả từ những đồ dùng đơn giản như bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc, nắp phích... đến những vật trang trí cầu kì, yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ như những con giống để trưng bày”. Nhờ vào nghề thổi thủy tinh mà đời sống kinh tế của bà con làng Giáp Long được phát triển. Nhưng câu chuyện thủy tinh lấp lánh ở làng Giáp Long dường như đã khép lại với một cái kết không có hậu. Những năm 1990, hàng hóa từ bên ngoài ùa vào thị trường Việt Nam. Đồ dùng thủy tinh Thống Nhất lao đao vì không có đầu ra. Các lò thủy tinh cứ thế mà tắt dần... Người làm nghề chỉ còn biết an ủi nhau, cuộc sống vốn vô thường!

Niềm hy vọng mong manh

Sản phẩm thủy tinh Việt Nam là mặt hàng sản xuất truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc. Thế mạnh của sản xuất hàng sành sứ thủy tinh Việt Nam là dễ dàng hạ giá thành bởi nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí lao động rẻ, chi phí đầu tư thấp. Nhưng có lẽ đây cũng chính là mặt tiêu cực dẫn đến sự mai một của các làng nghề thủy tinh. Sự vất vả của người thợ bỏ ra để có được một sản phẩm ưng ý thì nhiều trong khi lợi nhuận thu về không đáng kể.

Tại TP.HCM, phường 14, quận 8 trước đây nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh giờ đây chỉ còn duy nhất một người làm. Người thợ cuối cùng của làng nghề này 10 năm qua cần mẫn tạo hình những con thú thủy tinh nhỏ nhắn, lung linh. Ngày trước, cả khu phố tấp nập người làm thủy tinh, người đến đặt hàng. Xe cộ nườm nượp nhận hàng giao khắp nơi trên toàn quốc. Bây giờ chỉ còn duy nhất nghệ nhân tên Thuận làm nghề này. Nghệ nhân cho biết: “Thổi thủy tinh rất thú vị nhưng nếu làm lâu, không kiên trì, nhẫn nại chắc chắn sẽ bỏ cuộc. Mỗi lần có mẫu mới phải tập làm có khi cả ngày trời mới quen tay. Hì hục làm mà chỉ một sơ xuất nhỏ cũng bỏ cả sản phẩm nên cũng có lúc bực mình. Tuy vậy phải kìm lại, nóng giận thì không làm được gì”.

Mỗi ngày không dưới 8 giờ, cạnh cái nóng rát da, rát thịt ngàn độ C, người nghệ nhân này vẫn điềm tĩnh ngồi thổi hồn vào từng con thú thủy tinh. Mỗi con thú lung linh là sự đánh đổi không biết bao giọt mồ hôi của người tạo ra nó. Những vết sẹo không đếm hết trên bàn tay, cánh tay hay trên chân của người nghệ nhân Thuận là kết quả của gần một thập kỷ gắn bó với nghề.

Không thể chối bỏ thực tế, nghề thổi thủy tinh đang tắt dần theo thời gian. Nhưng nó vẫn chưa thể hoàn toàn biến mất khi vẫn còn có người đam mê. Những nghệ nhân như anh Thuận đang cố níu giữ nghề này như một nét văn hóa bởi họ nghĩ truyền thống là thứ cần được trân trọng và lưu giữ.

Bài, ảnh: Vũ Quang

 

 


Ý kiến của bạn