Hà Nội

Lay lắt bên dự án trọng điểm

02-04-2020 22:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Gần 12 năm trôi qua, hàng trăm hộ dân sống tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An phải chứng kiến hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai I bị bỏ hoang trong xót xa, tiếc nuối. Không những thế, cuộc sống của họ cũng không khấm khá hơn là bao, dù nằm trong một KCN được xác định là trọng điểm kinh tế vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Những “cánh đồng chết”

Ngồi trước hiên nhà, hướng ánh mắt xa xăm về phía bãi đất hoang bạt ngàn cỏ dại, ông Đậu Xuân Thủy (thôn 8, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), thở dài ngao ngán. Bãi đất đó trước đây là những ruộng lúa trù phú, là kế sinh nhai của người dân xóm 8 và cả vùng lân cận. Nhưng giờ đây, nó đã trở thành “cánh đồng chết”, rác thải đổ tràn lan. Nhường đất để làm KCN, nhưng gần 12 năm trôi qua, người dân nơi đây phải lâm vào cảnh “đi chẳng được, mà ở cũng chẳng xong” chỉ vì quy hoạch. Nếu như khi đón dự án “khủng” về địa phương, người dân phấn khởi đến đâu thì nay sự thất vọng lớn hơn bội phần.

Gia đình ông Thủy là 1 trong 11 hộ trong thôn 8 thuộc diện đã được đo đạc, kiểm đếm tài sản để thu hồi đất phục vụ xây dựng KCN Hoàng Mai I. Thế nhưng, chờ đợi gần 12 năm, ông Thủy vẫn không thấy ai về thông báo thu hồi đất, áp giá đền bù gì. Mặc dù cả gia đình đã chuẩn bị sẵn tâm lý để di dời từ lâu.

“Theo đo đạc, kiểm đếm, gia đình tôi có hơn 1.000m2 đất ở và đất vườn thuộc diện bị thu hồi, chuyển đến tái định cư ở khu vực mới. Thế nhưng, suốt thời gian qua, chẳng thấy ai đả động đến chuyện lấy đất nữa”, ông Thủy ngậm ngùi.

Ở xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, những gia đình phải khốn khổ vì KCN Hoàng Mai I cũng ngót nghét 100 hộ. Theo ông Lê Duy Trung - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, dù KCN Hoàng Mai I đã khởi công xây dựng từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn đang để lại rất nhiều hệ lụy xung quanh câu chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). “Hiện chủ đầu tư còn nợ xã hơn 3,34 tỷ đồng tiền đền bù do thu hồi hơn 6,15ha đất của xã. Đất đai, nhà cửa hơn 80 hộ dân ở thôn 8 và thôn 10 do nằm trong quy hoạch KCN Hoàng Mai I nên không được xây dựng, sửa chữa. Gần 10 hộ dân khác đã được đo đạc, kiểm đếm tài sản nhưng chưa được bồi thường, GPMB. Một số công trình do người dân đầu tư như thủy lợi, cột điện dù đã được kiểm kê nhưng chủ đầu tư cũng chưa đền bù”, ông Trung nói và cho biết thêm, khoảng 4-5 năm trước, cuộc họp nào người dân cũng phản ánh, kiến nghị. Thế nhưng vài năm trở lại đây, người dân “chán” rồi nên không thấy có ý kiến gì nữa, vì có nói cũng không thấy chuyển biến gì.

Lay lắt bên dự án trọng điểmGia đình ông Đậu Xuân Thủy (áo xanh đen) bức xúc vì suốt 11 năm không được đền bù, tái định cư đến nơi ở mới.

Chờ đợi đến bao giờ?

Ngày 26/11/2008, người dân, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An hồ hởi tham dự lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Hoàng Mai I. Dự án do Công ty CP đầu tư KCN Hoàng Mai làm chủ đầu tư với với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng trên diện tích gần 290ha. KCN Hoàng Mai I được xem là dự án trọng điểm của vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ, nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế khu vực phía Bắc của tỉnh Nghệ An. Dự kiến, sau khi KCN Hoàng Mai I hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế - xã hội địa phương. So với các KCN khác, KCN Hoàng Mai có nhiều lợi thế như, vị trí giao thông rất thuận lợi, từ đây có thể dễ dàng tiếp cận nhanh chóng các cảng biển, cảng đường bộ và cảng hàng không do đó tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian vận chuyển, đặc biệt là chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngày 22/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh bổ sung danh mục KCN Hoàng Mai vào danh mục các khu công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2014, Thủ tướng cũng đã đồng ý sáp nhập KCN Hoàng Mai thuộc sự quản lý của Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Nghệ An. Theo ông Lê Duy Trung - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, do được xác định là dự án trọng điểm nên công tác bồi thường, GPMB được triển khai rất nhanh, người dân chấp hành rất tốt nên nhiều địa phương khác cũng đến học tập kinh nghiệm. Đến năm 2016, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như tường bao, đường, cổng chào đã được chủ đầu tư xây dựng. Nhưng tính đến thời điểm hiện nay, tại KCN Hoàng Mai I mới chỉ hơn 26ha/203,5ha diện tích đất đã được doanh nghiệp tiến hành làm các thủ tục đăng ký thuê đất đầu tư xây dựng. Và phần lớn diện tích đất còn lại thì đang để hoang hóa, cỏ mục um tùm, được người dân tận dụng làm nơi chăn thả trâu bò. Hệ thống tường bao đã gãy đổ nhiều, các khối bê tông nằm chỏng chơ lẫn giữa bùn đất.

Lay lắt bên dự án trọng điểmĐược khởi công xây dựng từ năm 2008 nhưng đến nay, KCN Hoàng Mai I vẫn chưa thể lấp đầy.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, những tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB mà người dân và xã Quỳnh Lộc phản ánh là đúng thực tế. Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư chưa có nguồn thanh toán. “Ngoài việc nợ UBND xã Quỳnh Lộc gần 3,4 tỷ đồng, dự án còn 319 hộ dân và có 7 lò gạch chưa được bồi thường GPMB nằm trong 35ha dự kiến đưa ra ngoài quy hoạch KCN Hoàng Mai I đã được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý về chủ trương. Tuy nhiên, đến nay diện tích này chưa được chủ đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh trình, do đó chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, số tiền chưa bồi thường cho 319 hộ dân là khoảng 6,64 tỷ đồng. Ngoài vấn đề chủ đầu tư chưa có nguồn vốn thanh toán thì trong quá trình lập và phê duyệt phương án bồi thường GPMB có một số sai sót nên hiện vẫn chưa giải quyết xong.

Theo tìm hiểu, hiện nay Công ty CP đầu tư KCN Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị không làm chủ đầu tư, chuyển nhượng cho Công ty Hoàng Thịnh Đạt (địa chỉ tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội). Theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, hiện nay việc chuyển đổi nhà đầu tư đang trong quá trình thực hiện, các thủ tục Bộ, ngành đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Và như vậy, việc giải quyết các tồn tại về bồi thường GPMB dự án KCN Hoàng Mai I sẽ được thực hiện sau khi chuyển đổi thành công nhà đầu tư. “Khu kinh tế Đông Nam và Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư của tỉnh Nghệ An đã nhiều lần làm việc với các Bộ, ngành nhưng hiện nay, Bộ Tài chính vẫn chưa thông qua để trình hồ sơ lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Vì thế, công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cũng như phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho UBND xã Quỳnh Lộc và các hộ dân vẫn tiếp tục phải chờ”, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam nói.


Bài, ảnh: Từ Thành
Ý kiến của bạn