Hà Nội

Lấy chồng ngoại - Đừng lên án

19-11-2014 11:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Sau bài báo của PGS.TS Lê Thị Quý - GĐ Trung tâm Trung tâm nghiên cứu giới và Phát triển, Trường ĐH KHXH&XN (ĐHQG Hà Nội) về gái Việt lấy chồng ngoại quốc trên Vietnamnet, tôi có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ với bà.

Thưa giáo sư, tôi đã đọc bài phỏng vấn của bà trên Vietnam net, Và tôi thấy cần có đôi điều giãi bày với bà:

Bà cho rằng thực trạng lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan hiện đang diễn ra rất nghiêm trọng, mỗi năm có hơn 10 ngàn phụ nữ lấy chồng ngoại quốc là một con số rất cao.

Tôi thì không nghĩ như vậy là nghiêm trọng, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, việc các cô lấy ai, đó là quyền lựa chọn riêng của mỗi người.

Về kinh tế, lượng kiều hối các cô gửi về rất có ích cho nền kinh tế, có thể nói, càng nhiều cô ra nước ngoài thì nước nhà càng giàu mạnh.

Bà cũng nói : “Tình trạng lừa phụ nữ ra nước ngoài kết hôn để lấy tiền không phải diễn ra lẻ tẻ mà đã thành tổ chức.”

Cái này cần dẫn chứng nếu có lừa đảo thưa bà, theo như tôi biết, các tổ chức môi giới hôn nhân hiện nay đều không vi phạm pháp luật Việt Nam, họ cũng như các bà mối, có thể nói quá lên các ưu điểm và giấu nhẹm các khuyết điểm của cả hai bên để tác-thành đôi lứa, tôi thì không cho rằng đó là lừa đảo.

Bà nói về các cô gái Miền tây lấy chồng Hàn rằng:" Đây là một hiện tượng tôi cho là hết sức kỳ cục. Báo hiếu có nhiều cách chứ không phải bán mình để lấy tiền nuôi mẹ cha hay người thân. Đây là suy nghĩ hiểu lệch về báo hiếu".

Tôi thì băn khoăn về câu chữ “bán mình” mà bà dùng, tôi không thấy các cô có gì sai để bà dùng câu chữ tương đối nặng nề như vậy??

Chồng Hàn Quốc, Đài Loan chắc gì tệ hơn chồng Việt? Nghèo, thưa bà, thì phải lấy chồng giàu, lấy chồng nghèo thì cả hai ăn gì thưa bà? Hay cưới về dăm bữa là chì chiết cấu xé nhau khi nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày một lớn dần?

Giờ đâu còn là thời của một túp lều tranh, hai quả tim vàng?

Các cô gái, nếu thạo tiếng Hàn Quốc thì sẽ gặp gỡ nói chuyện tìm hiểu, ngặt nỗi họ không hiểu tiếng nhau, thì cô gái phô nhan sắc cơ thể, chàng trai xòe tập bạc, thế là hiểu nhau nhanh hơn, tuy phải trình diễn giống món hàng, nhưng đó là cách họ mưu cầu hạnh phúc.

Mẹ các cô gái Miền Tây lấy chồng Hàn Quốc tuy có ba hoa khoe khoang với xóm giềng về tiền bạc, nhưng các cô gái lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan đó đáng được trân trọng.

Bà nói : “Tôi thấy không ổn lắm. Họ đang hạ thấp danh dự và nhân phẩm của người phụ nữ chúng ta. Một số tổ chức ở Hàn Quốc họ nói rằng: “Nếu tiếp tục gửi những phụ nữ rẻ mạt thế thì họ không nhận nữa”. 

Tôi hoàn toàn không thấy có vấn đề gì về danh dự hay nhân phẩm ở đây. Họ không ăn cắp, không làm hại ai. Với tôi, họ hoàn toàn lương thiện.

Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, Bác Hồ đã nói như vậy.

Tìm đến ánh sáng, hướng đến cái cao quý tốt đẹp, nỗ lực từ tận đáy lòng để cải thiện chất lượng sống là bản năng vô cùng thánh thiện mà Thượng đế đã ban cho, không chỉ con người.

Không gì công chính hơn nỗ lực bằng mọi giá để cải thiện cuộc sống, chẳng phải là thứ mà 6 tỷ con người trên quả đất này đang đổ mồ hôi và máu để có được sao thưa bà?

Tôi sẽ không phán xét cách thức họ lựa chọn để cải thiện cuộc sống của họ? Ngay cả khi họ tự lột quần áo? Họ đâu có làm việc đó ở nơi công cộng, họ ở phòng kín và chỉ các ông chồng tương lai của họ được quyền phán xét.

Bà nói: Điển hình như năm 2007, hơn 118 cô gái Việt Nam sẵn sàng lột quần áo trước mặt 8 người đàn ông Hàn Quốc để lựa chọn. Đây không phải là chồng chọn vợ, mà đó chính là những kẻ buôn người chọn đưa sang Hàn Quốc.”

“Đây là hiện tượng trái với đạo lý, đạo đức của người Việt Nam. Con người trở thành món hàng buôn bán là vấn đề đau lòng”.

Mưu cầu hạnh phúc là quyền của con người, và chúng ta chỉ có thể phán xét tính chất của một hành vi, chứ không có quyền phán xét nội dung của hành vi đó.

Tức là miễn họ không ăn cắp, không đâm thuê chém mướn, không buôn lậu trốn thuế... Tóm lại là không làm những hành vi gây tổn hại đến quyền lợi của cộng đồng, thì mọi hành vi còn lại đều là lương thiện.

Mà đã là lương thiện, thì không lên gán ghép "đạo đức" vào đây? Bà đã thấy mình thiếu vị - tha đến thế nào chưa?

Họ cởi quần áo của họ, chứ có cởi quần áo của các anh các chị hay của con cái, vợ chồng các anh các chị đâu mà trách họ? Họ cởi trong phòng kín, chứ đâu có làm vậy nơi nhà hát quảng trường??

Bà nói: “Điểm chung là lúc đầu họ không nhận ra được mình là nạn nhân hay nhận ra địa vị mình ở xã hội. Khi sang nước ngoài thì thất vọng vì không như mộng tưởng ban đầu?”.

Nếu đã công nhận bà không có tư cách phán xét cách thức cải thiện cuộc sống của người ta, thì bà cũng chả việc gì lo ngại cho những rủi ro (nếu có) của họ, vì suy cho cùng ở đâu chẳng có rủi ro và bản thân họ, chứ không ai khác, sẽ chịu trách nhiệm cho những rủi ro đó.

Dù gì thì dù, những cô gái này xứng đáng nhận của tôi sự trân trọng, vì như tôi đã nói, họ can đảm hơn số đông, và ý chí vươn đến cái đẹp, vươn đến ánh sáng của họ thật đáng để ngưỡng mộ.

Bà nói: “Tôi nghĩ truyền thông giáo dục là rất quan trọng. Cần làm rõ cho người phụ nữ hiểu việc đi ra nước ngoài sẽ có những khó khăn, phức tạp, không đơn giản ra đi là sẽ đổi đời”.

Bà nói vậy rất đúng theo sách vở, nhưng bà đã về Miền Tây chưa? Bản thân tôi đã đi miền tây nhiều lần và chứng kiến nhân dân ở đó tương đối nghèo, phần nhiều các anh trai miền Tây rất hay nhậu, và uống rất nhiều, họ rảnh lúc nào là gài độ nhậu lúc đó, và các cô gái gần chắc sẽ khó có hạnh phúc nếu lấy một trong những anh bợm nhậu như vậy, họ đâu có phải lấy Hàn Quốc, Đài Loan khi có anh hoàng tử đẹp trai chờ họ trên BMW đưa họ đi ăn nhà hàng mỗi tối cuối tuần?

Miền tây với nhiều cô gái nghèo, giống như một ngôi nhà mái lá hẹp, và nhiều người nỗ-lực muốn thoát ra, khi đã thoát được, họ vui vẻ.

Hạnh phúc họ không chắc được hưởng, Không phải cho họ, cho con cháu họ.

Dù bằng cách nào, thậm chí khỏa thân như bà thấy, thì đều là những nỗ lực để cải thiện, và khi nhìn lại, họ hài lòng và ko hổ thẹn với bất kì ai.

Hãy trân trọng điều đó, họ đáng được như vậy. Và tôi hoàn toàn đồng ý với câu cuối cùng của bà:

“… hạnh phúc không ai ban tặng cho mình cả, mà phải tự xây dựng hạnh phúc.”

Nguyễn Quảng (gửi từ Anh quốc)

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 


Ý kiến của bạn