Vụ việc xảy ra vào ngày 23/6, đi ngược lại với những tuyên bố trước đó của giới chức quốc phòng Mỹ và Qatar rằng hệ thống phòng thủ đã hoạt động hiệu quả.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Parnell, cho biết: "Một tên lửa đạn đạo của Iran đã tấn công vào căn cứ Không quân Al Udeid, trong khi các tên lửa còn lại bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không của Mỹ và Qatar". Rất may, phía Iran đã phát cảnh báo sớm trước khi tấn công.
Ảnh vệ tinh sau vụ việc cho thấy một mái vòm radar trị giá khoảng 15 triệu USD bị phá hủy. Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn nằm ở chỗ Mỹ đã phải sử dụng gần 20 tên lửa đánh chặn Patriot để bảo vệ căn cứ, mỗi quả có giá tới 4 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng chi phí tên lửa đánh chặn trong vụ này đã lên đến hàng chục triệu USD.
Loại tên lửa mà Iran sử dụng là Fateh-313, không phải là mẫu hiện đại nhất trong kho vũ khí của nước này. Thế nhưng, việc nó vẫn có thể xuyên thủng hệ thống Patriot cho thấy những hạn chế nghiêm trọng của lá chắn phòng không Mỹ.
Đây không phải là lần đầu hệ thống Patriot bị đặt dấu hỏi về hiệu quả. Năm 2017, Patriot từng được triển khai để đánh chặn tên lửa do phiến quân Yemen phóng vào sân bay quốc tế King Khalid (Saudi Arabia). Dù khi đó phía Saudi tuyên bố đánh chặn thành công, nhưng hình ảnh vệ tinh và phân tích độc lập sau đó lại cho thấy tên lửa vẫn rơi trúng mục tiêu.
Chuyên gia Jeffrey Lewis, thuộc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) người từng điều tra các vụ tấn công tương tự, thẳng thắn nhận xét: "Chính phủ đôi khi nói sai hoặc bị hiểu sai về khả năng của các hệ thống này. Và điều đó thật đáng lo ngại".
Tại Ukraine, hệ thống Patriot cũng không mang lại hiệu quả rõ rệt. Chúng liên tục bị tổn thất nặng nề trước các cuộc tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm Iskander-M của Nga.
Phát ngôn viên Không quân Ukraine Igor Ignat, cho biết: "Tên lửa Iskander có khả năng đổi hướng ở giai đoạn cuối và thả mồi nhử, khiến hệ thống Patriot không thể xác định đúng mục tiêu". Trên thực tế, đã có nhiều đoạn video cho thấy hệ thống Patriot bị phá hủy hoàn toàn trong các cuộc tấn công tại Ukraine.
Việc liên tục sử dụng Patriot để đánh chặn ở cả Ukraine lẫn Trung Đông đã khiến kho tên lửa đánh chặn của Mỹ cạn kiệt nghiêm trọng. Theo một báo cáo gần đây, kho dự trữ chỉ còn khoảng 25% so với mức Lầu Năm Góc cho là cần thiết để duy trì năng lực phòng thủ cho các lực lượng Mỹ ở châu Âu, Trung Đông và khu vực Thái Bình Dương.