Triệu chứng
Bệnh lậu thường có hai giai đoạn: lậu cấp và lậu mạn tính.
• Lậu cấp tính: Ở nam giới, sau thời gian ủ bệnh có triệu chứng như: đau dọc theo niệu đạo, rát, nóng, buốt khi đi tiểu. Mủ tự chảy ra hoặc đái ra lẫn với nước tiểu (nước tiểu đục). Mủ đặc có màu vàng. Còn ở nữ giới, thời gian ủ bệnh rất khó xác định vì các triệu chứng lậu ở phụ nữ rất kín đáo, nhất là bệnh biểu hiện ở âm đạo, cổ tử cung. Có thể thấy có đái dắt, đau vùng xương mu sau khi giao hợp. Khám thấy viêm niệu đạo, cổ tử cung, viêm âm hộ, âm đạo (viêm tấy đỏ, có mủ).
• Lậu mạn tính: Ở nam giới có biểu hiện như: đái dắt, đái buốt, ít khi thấy đái mủ, có thể thấy chất nhầy như nhựa chuối chảy ra ở niệu đạo vào sáng sớm, lúc ngủ dậy, khi đi tiểu. Còn ở phụ nữ đa số bệnh lậu chuyển sang giai đoạn mãn tính ngay từ đầu, có rất ít triệu chứng ngoài dấu hiệu ra khí hư màu vàng.
Nguyên nhân
Tác nhân gây nên bệnh lậu là song cầu khuẩn neisseria gonorrhoeae lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây qua việc dùng chung khăn tắm, quần áo lót có dây mủ niệu đạo, âm đạo của người bị lậu.
Cách phòng chống
• Chung thủy một vợ một chồng.
• Quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su cho những lần quan hệ là rất cần thiết, nhưng phải biết sử dụng đúng cách.
• Hiện nay việc điều trị lậu còn gặp nhiều khó khăn do đặc tính dễ tái phát và đặc biệt là khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lậu. Để có thể điều trị dứt điểm bệnh này, bệnh nhân nên đi khám ngay ở cơ sở y tế đủ điều kiện khi nghi bị mắc bệnh lậu, không nên tự động dùng bất kỳ loại kháng sinh gì khi chưa có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa da liễu.