Đã từ rất lâu nay, tại những khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra các vụ án liên quan tới việc “cầm đồ thuốc độc”. Đó là một hủ tục tồn tại dai dẳng, phức tạp và những ai bị nghi cầm đồ thuốc độc, nếu không bị dân làng giết dã man thì cũng bị đánh đập tàn bạo, hoặc phải trốn biệt xứ khỏi làng. Lợi dụng hủ tục này, nhiều thầy cúng, thầy bói lừa gạt lấy tiền người bệnh và làm tăng thêm sự mê tín, nghi kỵ thù hận giữa người dân với nhau.
Giải “đồ độc” để chữa bệnh
Đinh Thị Sí nhận án tại phiên tòa lưu động. |
Tuy nhiên sau đó, bệnh tình của ông Hút ngày càng nặng thêm và cuối cùng dẫn đến tử vong. Cho đến bây giờ, cơn bạo bệnh của anh Đinh Văn Thủy (27 tuổi, ngụ xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà) vẫn chưa hết. Tiền mất tật mang, nợ nần chồng chất vì tin lời Sí giải “đồ độc”.
2 năm qua, với thủ đoạn hành nghề coi bói, thầy cúng, Sí đã lợi dụng sự mê tín dị đoan thu lợi bất chính của nhiều người dân. Gần 10 gia đình có người đau ốm đã đến tìm Sí xem bói. Tại đây, Sí bảo người nhà của người bệnh đưa tờ tiền mệnh giá 20.000đ nhúng vào chén rượu để xem bói. Sau khi đọc vài câu “thần chú”, Sí phán gia đình bị kẻ xấu bỏ “đồ độc” trong vườn nên gia đình có người bị đau ốm và chết. Sí còn phán rằng muốn hết bệnh thì phải tìm được “đồ độc” mà chỉ có Sí mới tìm được. Sau khi nạn nhân rước về nhà giải bệnh, Sí giấu một bịch nilông gọi là “đồ độc” vào túi áo, lợi dụng trong lúc ra vườn đào tìm, Sí lén lấy ra và bảo đã tìm được túi “đồ độc”. Sau đó, Sí lên đèn làm lễ cúng giải bệnh. Mỗi lần bói, tìm “đồ độc” và giải bệnh, Sí lấy mỗi người gần 2 triệu đồng. Nhiều người tin lời Sí, bệnh tình ngày càng nặng thêm.
Sau một thời gian mật phục theo dõi, Công an huyện Sơn Hà đã bắt được quả tang Đinh Thị Sí tiến hành nhiều hành vi mê tín dị đoan gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Cơ quan công an cũng đã điều tra, vạch trần bộ mặt thật của thầy cúng Đinh Thị Sí. Tại cơ quan điều tra, Sí thừa nhận mục đích xem bói của mình là để kiếm tiền. Thực tế, các gói bùa gọi là “đồ độc” là do Sí tự làm, sau đó bỏ vào ống tay áo, khi đào tìm dưới đất thì gói “đồ độc” tự rơi xuống đất. Với chiêu thức này, chỉ có Sí mới tìm được các gói “đồ độc” khi phán nó ở đâu! Mỗi lần bói, tìm “đồ độc” và giải bệnh, Sí lấy mỗi người gần 2 triệu đồng. Tổng cộng có trên 10 người bị Sí lừa đảo.
Sáng ngày 10/1/2014, TAND huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) mở phiên toà lưu động, tuyên phạt bị cáo Đinh Thị Sí 12 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Hệ lụy của hủ tục “đồ thuốc độc”
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Võ Văn Đãi - Trưởng Công an huyện Sơn Hà cho biết: “Những vụ “cầm đồ thuốc độc” là hủ tục lâu đời ở các huyện miền núi Quảng Ngãi. Theo hủ tục, người nào bị bỏ “đồ độc” thì sẽ đau ốm hoặc chết. Hủ tục này gây nên bao cảnh thương tâm, kẻ bị đánh, người bị giết. Chính từ đây xuất hiện các thầy cúng, padâu (thầy bói) lừa gạt lấy tiền người bệnh và làm tăng thêm sự mê tín, nghi kỵ căm thù giữa người dân với nhau. Công an huyện Sơn Hà đã vạch trần nhiều vụ lừa đảo này!”. Theo Công an huyện Sơn Hà thì trong năm 2012, huyện Sơn Hà xảy ra 5 vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong nhân dân gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Cũng theo con số thống kê, tại huyện Ba Tơ, từ năm 1999 đến nay có 61 vụ nghi kỵ cầm đồ độc. Các huyện như Minh Long cũng không kém. Tình hình nghiêm trọng đến mức huyện ủy Ba Tơ phải ra nghị quyết để ngăn chặn nạn này nhưng rất khó chấm dứt.
Thực chất “đồ độc” của người dân nơi đây chỉ gồm những vật như xương gia cầm, mẻ chén, sành, lông đuôi heo, huyết gà được gói lại, đem chôn vào chuồng gia súc hoặc ruộng lúa của người khác để trù, ếm. Nhà nào bị “đồ độc”, nếu không cúng thì đau ốm và cầm chắc mất mạng (?). Đôi khi chỉ cần một câu khoác lác “tao có đồ đấy” là người nói không thể yên thân vì bị cộng đồng hợp lực trừ khử, kéo theo hệ lụy cho gia đình... bởi với người dân nơi đây thì nỗi ám ảnh, sợ hãi thiên nhiên như là một phần của thế giới tâm linh người miền núi nên chỉ cần bắt gặp một ánh mắt hoài nghi, một câu nói vô tình, một suy nghĩ nhuốm màu huyền bí ập đến cũng đủ làm họ lo sợ, tìm cách chế ngự để bảo vệ mình, xem việc trừ khử người “cầm đồ” như là chuyện tất yếu, mà nghiệt ngã thay, kiểu hành xử đó lại được cộng đồng làng đồng thuận. Thế là mâu thuẫn, ganh ghét nhau là tìm cách vu cho người kia có “đồ” để hãm hại. Nỗi sợ hãi treo lơ lửng trên đầu những người bị nghi có “đồ độc”. Ở làng không bị đánh, bị giết thì họ cũng bị cô lập. Có người tự cứu mình bằng cách trốn vào rừng.
Đó toàn là những chuyện đau lòng, nhức nhối mà kết cục là án mạng, là thương tích. Bất chấp kỷ cương, luật pháp, nhiều người làm theo bản năng, theo tiếng gọi hoang dã, truyền đời để hành xử với việc “cầm đồ thuốc độc”. Nhiều người dân cho rằng, nạn này có từ Pháp đô hộ, là con đẻ của thực dân nhằm chia để trị. Khi họ đã quyết trừ khử thì khó lòng ngăn cản, ngay cả khi chính quyền có mặt.
Chính từ nhận thức lạc hậu ở một số vùng, khi bị đau ốm không đến bệnh viện mà lại tìm đến thầy bói, thầy cúng đã làm gia tăng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc lực lượng công an vạch trần các đối tượng thầy cúng, thầy bói lừa đảo trên thì từng cán bộ, đảng viên cũng như chính quyền địa phương phải quán triệt nhận thức về nghi kỵ cầm đồ cũng như nạn bói toán, mê tín dị đoan, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân và đẩy mạnh công tác y tế chăm sóc sức khỏe người dân.
Bài, ảnh: Gia Ly