Hà Nội

Lật lại hồ sơ vụ lan truyền sốt rét không do muỗi

17-10-2014 14:00 | Thời sự
google news

Mối quan hệ giữa sốt rét - muỗi lần đầu tiên được nhắc đến bởi Sir Ronald Ross, người Anh gốc Ấn vào năm 1897 khi ông phát hiện ra ký sinh trùng trong bụng một con muỗi.

Mối quan hệ giữa sốt rét - muỗi lần đầu tiên được nhắc đến bởi Sir Ronald Ross, người Anh gốc Ấn vào năm 1897 khi ông phát hiện ra ký sinh trùng trong bụng một con muỗi. Sau hơn một thế kỷ, nguy cơ gây bệnh sốt rét đã và đang “tiến hóa”, không chỉ do muỗi mà còn do những nguyên nhân ít ai ngờ khác, đó chính là yếu tố con người.

Môi chất gây bệnh đang tiến hóa?

Năm 1995, một thương gia người Đài Loan sau khi từ Nigeria trở về đã mang theo bệnh sốt rét cho đồng loại, nơi căn bệnh sốt rét đã từng được thanh toán từ đầu thập niên 60 ở thế kỷ trước. Hai tuần sau khi nhập viện, vị thương gia này đã truyền sốt rét sang cho 4 người khác với các triệu chứng y chang những ca sốt rét truyền thống. Cả 5 bệnh nhân này không hề dùng chung kim tiêm hoặc phơi nhiễm môi trường lây nhiễm. Tất cả đều được điều trị trong cùng một bệnh viện. Ban đầu, người ta tình nghi muỗi từ phòng bệnh hoặc có trên máy bay đã đốt doanh nhân nói trên rồi truyền sang cho người khác. Giả thiết trên buộc người ta phải gom muỗi trong bệnh viện và những vùng xung quanh để xét nghiệm nhưng vẫn không phát hiện dấu vết khả nghi, thậm chí người ta còn phát hiện thấy ký sinh trùng ở 2 người nữa, đưa tổng số lên 7 trường hợp.

Truyền dịch là một yếu tố liên quan tới lây truyền bệnh sốt rét. Ảnh: TL

Một chiến dịch điều tra mới tiếp tục được mở rộng, trong đó có cả việc kiểm tra tiền sử của tất cả những người này. Kết luận cuối cùng cho thấy, những người mắc bệnh sốt rét hoàn toàn không do muỗi gây ra. Thậm chí qua kỹ thuật quét CT (chụp quét cắt lớp vi tính), thủ thuật ghi hình y học hiện đại nhất hiện nay phát hiện thấy có các triệu chứng sốt rét tiến triển trong thời gian 11 - 16 ngày. Hiện tượng bùng phát ổ dịch nói trên ở Đài Bắc hội tụ một số yếu tố bí ẩn, như mầm bệnh được mang từ nước ngoài, hiện tượng điện giải của cơ thể, yếu tố của công nghệ y học... Trong mẫu máu của những người này đều có chứa ký sinh trùng sốt rét, 4 trong số này đã bị tử vong do biến chứng. Sau khi sàng lọc, loại bỏ hết các nguyên nhân và có tính đến yếu tố căn bệnh sốt rét đã được thanh toán cách đây 20 năm ở Đài Loan, giới y học cho rằng rất có thể dịch sốt rét đã lây truyền trực tiếp qua đường máu nhiễm bệnh.

Sốt rét không do muỗi có từ bao giờ?

Sự kiện trên làm cho dư luận nhớ đến những sự kiện tương tự đã từng diễn ra trong quá khứ. Đây là hiện tượng đã từng được y văn thế giới đề cập. Theo đó, hiệu ứng nhiễm ký sinh trùng ngay trong bệnh viện được xem là căn bệnh khá phổ biến từ những năm đầu thế kỷ 20. Có tới trên 2.000 tài liệu đề cập tới hiện tượng này, đặc biệt là cách lan truyền sốt rét nhân tạo, kể cả việc truyền máu, cấy ghép nội tạng, hoặc qua kim tiêm. Năm 1917, 4 người lính Anh đã bị nhiễm sốt rét sau khi được tiêm salvarsan để điều trị bệnh giang mai. Mặc dù kim tiêm được thay nhưng dụng cụ khác lại dùng chung nên cả 4 người này đều mắc bệnh sốt rét và cuối cùng làm cho các binh lính Anh thiệt mạng vì sốt rét. Sự cố trên giống như những ca nhiễm sốt rét ở Đài Loan năm 1995. Tại Venezuela, năm 1987 có 5 ca bị sốt rét cũng do dùng chung kim tiêm kháng sinh và dịch tĩnh mạch. Một lọ heparin đa liều đã được dùng chung cho những người này và là thủ phạm gây bệnh. Sự cố dùng heparin đa liều đã nhiễm bệnh còn là thủ phạm gây ra dịch sốt rét ở Ảrập Xêút, làm 21 người thiệt mạng.

Có 2 yếu tố kết hợp làm tăng quá trình lan truyền ký sinh trùng sốt rét: một, chỉ số nghi ngờ khi chẩn đoán quá thấp hoặc bị bỏ qua, trong khi đó rủi ro mắc bệnh lại rất lớn; hai, những người được truyền dịch hoặc được cấy ghép nội tạng lại là vật chủ bị suy giảm miễn dịch trầm trọng nên nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong vì viêm nhiễm ký sinh trùng mắc phải lại rất cao. Hiện tượng phát tán ký sinh trùng không chỉ ở bệnh viện mà còn ở ngoài bệnh viện rất lớn. Ví dụ, những người nghiện ma túy hoặc những người mắc các bệnh khác dùng chung kim tiêm cũng là nguyên nhân giúp ký sinh trùng sốt rét sinh sôi nảy nở nhanh, không khác gì vòi của loài muỗi, trong khi đó ý thức phòng bệnh của người dân lại bị sao nhãng. Người ta mới chỉ quan tâm đến diệt muỗi chứ chưa chú ý đến những yếu tố lan truyền khác do chính con người gây ra.

Vài nét về bệnh sốt rét

Sốt rét còn gọi là ngã nước, là một chứng bệnh gây nên bởi ký sinh trùng Protozoa thuộc chi Plasmodium, nó lây truyền từ người sang người sau khi bị muỗi đốt. Bệnh phổ biến ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng trên 500 triệu người mắc bệnh, trong số này có tới 3 triệu người tử vong, tập trung chủ yếu ở vùng cận Sahara châu Phi. Các loài Plasmodium gây bệnh ở người được gọi chung là ký sinh trùng sốt rét. Riêng loài P. knowlesi, phổ biến ở Ðông Nam Á, lại gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể lan truyền sang người.

(Theo Discover, 9/2014)

Anh Việt

 


Ý kiến của bạn