Lật lại hồ sơ vụ án “Phá đường dây mua bán bằng giả”

25-04-2016 07:26 | Pháp luật

SKĐS - Việc mua bán bằng giả đang là vấn nạn của toàn xã hội. Mua bán bằng tốt nghiệp ngành y, dược còn mang lại sự nguy hiểm gấp vạn lần so với những ngành khác bởi liên quan đến sinh mạng con người. Năm 2013, Công an TP.HCM đã phát hiện một đường dây mua bán bằng bác sĩ, dược sĩ giả, tuy nhiên, có thể do vội vàng hay vì một lý do nào đó mà duy nhất chỉ một cá nhân phải chịu án phạt 4 năm tù. Trong loạt bài điều tra này, SK&ĐS sẽ bóc tách thêm nhiều tình tiết mới.

Bài 1: Những tình tiết chưa được làm rõ

Những dấu hỏi sau vụ án đã khép lại

Ngày 5/10/2013, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, trước đó hai ngày (tức ngày 3/10/ 2013), Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh cho biết đã thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với Hồ Quang Hải (ngụ tại số 279/14 đường Vĩnh Viễn, P5, quận 10), nguyên giảng viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngày 29/5/2014, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 186/2014/HSST ngày 21/4/2014 đối với bị cáo Hồ Quang Hải. Hồ Quang Hải bị kết án 4 năm tù giam vì tội đã làm bằng đại học y khoa và ngành dược giả, bán cho 4 người có tên trong bản án (nhưng không bị kết án do chưa sử dụng những tấm bằng này). Tổng cộng số tiền mà Hồ Quang Hải lấy được từ hoạt động phi pháp là 334 triệu đồng, bị tịch thu, sung công quỹ. Vụ án nhanh chóng được khép lại sau vài dòng chữ nhưng để lại trong suy nghĩ của giới thạo tin rất nhiều dấu hỏi.

Thực tế, chuyện mua bán bằng giả ngày nay không phải là chuyện hiếm. Người có nhu cầu mua bằng giả nhằm rất nhiều mục đích khác nhau và kẻ bán cũng khá thị trường... Họ không chỉ giới thiệu thông qua môi giới bằng sự nhỏ to quen biết mà đăng thẳng lên các trang mạng xã hội như zalo hay facebook... thậm chí là đăng hẳn tên và số điện thoại để người có nhu cầu mua bằng có thể liên hệ trực tiếp. Giá của một tấm bằng cũng khá rẻ: khoảng tầm 5-6 triệu đồng cho một tấm bằng đại học dỏm, có khi cạnh tranh nhau chỉ với giá 4 triệu đồng/bằng. Người mua nhận được không chỉ một tấm bằng với phôi bằng thật, tem bảy màu mà còn được kèm 3-4 tấm bằng photo đã có công chứng cẩn thận và một bảng điểm đàng hoàng... Vậy tại sao Hồ Quang Hải chỉ bán có 4 tấm bằng đại học giả mà thu tới 334 triệu?

Mặt khác, chẳng lẽ cả một đường dây làm và bán bằng giả quy mô, lừa được nhiều người và thu về số tiền lớn như vậy mà chỉ có một mình Hồ Quang Hải chịu trận tất cả: từ khâu tìm kiếm “khách hàng”, thỏa thuận, cho đến “thi công làm bằng”, nhận tiền? Hồ Quang Hải thần thông quảng đại đến như vậy sao? Theo Bản án số 206/2014/2014 - Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh thì Hồ Quang Hải đã khai nhận: “Hải đã thuê 3 người tên N., L. và P. chưa xác định được lai lịch làm bằng giả. Sau khi giao bằng tốt nghiệp cho Hải, các người này trích lại cho Hải số tiền: bằng trung học từ 5-10 triệu đồng/cái; bằng đại học từ 10-15 triệu đồng/cái”. Lời khai này cực kỳ phi logic, người theo dõi sẽ hoang mang không hiểu là Hải thuê 3 người kia hay 3 người: N., L., P. thuê ngược lại Hải và liệu việc sớm kết thúc điều tra, đem Hải ra xử và kết án như vậy có để lọt người lọt tội? Mặt khác, theo lời khai trên, với số tiền 334 triệu mà Hải đã thu là từ 4 người đã mua bằng có tên trong bản án hay theo lời khai của Hải là Hải chỉ được trích khoảng từ 5-10 triệu đồng trên 1 tấm bằng thì có lẽ Hải đã bán bằng giả cho gần 40 người?

Điều đặc biệt ở vụ án này là Hồ Quang Hải không làm bằng đại trà, cho tất cả các ngành nghề mà chỉ làm bằng cho duy nhất hai ngành là ngành y và ngành dược. Mặt khác, ai cũng biết rằng không như những ngành học khác, một cá nhân khi tốt nghiệp ngành y hay ngành dược, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, muốn mở một cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hay một nhà thuốc, cần phải đáp ứng 2 điều: 1- Phải có Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật (gọi chung là chứng chỉ hành nghề). 2- Phải có Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật (gọi chung là giấy phép hoạt động). Vậy thì 4 người (hay 40 người) đã mua bằng của Hồ Quang Hải, mua về làm gì nếu không để hành nghề hay chỉ để khoe với thiên hạ? Nếu để hành nghề, họ đã “hợp thức hóa” tấm bằng của mình bằng cách nào?

Ngành y và ngành dược, một - khám chữa bệnh, một - liên quan sản xuất và kinh doanh thuốc... là ngành quan trọng, liên quan đến sinh mạng con người. Vậy rõ ràng, cách xử lý như cơ quan điều tra và tòa án theo như Bản án số 206/2014/HSST ngày 29/05/2014 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quá sơ sài và cẩu thả, để lọt người, lọt tội hay không?

Từ lá đơn tố cáo của một người bán phở

Tiếp xúc với PV báo Sức khỏe & Đời sống, anh Phan Thanh Long trình bày hoàn cảnh của anh và cũng là những gì anh đã viết trong đơn tố cáo: “Vào khoảng năm 2011, qua bạn bè, tôi có quen biết với anh Lê Văn Phúc, anh Phúc giới thiệu mình đang làm Thanh tra của Đội Vệ sinh An toàn thực phẩm - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, và thực tế tôi biết anh cũng đang công tác tại đây. Trong những lần tiếp xúc, biết tôi tốt nghiệp Trung cấp Dược, anh Phúc chủ động gợi ý với tôi sao không làm bằng Đại học Dược, anh sẽ giúp tôi để thuận lợi hơn trong công việc về sau. Anh Phúc hứa chắc chắn là bằng thật 100% (có bảng điểm, có hồ sơ gốc đàng hoàng, sau này có thời gian thì xin học nâng cao để hợp thức hóa bằng cấp trên) và chứng chỉ hành nghề. Anh Phúc đưa ra giá là 85.000.000 đồng (tám mươi lăm triệu đồng). Do quá tin tưởng vào lời hứa của anh Phúc và biết anh Phúc đã từng làm bằng cho một số người nên tôi chạy vạy vay mượn số tiền như lời anh Phúc nói. Sau đó, anh Phúc còn nói tôi đưa thêm 6 triệu và bắt tôi dẫn đi ăn nhậu nhiều lần để làm chứng chỉ hành nghề. Do anh Phúc làm trong Sở Y tế nên tôi cũng tin tưởng tiếp tục giao tiền cho anh. Sau một thời gian, anh Phúc có giao bằng cho tôi, tôi nhận bằng thì nhận thấy tấm bằng không phải như lời anh P. nói, rõ ràng là bằng giả. Cộng vào đó, anh Phúc không làm được chứng chỉ hành nghề cho tôi... Tôi liên lạc với anh Phúc để đòi lại tiền thì anh Phúc tắt máy không nghe. Sau đó, tôi được biết anh Phúc có dính dáng vào đường dây làm bằng giả của Hồ Quang Hải (vụ án này đã được đem ra xét xử vào năm 2014), tuy nhiên không biết bằng cách nào mà anh Phúc đã thoát được. Còn tôi, vì chuyện vay mượn tiền bạc đã đưa cho anh Phúc mà tôi lâm vào nợ nần cho đến nay vẫn chưa trả hết. Hiện nay, tôi thất nghiệp, vừa phải lo cho gia đình, con cái, vừa lo trả nợ mà chưa xong... Còn anh Phúc lừa gạt để lấy tiền của tôi rồi phủi tay như không có chuyện gì xảy ra”.

Cũng theo lời của anh Long: Lần chuyển tiền đầu tiên, anh mượn tiền của ba vợ chuyển ngày 8/1/2011 qua một chi nhánh của ngân hàng Đông Á, còn lần chuyển tiền thứ 2, anh nhờ anh N.D.N cùng mình đến gặp, đưa trực tiếp cho anh Phúc. Anh N.D.N sẵn sàng đứng ra làm chứng về chuyện này. Được biết anh Long cũng đã có thời gian hoạt động trong Hội Y tế tình nguyện do Hồ Quang Hải thành lập, khi được đặt câu hỏi: Tại sao không nhờ Hải làm? Long cười, biết Hải lâu nhưng thực ra không tin tưởng Hải vì Hải có khá nhiều chuyện lùm xùm quanh vấn đề tiền bạc. Dù Phúc cũng là người do Hải giới thiệu nhưng biết Phúc làm ở Sở Y tế thành phố nên tin tưởng. Long kể thêm, từ sau khi Hải bị bắt, có rất nhiều lời hăm dọa đến tai Long bắt phải im miệng. Long đành về nhà phụ vợ bán phở qua ngày, một mặt để dành dụm trả lại số tiền đã vay mượn.

Qua tìm hiểu, rất nhiều tài liệu, hình ảnh chứng cứ chứng tỏ Phúc có mối quan hệ mật thiết với Hồ Quang Hải. Vậy Phúc có phải là người mà trong Bản án số 206/2014/HSST ngày 29/05/2014 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã nêu và cho rằng “... chưa xác định được lai lịch...”. Cả anh L. và anh N.D.N (người đã giúp Long đưa tiền cho Phúc) đều khẳng định: P. trong bản án và anh Phúc làm ở Sở Y tế là một. Đến đây đã rõ, vì anh Phúc làm ở Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nên nhiều người mới tin tưởng giao tiền cho Hồ Quang Hải hay cho Phúc để làm bằng và “hợp thức hóa” tấm bằng đó bằng cách chạy ra Chứng chỉ hành nghề. Bởi vậy tấm bằng giả của đường dây này mới có giá trị và đổi lại, số tiền được ấn định mới cao như thế. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà cơ quan điều tra lại không thể tìm ra Phúc?


Điều tra của Nguyễn Tùng
Ý kiến của bạn