KỲ 2: CON “QUÁI VẬT” MANG TÊN ẢO GIÁC
Qua nhận xét của các đồng chí quản giáo và ban giám thị trại giam, từ ngày vào trại đến nay, bị can đều chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của trại, không có bất kỳ biểu hiện gì bất thường về tâm thần và bệnh tật gì khác. Các kết quả thăm khám sức khỏe tổng quát của bị can đều không có biểu hiện bệnh lý.
Cơ quan chức năng kiểm tra giám định nồng độ một loại rượu ngâm.
Một tháng trôi qua, hội đồng đã thu thập được đầy đủ thông tin liên quan đến vụ trọng án này. Chúng tôi dành một ngày để mỗi thành viên Hội đồng Giám định tự nghiên cứu và nhớ lại những trường hợp bệnh nhân do say rượu gây ra trước đây và tham khảo các tài liệu liên quan ở nước ta và nước ngoài. Tiếp sau, toàn thể hội đồng họp bàn nhận định về vụ việc và sau khi đưa ra những dữ kiện của vụ án, tham khảo các tài liệu y học trong và ngoài nước, chúng tôi thống nhất đi đến những ý kiến như sau:
Can phạm không có tiền sử về nghiện các loại như rượu, thuốc lá, ma túy hay các bệnh tâm thần và các bệnh tật gì khác. Nhân cách của bị can trước khi gây án là một học sinh được thầy, bạn và bà con địa phương công nhận là một người tốt, chăm chỉ và ngoan ngoãn trong học tập và lao động cũng như ứng xử đúng mực đối với mọi người. Bị can là một thanh niên mới lớn, không có tiền án, tiền sự. Thời gian bị giam tại trại cho đến ngày chúng tôi lấy lời khai đều không có biểu hiện bất thường về tâm lý.
Gia đình bị can là một gia đình làm nghề nông thuần khiết, có sự quan tâm đến việc giáo dục các con, luôn có quan hệ tốt với bà con nơi sinh sống, chấp hành tốt các chính sách của Nhà nước và các quy định của địa phương, được nhân dân tin cậy và gần gũi. Khi xảy ra vụ việc, gia đình đã kịp thời lên nhà thầy để chia buồn và cùng gia đình chăm lo giải quyết hậu sự cho cô và chia sẻ những khó khăn với gia đình thầy.
Mối quan hệ giữa thầy cô và bị can không có bất kỳ mâu thuẫn thù hận nào, mà là mối quan hệ thầy - trò gắn bó và gần gũi; bị can cho đến khi bị giam giữ, vẫn khẳng định thầy cô là những người mẫu mực mà bị can “mang ơn suốt đời” và dằn vặt nặng nề khi biết hậu quả do bản thân gây ra là quá lớn, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm ô nhục cho gia đình, xâm phạm nặng nề đến thuần phong mỹ tục, tôn sư trọng đạo của dân tộc, không lấy gì bù đắp được. Khi tiếp xúc, bị can cầu mong được sống để trở về với gia đình, đoái công chuộc tội, đền đáp công ơn của thầy đã dầy công dạy bảo trước đây, báo hiếu đối với gia đình và trở thành một người có ích cho xã hội.
Đây không phải vụ án xảy ra để trả thù cá nhân, cũng không có mục đích cướp của giết người, và xuất hiện khi bị say rượu, trong thời khắc rất ngắn ngủi và xuất thần, can phạm bị chi phối hành vi tàn khốc do những rối loạn thị giác gây ra mà y học gọi là ảo giác thị giác (optical illusion).
Y văn trong nước và trên thế giới đã đề cập đến tiến trình phá hủy 5 chức năng cơ thể con người do rượu (gây ung thư nhiều nơi, gây suy tim, đột qụy tim mạch, gây các bệnh lý về gan, viêm tụy cấp dẫn đến tử vong, gây suy thận vì rối loạn bài tiết, điều tiết natri, kẽm, ion clorua, mất cân bằng các chất điện giải)... Ethanol trong rượu còn gây ra các bệnh lý nặng nề ở não, mà hội chứng Wernícke Korsakoff đã mô tả. Đáng chú ý, hội chứng này nêu rõ rằng, trong phần rối loạn các giác quan mà trong trường hợp này là ảo giác thị giác (optical illusion), người say rượu nhìn thấy trước mắt mình là những con khủng long, và các loại quái vật hung dữ tấn công mình, và theo bản năng tự vệ (con người có 3 loại bản năng là bản năng tự vệ hay còn gọi là bản năng sống, bản năng ăn uống, và bản năng tình dục), người say rượu đã bột phát bản năng tự vệ để tìm mọi cách tiêu diệt đối tượng quanh mình. Và vụ trọng án đã xảy ra... Khi gây án, bị can không làm chủ được hành vi của mình.
Cho dù bị can có những tình tiết giảm nhẹ mức án (vì không có động cơ xấu, không có tiền án, tiền sự, gia đình xuất thân và bản thân là những người lương thiện). Đồng thời can phạm có sự thành khẩn, cộng tác với cơ quan điều tra và bày tỏ sự hối hận sâu sắc, lời cung khai trước sau thống nhất, mong ước được sống để có cơ hội đền ơn đáp nghĩa, trở thành một công dân có ích cho xã hội...
Nhưng, hành vi tàn bạo của bị can đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, gây chấn động dư luận xã hội, nên không được miễn trách nhiệm hình sự, mà bị can vẫn chịu trách nhiệm hình sự, và phải chấp nhận mức án thích đáng là tù chung thân, để làm bài học cho bản thân bị can và răn đe những hành vi tương tự.
Quá trình giám định luôn được sự quan tâm của lãnh đạo và các ban ngành chức năng của tỉnh cũng như các bên liên quan và được sự ghi nhận và đồng thuận vì sự công tâm, khách quan, với phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, cầu thị và sự tận tụy, trách nhiệm cao của Hội đồng trong suốt thời gian giám định, đưa đến kết luận cuối cùng có sức thuyết phục mọi người.
Biên bản giám định dài ngót 60 trang sau khi được nhất trí thông qua, kèm theo hàng chục phụ lục, đã được báo cáo Bộ trưởng,và được Bộ trưởng phê duyệt. Toàn thể Hội đồng Giám định đã đến trình bày Biên bản kết luận giám định trước Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), do ông Phạm Hưng là Chánh án TANDTC làm chủ tọa. Hội đồng Thẩm phán sau khi bàn luận đã hỏi thêm một số điểm trong kết luận ghi trong Biên bản giám định, và được giải đáp thỏa đáng. Biên bản giám định đã được TANDTC ghi nhận và sau này, phiên tòa của TANDTC đã được mở và tuyên phạt mức án chung thân đối với bị can, kèm theo điều khoản bồi thường về vật chất cho gia đình bị hại.
Thật đáng tiếc và đau lòng đối với một thanh niên mới lớn, một người con ngoan, trò giỏi, lao động tốt, chỉ trong giây phút bị ma men lôi cuốn đã gây ra tội ác động trời, sa vào vòng lao lý, mà lẽ ra tương lai tươi sáng đang mở ra, nay đã đóng sập lại tại chốn lao tù. Cái thứ ảo giác kích thích bản năng ấy, dân gian vẫn gọi là “ma men”. Bài học cay đắng này không của riêng ai!
BS. Lâm Đức Hùng