Điều dễ nhận thấy nhất trong liên hoan lần này là với gần 400 nghệ sĩ diễn viên từ các đơn vị nghệ thuật khác nhau, các thế hệ nghệ sĩ khác nhau và dù còn có những khó khăn trong đời sống thường ngày, khó khăn cả trong hoạt động sân khấu trước hoàn cảnh kinh tế thị trường song đều chung một ý thức trách nhiệm của các đơn vị nghệ thuật, đều cùng chung khát khao tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ vì sự phát triển của sân khấu nước nhà, vì một nền sân khấu đồng hành cùng dân tộc, đi cùng với nhân dân của mình.
27 vở diễn với đề tài phong phú đã cho thấy sân khấu kịch nói chúng ta không đánh mất chức năng là mũi nhọn đi vào cuộc sống đã phần nào nói được những điều nhân dân nghĩ, nhân dân muốn, nhân dân quan tâm và bằng ngôn ngữ sân khấu mang tính đặc trưng loại hình đã có những đóng góp mới trong tiến trình phát triển của sân khấu kịch nói nói riêng và sân khấu nước nhà nói chung.
Những ghi nhận thành công qua các vở diễn
Nghệ thuật là sự tìm tòi, phát hiện, sáng tạo và sự tìm tòi sáng tạo không hẳn phụ thuộc vào đơn vị nghệ thuật lớn hay nhỏ, có đầu tư của Nhà nước nhiều hay ít, công lập hay xã hội hóa bởi tìm tòi sáng tạo luôn bắt đầu từ những cá thể trong các thành phần sáng tạo.
Những tác phẩm thành công trong Liên hoan lần này là sự đồng bộ thống nhất của các thành phần sáng tạo đem đến cho tác phẩm có tính thuyết phục qua phát hiện và lý giải những vấn đề, những mâu thuẫn trong đời sống xã hội và bằng ngôn ngữ đặc trưng sân khấu đã xây dựng được hệ thống nhân vật, cốt truyện chặt chẽ, tạo ra được hành động sân khấu hấp dẫn, dẫn khán giả tới được thông điệp của vở diễn tìm được sự đồng cảm và chia sẻ giữa tác phẩm và người xem.
Giải thưởng trao cho Tác giả, Đạo diễn, Họa sĩ, Nhạc sĩ, Đạo diễn trẻ xuất sắc.
Có vở diễn xây dựng xung đột kịch giữa nhân cách cao thượng và thấp hèn ngay trong những ngày bom đạn giữa rừng Trường Sơn đã chạm vào cảm xúc người xem khiến có những giọt nước mắt trào ra tại khán phòng. Sự đồng cảm và chia sẻ ấy, những giọt nước mắt ấy rửa sạch tâm hồn để khán giả và sân khấu xích lại gần nhau hơn.
Có vở diễn lách vào những góc khuất tâm hồn thể thấy qua cuộc đi tìm hạnh phúc trong một vở diễn kịch tâm lý về tình yêu, nhưng không sa vào mô tả nó, mà từ câu chuyện với cái kết bất ngờ biến vở diễn tâm lý vươn tới tính luận đề có được thông điệp: những khát khao mong muốn thật sự dù chân thành vẫn có thể không đạt được và hãy tin yêu, là mình, đứng vững trên chính đôi chân của mình chắc chắn sẽ tìm được điều mong muốn.
Có vở diễn đi thẳng vào mâu thuẫn trong xã hội hiện nay là xung đột giữa phát triển kinh tế và môi trường để từ đó chỉ ra đạo đức công vụ của người có chức quyền qua cách giải quyết phải gắn với quyền lợi của nhân dân hay với quyền lợi cục bộ mang tính nhóm lợi ích.
Có vở diễn sử dụng kịch bản đã được nhiều đơn vị dàn dựng, song bằng cách nhìn mới từ chân đứng hôm nay đã có những tìm tòi, sáng tạo qua biên tập và dàn dựng đã thổi vào trong kịch bản vốn mang tính giả định và luận đề hơi thở của của đời sống hiện tại, tạo ra một tác phẩm độc đáo, đặt được dấu hỏi đầy trăn trở trong tâm trí người xem.
Có vở diễn mang màu sắc kịch lịch sử nhưng không minh họa lịch sử mà từ một sự kiện lịch sử, cả vở diễn cắt nghĩa sự kiện ấy để tìm ra một bài học từ mấy trăm năm trước nối tới hôm nay khi bàn đến quyền lực và sử dụng quyền lực, về xung đột giữa tài năng và sự đố kỵ có lẽ thời nào cũng tồn tại.
Những vấn đề cần đặt ra trong liên hoan lần này
Về kịch bản: Những vở diễn thành công đã có một kịch bản tìm đến người hơn là tìm đến chuyện với con mắt xuyên thấu tới những góc khuất tâm hồn để có những nhân vật sinh động và bật được ra những vấn đề quan thiết trong cuộc sống đang xảy ra quanh ta khi mà bản chất của văn học là nhân học. Rất tiếc, bên cạnh những thành tựu góp phần làm nên những vở diễn xuất sắc nói trên, vẫn còn những mô típ quen thuộc như chiến tranh và hậu chiến mà trong đó người tốt trong chiến tranh sau hậu chiến thành những người gặp khó khăn, khốn khó, và ngược lại, kẻ xấu trong thời bom đạn sau thường trở thành lãnh đạo, đại gia thành đạt!
Khác với những vở diễn thành công, một số vở diễn chưa thành công thường thiếu vắng ngôn ngữ của chính nhân vật thay bằng những lời giải thích, kêu gọi của tác giả qua nhân vật.
Một số kịch bản mỏng về sự kiện, thiếu một thông điệp rõ ràng được tác giả bổ sung tình tiết nhưng tình tiết bổ sung chuội ra khỏi đường dây của hành động kịch để hướng tới thông điệp kịch đã trở nên vô lý, áp đặt chủ quan không theo sự phát triển của tâm lý nhân vật và hành động kịch đã trở nên thiếu tính thuyết phục. Vì mỏng và không xử lý tình huống, sự kiện, nhân vật nên tác phẩm rối, chỉ là khái niệm như thông tin báo chí, liệt kê những chuyện có trong đời sống nhưng thiếu sự phân tích lý giải hiện tượng qua ngôn ngữ mang tính đặc trưng sân khấu.
Ngược lại với không ít kịch bản mỏng về tình huống và đời sống nhân vật là có kịch bản ôm đồm, khiến vở diễn như hai vở lắp ghép khi mà phần một chuyện kịch xảy ra tại vùng ven thành phố với cái kết là sự anh dũng hy sinh rất đẹp của nhân vật để toát lên tinh thần yêu nước bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng của đồng bào. Đến phần hai sau giải lao không gian kịch lại hoàn toàn ở thành phố với hoạt động của đội biệt động thành với phong cách kịch tâm lý về tình yêu của 2 người bạn trên hai chiến tuyến, tình cha con cũng trên hai trận tuyến.
Vấn đề kịch bản có lẽ là vấn đề nổi cộm nhất, tốn nhiều thời gian và giấy mực trao đổi nhất được đặt ra không chỉ trong Liên hoan lần này.
Về nghệ thuật dàn dựng: Trước những kịch bản mỏng, cũ và nghèo, đạo diễn dường như phải gồng lên bằng trò diễn, bằng những phương tiện ngoài sân khấu để bù đắp cho sự thiếu hụt nhưng rõ ràng bột chưa tốt, dù có gồng cách mấy cũng khó có thể thành hồ có giá trị.
Trong khâu dàn dựng là có hiện tượng đạo diễn trọng trò vốn không thể thiếu trong vở diễn song lại quên đi tính thống nhất và thông điệp của vở diễn dù rằng từng miếng trò có thể có hiệu quả nhưng tách ra khỏi tính cách nhân vật và hành động kịch khiến vở diễn trở thành tùy tiện, thiếu hoàn chỉnh khi nhìn tổng thể.
Đã có sự lặp lại chính mình, lặp lại mảng miếng đến nhàm chán của đồng nghiệp khi mà nghệ thuật vốn là sự sáng tạo, tìm tòi cái mới qua việc giải mã kịch bản bằng nhân vật và hành động trên sàn diễn.
Về nghệ thuật diễn xuất: Chúng ta thấy rất rõ hai phong cách diễn xuất khác nhau trong Liên hoan. Đó là cách diễn nhấn nhá câu chữ trong lời thoại và cách diễn tự nhiên như đối thoại trong đời sống thường nhật. Quan trọng không hẳn là cách nào hiệu quả hơn bởi khi lời thoại nhân vật có tính hành động, nhân vật có “lý lịch”, tính cách và đời sống nội tâm thì diễn theo cách nào cũng đều gây được hiệu quả. Thiếu những điều trên, nhấn nhá sẽ thành giả tạo và đối thoại chỉ như đời thường sẽ thành tự nhiên chủ nghĩa gây nhàm chán.
Tuy nhiên, sáng tạo của diễn viên phụ thuộc vào nhân vật trong kịch bản và ý đồ đạo diễn trong dàn dựng nhưng có lẽ nào diễn viên trở thành nạn nhân của kịch bản mà trong đó nhân vật không có đời sống riêng, có lẽ nào diễn viên lại trở thành con rối trong tay đạo diễn trong đôi ba tác phẩm.
Rất tiếc trong Liên hoan lần này có không ít nghệ sĩ tài năng nhưng gặp phải vai diễn thiếu đời sống nhân vật như đang điều khiển chiếc xe phân khối nhỏ, lượng xăng hạn chế nên không thể đến được đích dẫu đó là “tay lái lụa”!
Về âm nhạc và thiết kế mỹ thuật sân khấu: Thiết kế mỹ thuật sân khấu dường như chưa có sự đột phá, với hiệu quả tích cực cho hành động kịch mà phần lớn chỉ mô tả không gian kịch khiến cảm xúc người xem bị băm ra trong những khúc thay cảnh quá dài. Sân khấu đang cần hơn những thiết kế mỹ thuật phù hợp với hình thức nội dung, thể tài kịch bản. Có trường hợp vở diễn rất thành công trên nhiều phương diện nhưng thiết kế mỹ thuật không thích hợp đã phá vỡ tính chân thật của vở diễn khi hành động kịch đáng phải xảy ra ở chỗ này lại phải diễn ra ở một không gian khác. Sân khấu tả thực và sân khấu tả ý cách điệu trong thiết kế mỹ thuật nhiều khi không thống nhất một phong cách cũng dễ gây phản cảm cho người xem.
Đã có những thành công của âm nhạc sân khấu song có lẽ do kinh phí hay vì lý do nào đó mà nhạc chọn trong Liên hoan lần này có chiều hướng lạm phát chỉ với mục đích chuyển cảnh hoặc nhạc - tiếng động chỉ để có nhạc và tiếng động.
Cảnh trong vở Rặng trâm bầu.
Nên chăng cần có cách nhìn đúng hơn về vai trò của thiết kế mỹ thuật và âm nhạc trong vở diễn.
Về khán giả và những hình thái sân khấu khác nhau: Khán giả là một thành phần của sân khấu, không có khán giả sẽ không có vở diễn. Khi xã hội càng phát triển, nhu cầu thưởng thức của khán giả càng đa dạng và sân khấu chúng ta tất nhiên phải đáp ứng mọi nhu cầu của mọi đối tượng khán giả. Các dạng và thể tài sân khấu như vở diễn giải trí, kịch tâm lý, kịch luận đề hoặc sân khấu công lập hay sân khấu xã hội hóa đều được trân trọng như nhau. Điều đáng mừng là sân khấu xã hội hóa đã có khán giả của riêng mình khi mỗi điểm diễn đều có đối tượng khán giả riêng của mình với kịch mục đa dạng trong cùng một thời gian nhất định. Sân khấu công lập ngoài số ít đơn vị có nhiều vở diễn trong tuần vẫn duy trì phương thức tổ chức biểu diễn cũ là vở diễn mới diễn một đợt liên tục khi vãn khán giả là xếp kho quả là điều bất cập. Sân khấu xã hội hóa không được tài trợ tất nhiên không thể thiếu mục đích kinh tế song tại Liên hoan lần này không thiếu những vở diễn hướng tới nhiệm vụ chính trị với những tìm tòi nghệ thuật hiệu quả là điều đáng ghi nhận và trân trọng.
Tuy nhiên, vì sự phát triển sân khấu, sự cân bằng giữa các dạng, thể tài trong kịch mục chung trên cả nước cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Chỉ hướng tới một đối tượng khán giả vì lý do kinh tế bất chấp những giá trị và đặc trưng loại hình sẽ kéo lùi sự phát triển. Chỉ quan tâm tới giá trị nghệ thuật có tính học thuật song không đến được với đông đảo công chúng cũng sẽ kéo lùi sự phát triển bởi khác với các sản phẩm trong xã hội, hàng hóa làm ra chưa bán được vẫn là sản phẩm trong khi vở diễn cũng là một sản phẩm dù hoàn thành, được cấp phép lưu hành ra thị trường nhưng “sân khấu tối đèn” vẫn chưa phải là một sản phẩm như đã nói trên.
Những kiến nghị: Qua các vở diễn, HĐNT LHSKKN mong mỏi các đơn vị sân khấu khi dàn dựng vở diễn phải bắt đầu từ kịch bản và mời đạo diễn phù hợp với kịch bản chứ không từ những mối quan hệ. Các đạo diễn lẽ nào vì bất cứ lý do nào đó nhận dựng những kịch bản mình không tâm đắc hoặc cùng lúc nhận dựng nhiều vở diễn khác nhau khiến thiếu thời gian suy ngẫm sáng tạo. Bên cạnh đó, phần lớn các đơn vị nghệ thuật sân khấu hiện nay đang thiếu những biên tập viên như những người giám sát công trình dù rằng đơn vị nào cũng có phòng ban nghệ thuật.
Mỗi vở diễn là một sản phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng chứ không chỉ có mục đích tham gia liên hoan sân khấu, vì vậy thiết nghĩ nên đầu tư thỏa đáng cho tác phẩm và không vì bệnh thành tích với tâm lý “màu cờ sắc áo” qua các giải thưởng bởi mọi sáng tạo tìm tòi đều có thể thành công hay chưa thành công. Những đơn vị sân khấu xã hội hóa ngoài những vở giải trí, thiết nghĩ cũng cần được đầu tư cho những tác phẩm mang tính định hướng cho sự phát triển sân khấu.