Lát cắt... nhạc sến

28-02-2015 13:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không rõ từ “sến” xuất hiện từ khi nào trong lĩnh vực âm nhạc, “sến” là một tính từ khá nhạy cảm và thường bị giới chuyên môn nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực.

Không rõ từ “sến” xuất hiện từ khi nào trong lĩnh vực âm nhạc, “sến” là một tính từ khá nhạy cảm và thường bị giới chuyên môn nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực. Thực ra chưa có một quy chuẩn nào để định nghĩa về nhạc sến. Người ta chỉ có một quy ước khá chung chung, những bản nhạc được sáng tác trước năm 1945 đều là... nhạc sến. Và đến nay, nhận định chủ quan này vấp phải rất nhiều phản ứng trái chiều.

Chỉ là “quy chụp”?

Mở màn sự tranh cãi có lẽ xuất phát từ quan điểm của nhạc sĩ Quốc Trung về chủ đề nhạc sến: “Những thanh niên trí thức trẻ tuổi, sành điệu nhưng lại đắm đuối với nhạc sến liệu có gọi là bình thường?”. Người nhạc sĩ này chỉ đặt ra một câu hỏi và nhường phần trả lời cho công chúng. Nhưng bấy nhiêu cũng thể hiện rõ sự kỳ thị ít nhiều mà Quốc Trung dành cho các “tín đồ” của nhạc sến. Vị nhạc sĩ này cũng đưa ra những dẫn chứng khá thuyết phục. Anh cho rằng, âm nhạc hay nghệ thuật là bộ mặt của xã hội, nó gắn liền với lịch sử và tâm lý con người của xã hội đó. Sự mất mát, chia ly trong thời chiến cùng với lịch sử văn hóa nghệ thuật dân gian đã tạo nên những dòng nhạc mà đa phần là những ca khúc ủy mị, thê lương trước đây. Nó có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc thì đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội...”.

Danh ca Bảo Yến dành cả cuộc đời nghệ thuật của mình cho dòng nhạc trữ tình.

Thể hiện sự ủng hộ với đồng nghiệp, nhạc sĩ Huy Tuấn cũng lên tiếng: “Ca sĩ đua nhau hát nhạc sến là a dua, thiếu nhận thức”. Ngay lập tức, những nghệ sĩ khác đều có sự phản ứng theo nhiều mức độ, nhưng gay gắt và mạnh mẽ nhất là ca sĩ Long Nhật. Không chỉ bênh nhạc sến, anh thậm chí còn “xoáy” thẳng vào những quan điểm phản đối dòng nhạc này: “Chỉ có người không bình thường mới nghĩ vậy...”.

Thật ra, nếu cứ mải đôi co ai đúng ai sai thì có lẽ sự tranh cãi không bao giờ chấm dứt. Có vẻ như các nghệ sĩ chưa hề nghĩ rằng họ đang tranh cãi về một vấn đề mà khái niệm còn chưa rõ ràng. “Sến là gì”? E rằng chính bản thân người đặt câu hỏi cũng... ngắc ngứ vì không thể giải thích một cách thỏa đáng.

Hãy nhìn đa chiều

Trước khi có một cuộc “bàn tròn” về nhạc sến, chúng ta cũng nên lắng nghe quan điểm của những nghệ sĩ gắn bó với dòng nhạc vang bóng một thời. Không phải bỗng dưng danh ca Bảo Yến cũng phải “vào cuộc” trước những quan điểm có vẻ hơi quy chụp về nhạc sến. “Trong từ điển nhạc Việt không có nhạc sến mà chỉ có nhạc trữ tình, thể loại gần gũi với quảng đại quần chúng, giúp người nghe tìm thấy những cảm xúc thật... Mà nói về dòng nhạc trữ tình thì đây hẳn là niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam. Trữ tình là thể loại âm nhạc trường tồn qua thời gian, sống mãi trong lòng khán giả và những ca sĩ hát thể loại này cũng có một vị trí nhất định cùng năm tháng” - danh ca Bảo Yến cho biết. Những Tuấn Ngọc, Kim Anh, Hương Lan... đã trở thành những dấu ấn âm nhạc trong lòng biết bao thế hệ khán giả. Những đêm nhạc của họ và Bảo Yến ở những thành phố lớn như Hà Nội giá vé luôn tầm vài triệu cho một cặp nhưng vẫn cháy vé và diễn liên tục nhiều đêm. Vậy mới thấy, nhạc trữ tình luôn được chào đón ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn.

Trở lại với vấn đề khái niệm, ngay cả khi chúng ta tạm bằng lòng với tên gọi “nhạc sến” thì sẽ thật sai lầm khi ai đó quan niệm “nhạc sến” với hàm ý khinh thị, chê bai bởi trong dòng nhạc này có rất nhiều tuyệt phẩm mà chưa chắc các nhạc sĩ dòng nhạc “hàn lâm” đã sáng tác được, như: Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)...

Có thể nói, phủ nhận nhạc xưa đồng nghĩa với việc chúng ta quên mất những giá trị gốc rễ. Hát nhạc sến trong thời “sung sướng” không có nghĩa là chúng ta mãi than khóc cho quá khứ, bi lụy, chìm đắm trong nó, mà để nhìn lại một thời gian khó, để có thể mỉm cười với hiện tại... Đây cũng là thông điệp mà các nghệ sĩ đang miệt mài lưu giữ dòng nhạc xưa muốn gửi gắm tới khán giả.

Nếu có bất kỳ điều gì phàn nàn về nhạc sến, nhạc trữ tình hay nhạc xưa thì có lẽ chính là sự thiếu cẩn trọng của một bộ phận ca sĩ trẻ hiện nay. Trào lưu ca sĩ trẻ chuyển sang hát nhạc trữ tình vì thể loại này dễ kiếm tiền hơn so với các dòng nhạc khác. Ngay cả Long Nhật cũng đồng tình với vấn đề này nhưng anh cũng có những quan điểm khá khách quan: “Đơn giản vì nhạc trữ tình dễ bán đĩa và được đại đa số công chúng đón nhận nên sẽ có thu nhập cao. Khán giả của dòng nhạc này thường là những người có thu nhập, không phân biệt địa vị trong xã hội từ tri thức đến những người lao động bình thường. Họ không thích nghe nhạc trực tuyến hoặc mua đĩa lậu. Vì vậy, họ sẵn sàng chi một khoản tiền xứng đáng để có được những sản phẩm hay và chất lượng. Tuy nhiên, nếu muốn kiếm tiền được thì phải hát thật hay và có cảm xúc”.

Suy cho cùng, quan điểm sáng tác của các nghệ sĩ cùng thời vốn đã không giống nhau, huống chi quan điểm sáng tác của những nghệ sĩ không cùng thế hệ. Chúng ta gọi những bản nhạc vang bóng một thời là “xưa”, là “sến” thì rất có thể nhiều năm nữa, những ca khúc thời thượng của ta cũng sẽ bị thế hệ sau gọi là... “nhạc lạc mốt”. Điều này cũng dễ hiểu!

Tùng Lâm

 

 


Ý kiến của bạn